9. Bố cục của luận văn:
1.2.1.1. Khái niệm thẻ điểm cân bằng:
Theo Robert Kaplan và David Norton thì các hệ thống báo cáo tài chính truyền thống cung cấp thông tin cho thấy kết quả hoạt động của một công ty trong quá khứ, hầu như không thể cung cấp thông tin về kết quả hoạt động của doanh nghiệp đó trong tương lai. Để giải quyết vấn đề này, hai giáo sư nêu trên đã phát triển mô hình với tên gọi “Thẻ điểm cân bằng” được cấu thành từ bốn phương diện riêng biệt tài chính, khách hàng, quy trình nội bộ, đào tạo và phát triển [10]. Cái tên này đã phản ánh sự cân bằng được quy định giữa những mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn, giữa các thước đo tài chính và phi tài chính, giữa những chỉ số về kết quả và chỉ số về các yếu tố thúc đẩy hoạt động, giữa những phương diện hiệu quả hoạt động ngoại vi và nội tại.
Theo David Parmenter trong cuốn sách “KPI – Các chỉ đo lường hiệu suất” ông cũng đồng tình với định nghĩa Thẻ điểm cân bằng của Robert Kaplan và David Norton, tuy nhiên ông bổ sung thêm hai phương diện của mô hình này là Môi trường/Cộng đồng và Sự hài lòng của nhân viên [1].
Theo Paul R. Niven trong cuốn sách “Balanced Scorecard – Thẻ điểm cân bằng” ông mô tả Thẻ điểm cân bằng như tập hợp thước đo định lượng được lựa chọn cẩn thận bắt nguồn từ chiến lược của một tổ chức. Các thước đo được lựa chọn cho Thẻ điểm đại diện cho công cụ mà các nhà lãnh đạo dùng trong việc truyền đạt tới nhân viên và cổ đông bên ngoài về kết quả và những yếu tố dẫn dắt hiệu suất mà thông qua đó, tổ chức sẽ đạt được sứ mệnh cùng các mục tiêu chiến lược của mình [6].
Qua các định nghĩa trên, tác giả đồng tình với quan điểm của hầu hết các nhà nghiên cứu trên và rút ra định nghĩa về Thẻ điểm cân bằng như sau:
Thuật ngữ thẻ điểm cân bằng bao gồm hai yếu tố là Thẻ điểm và Cân bằng. Thẻ điểm là bảng ghi lại những mục tiêu cụ thể mà tổ chức cần đạt được nhằm thực thi chiến lược đã đề ra, giải đáp cho câu hỏi “Cần làm những gì để thực hiện mục tiêu, thực hiện khi nào và những ai sẽ thực hiện?” Về sự cân bằng của
thẻ điểm chính là sự cân bằng giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, giữa các thước đo tài chính và phi tài chính (khách hàng, quy trình nội bộ, đào tạo và phát triển), giữa những chỉ số về kết quả và chỉ số về các yếu tố thúc đẩy hoạt động với một tiềm lực tài chính nhất định sẽ đem lại hiệu quả tương xứng, qua đó tổ chức sẽ đạt được các mục tiêu chiến lược của mình. Mô hình Thẻ điểm cân bằng có thể bao gồm nhiều phương diện nhưng nhìn chung thường tập trung vào bốn phương diện chính là tài chính, khách hàng, quy trình nội bộ, đào tạo và phát triển. Mô hình này được xem là phương pháp nhằm chuyển tầm nhìn và chiến lược của tổ chức thành những mục tiêu cụ thể, những phép đo, chỉ tiêu, biện pháp rõ ràng thông qua việc thiết lập một hệ thống đo lường hiệu quả để quản lý công việc.