7. Tổng quan về lĩnh vực nghiên cứu
3.3.1. Bảo hiểm rủi ro tác nghiệp
Trong việc giảm thiểu rủi ro nói chung và RRTN nói riêng, các nhà quản trị thường phân loại theo mức độ kiểm soát để xác định hành động đối phó với RRTN như tránh rủi ro, thay thế rủi ro, tách rủi ro hoặc chuyển nhượng rủi ro. Trong đó biện pháp chuyển nhượng rủi ro là biện pháp được đánh giá có tính chủ động và hiệu quả cao. Để thực hiện biện pháp này, ngân hàng hoặc các tổ chức phi ngân hàng thực hiện mua bảo hiểm rủi ro cho những hoạt động có khả năng xảy ra rủi ro. Tổ chức bảo hiểm có trách nhiệm chi trả một phần hoặc toàn bộ tổn thất phát sinh do những rủi ro đã được bảo hiểm. Bằng cách này ngân hàng chỉ bỏ ra một lượng chi phí được xác định trước để đề phòng cho những rủi ro có tổn thất chưa xác định được. Do đó, khi xảy ra sự cố rủi ro tác nghiệp, ngân hàng chỉ phải chịu một phần những tổn thất do sự cố gây ra.
Bảo hiểm là công cụ chuyển nhượng RRTN sang bên thứ ba. Bảo hiểm giúp giảm giá trị tổn thất có nguyên nhân từ RRTN. Ngoài ra, khi sử dụng bảo hiểm là ngân hàng đã sử dụng các dịch vụ kiểm soát tổn thất và quản trị rủi ro từ phía các công ty bảo hiểm; Các công ty bảo hiểm đóng vai trò như một giám sát viên độc lập, theo dõi toàn bộ quá trình tác nghiệp của ngân hàng; Nâng cao nhận thức trong quá trình tác nghiệp cũng như quản trị rủi ro; Tạo nhiều lựa chọn khi cân nhắc việc quyết định nên chuyển, tránh hay chấp nhận rủi ro.
Xuất phát từ những lợi ích của công cụ bảo hiểm như đã nêu ở Chương I, công tác QTRRTN trên thế giới đang ngày càng tiến dần hơn đến các hình thức bảo hiểm. Một số loại bảo hiểm RRTN phổ biến:
- Bảo hiểm trọn gói cho tổ chức tài chính (BBB)
BBB là loại hình bảo hiểm cung cấp cho tất cả những thiệt hại về tiền mặt, các công cụ có giá trị thanh toán và các tài sản khác xảy ra do hành vi phạm tội như trộm cắp, giả mạo và cướp giật (do nhân viên hoặc đối tượng bên ngoài gây ra).
Những khoản bảo hiểm chính trong loại hình bảo hiểm trọn gói BBB gồm: • Bảo hiểm lòng trung thành.
• Bảo hiểm an ninh tại trụ sở.
• Bảo hiểm trong quá trình vận chuyển. • Bảo hiểm về tiền giả.
• Bảo hiểm chứng khoán/các hình thức giả mạo. • Bảo hiểm tài sản trong văn phòng.
- Bảo hiểm tội phạm máy tính (ECCP):ECCP là loại hình bảo hiểm đối với những khoản tiền được gửi qua đường điện tử khi có những hành vi phạm tội do có bên thứ ba thâm nhập vào hệ thống máy tính của ngân hàng.
- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (PI): là loại hình bảo hiểm bảo vệ cho cá nhân trong quá trình thực hiện công việc chuyên môn; bồi thường cho người được bảo hiểm những trách nhiệm pháp lý phát sinh đối với khiếu nại của bên thứ ba do những hành vi vô ý gây sai sót và lỗi trong quá trình thực hiện công việc chuyên môn.
- Bảo hiểm trách nhiệm của Giám đốc và các nhà điều hành cấp cao (D&O): là loại hình bảo hiểm trách nhiệm của từng Giám đốc và nhà điều hành đối với những thiệt hại về chi phí phát sinh từ những hành vi gây ra tổn thất được thực hiện trong phạm vi thẩm quyền của giám đốc hoặc nhà điều hành.
- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp nhân viên (EPL): Bảo hiểm trách nhiệm nhân viên được mua cho từng nghiệp vụ với những mức rủi ro khác nhau của từng nghiệp vụ này.
- Bảo hiểm vật chất ngân hàng (Property): Bảo hiểm vật chất ngân hàng chi trả cho những tổn thất về vật chất do những nguyên nhân khác nhau gây ra (do phá hoại từ bên ngoài, do thiên tai…)
Trước thực trạng rủi ro tác nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng gia tăng, đặc biệt là rủi ro tác nghiệp trong hoạt động tín dụng. Vì vậy, nhu cầu được bảo hiểm cho các sự cố RRTN của ngân hàng ngày càng lớn. Một số ngân hàng, ví dụ như Techcombank đã chủ động mua bảo hiểm trách nhiệm cho lãnh đạo cấp cao.
Tuy nhiên, do hệ thống QTRRTN của các ngân hàng phần lớn chưa phát triển cao, việc đánh giá khả năng tổn thất khi xảy ra rủi ro tương đối khó khăn, do đó việc xác định mức bảo hiểm và phí bảo hiểm gặp nhiều trở ngại.
Tại Việt Nam, mới chỉ có một số công ty bảo hiểm có vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ bảo hiểm này, trong đó điển hình là Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Chartis (tiền thân là AIG) và Công ty bảo hiểm AON Việt Nam. Những công ty này đã cung cấp dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm từ đầu những năm 2000. Các sản phẩm chủ yếu tập trung vào bảo hiểm toàn rủi ro ngân hàng, bảo hiểm trách nhiệm của cán bộ cấp cao và bảo hiểm rủi ro hệ thống công nghệ thông tin. Đối với các công ty bảo hiểm trong nước đã có các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp nhưng hầu hết tập trung vào các ngành nghề y tế, kiến trúc và kiểm toán. Một số công ty cung cấp các dịch vụ này như: Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Quân Đội, Bảo hiểm Xuân Thành… Các Ngân hàng có thể nghiên cứu mua một số loại bảo hiểm trong các loại bảo hiểm nêu trên, chẳng hạn như mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với nhân viên một số bộ phận có xác suất xảy ra rủi ro cao như: tín dụng, giao dịch viên…có thể mua bảo hiểm của các công ty bảo hiểm trong nước hoặc các công ty bảo hiểm nước ngoài trên cơ sở đã tính toán, cân nhắc xác suất xảy ra rủi ro, tổn thất có thể xảy ra và mức phí bảo hiểm để quyết định. Trong quá trình thực hiện cần nghiên cứu kỹ, hết sức cân nhắc khi áp dụng, thời gian đầu có thể áp dụng thí điểm, sau đó, nếu thấy phù hợp có thể triển khai rộng rãi, ngược lại, có thể điều chỉnh kịp thời cho phù hợp nhất với điều kiện thực tế.