7. Tổng quan về lĩnh vực nghiên cứu
3.4.2. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Sau khi phân tích thực trạng QTRRTN tại BIDV Hóc Môn, nêu ra những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế đồng thời tìm hiểu nguyên nhân của những mặt chưa được của BIDV Hóc Môn và nghiên cứu bài học kinh nghiệm của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, tác giả xin nêu ra một số kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần quan tâm hơn đến việc quản trị rủi ro tác nghiệp trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tổ chức tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng của công tác QTRRTN để các ngân hàng có thái độ đúng mực hơn đối với công tác này vì hiện nay chỉ có một số ít ngân hàng có triển khai công tác QTRRTN, trong khi rủi ro từ các hoạt động tác nghiệp là có thật, đã được các ngân hàng trên thế giới nhận biết, có biện pháp quản lý từ rất lâu.
- Sớm ban hành những những quy định cụ thể hướng dẫn triển khai hoạt động QTRRTN trên tất cả các mặt từ thiết lập chính sách, quy định, quy trình cho đến phương pháp đo lường, yêu cầu vốn tối thiểu đối với RRTN và cơ chế trích lập dự
phòng RRTN làm cơ sở để các ngân hàng thương mại triển khai áp dụng phù hợp tại đơn vị mình.
- Nhanh chóng xúc tiến việc thành lập ngân hàng dữ liệu chung của ngành Ngân hàng để theo dõi dữ liệu về RRTN của các Ngân hàng tại Việt Nam, để vừa thực hiện mục đích quản lý các Ngân hàng, đồng thời các Ngân hàng có thể khai thác thông tin của Ngân hàng bạn để rút ra bài học kinh nghiệm cho mình, tránh lặp lại sai sót của ngân hàng bạn.
- Nếu chưa thể nêu ra những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể nghiên cứu đưa ra định hướng, lộ trình cụ thể trong việc áp dụng thực hiện các chuẩn mực của Uỷ ban Basel về QTRRTN vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, đồng thời đưa ra các chuẩn, tiêu chí cần thiết để các ngân hàng biết và có động thái chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện tại ngân hàng mình.
- Ban hành văn bản quy định các tiêu chuẩn, yêu cầu tối thiểu đối với hệ thống QTRRTN để áp dụng tại các Ngân hàng Việt Nam, trên cơ sở đó, các Ngân hàng thương mại nghiên cứu, có lộ trình triển khai áp dụng phù hợp với điều kiện của ngân hàng mình, đồng thời đảm bảo quy định của Ngân hàng nhà nước.
- Để nâng cao tính tuân thủ trong việc thực hiện các chỉ đạo của các ngân hàng, ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ thanh tra, giám sát đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng đảm bảo giám sát, thanh tra công tác QTRRTN tại các ngân hàng về việc thực hiện các quy định của Ngân hàng nhà nước trong việc QTRRTN, trong việc cung cấp thông tin RRTN cho ngân hàng dữ liệu RRTN.
- Tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, tham gia hội thảo, học hỏi kinh nghiệm về quản trị rủi ro tác nghiệp của các hiệp hội quốc tế, các ngân hàng lớn trong khu vực và trên thế giới để phổ biến đến các ngân hàng Việt Nam.
- Thành lập trung tâm thông tin tác nghiệp, tương tự như Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), nhằm cập nhật, lưu trữ thông tin rủi ro tác nghiệp của các ngân hang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam để giúp các ngân hàng tra cứu, sử dụng thông tin về rủi ro tác nghiệp, phục vụ tốt hơn cho yêu cầu quản trị RRTN. Thông tin ở Trung
tâm này là toàn diện, đầy đủ, là kênh thông tin chính thức, đáng tin cậy, đồng thời có cảnh báo đối với các loại rủi ro mới xuất hiện ở Việt Nam, dần dần liên kết với các hiệp hội về RRTN như đã đề cập ở trên để nắm thông tin, đưa ra cảnh báo cho các ngân hàng Việt Nam đối với các loại rủi ro mới xuất hiện ở khu vực, trên thế giới.