CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA THANH TRA THUẾ

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả thanh tra người nộp thuế ở việt nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 76 - 80)

Thanh tra thuế chịu sự điều chỉnh của Luật Quản lý thuế, Luật Thanh tra chuyên ngành và các luật thuế. Có thể đánh giá những tác động của các luật này tới thanh tra thuế thời gian qua thông qua các cơ sở pháp lý chính sau:

Luật Quản lý thuế

Thanh tra thuế chịu sự điều chỉnh chủ yếu của Luật Quản lý thuế (Điều 3, 8, 9, 34, 75, 76, từ Điều 81 đến Điều 90 Luật Quản lý thuế). Có thể đánh giá những ảnh hưởng của Luật Quản lý thuế tác động đến thanh tra thuế qua các mặt sau:

Một trong những nội dung cơ bản của Luật Quản lý thuế là chính thức áp dụng cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp. Thực hiện cơ chế này, NNT chủ động tự xác định đúng số thuế phải nộp, thực hiện nộp thuế đúng thời hạn cũng như xác định các ưu đãi thuế, quyền lợi về thuế. CQT có trách nhiệm tuyên truyền, hỗ trợ, thanh tra, cưỡng chế, thu nợ tiền thuế, tiền phạt... Thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế, CQT phải tăng cường kiểm tra giám sát việc kê khai, nộp thuế, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật thuế. CQT trong quá trình khai nộp thuế hoàn toàn có quyền kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện sai sót hoặc sai phạm thì truy thu đủ số thuế thiếu và xử phạt, đồng thời yêu cầu NNT chấn chỉnh công tác kê khai, nộp thuế. Luật Quản lý thuế xác lập cơ chế không thanh tra thường xuyên NNT mà tôn trọng tính tự giác tuân thủ của NNT, tuy nhiên khi CQT phát hiện hành vi vi phạm, gian lận, tránh, trốn thuế của NNT thì sẽ xử phạt thật nặng.

Như vậy, trong cơ chế tự khai tự nộp, phương thức quản lý thuế được đổi mới căn bản, chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", khối lượng công việc sự vụ của CQT giảm đi đáng kể nhưng ngược lại, chất lượng quản lý lại đòi hỏi cao hơn, do đó hệ thống CQT từ trung ương đến địa phương lại càng phải nâng cao chức năng thanh tra, kiểm tra.

Thanh tra thuế phải dựa trên cơ sở phân tích thông tin về NNT để lựa chọn đối tượng thanh tra thuế. Việc phân tích thông tin NNT dựa trên phương pháp phân tích rủi ro trong thanh tra, tìm khâu yếu nhất để tập trung giám sát, thanh tra.

Luật Quản lý thuế quy định thanh tra thuế được sử dụng một số biện pháp mạnh, khẩn cấp để ngăn chặn vi phạm như: tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi vi phạm; khám nơi cất dấu tài liệu, tang vật; ghi âm, ghi hình công khai khi lấy thông tin trực tiếp từ đối tượng thanh tra, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật Quản lý thuế quy định trường hợp có thông tin xác định hành vi trốn thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì CQT chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Do Luật chưa giao cho CQT chức năng điều tra nên CQT sẽ phải làm thao tác chuyển hồ sơ này cho cơ quan có thẩm quyền xử lý cho đúng thủ tục. Tuy nhiên, việc này cũng có mặt tích cực tích cực là giúp CQT nói chung và thanh tra thuế giảm tải công việc.

Luật Quản lý thuế ra đời đã quy định thu hẹp đối tượng thanh tra thuế: chỉ tập trung thanh tra đối với “doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh đa dạng, phạm vi kinh doanh rộng”; “các doanh nghiệp khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế”; “hoặc theo yêu cầu của thủ trưởng CQT các cấp hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính”. Theo quy định này, ngành thuế cần tập trung thanh tra các doanh nghiệp có ngành nghề, lĩnh vực có dấu hiệu rủi ro cao như doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, chuyển giá, doanh nghiệp lỗ nhiều năm liên tục vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh...

Có thể thấy, Luật Quản lý thuế chính là hành lang pháp lý để ngành thuế thực hiện đổi mới phương thức hoạt động thanh tra theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả.

Luật Thanh tra chuyên ngành

Nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách của ngành thuế nhằm hạn chế và phòng, chống trốn-tránh, gian lận thuế, CQT đã kịp thời được giao chức năng thanh tra chuyên ngành để hoạt động thanh tra trở nên mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn.

Quyền hạn và nhiệm vụ của thanh tra thuế cũng được điều chỉnh theo các quy định của Luật Thanh tra; Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/09/2011 quy

định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra, Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, Nghị định số 82/2012/NĐ-CP ngày 09/10/2012 về tổ chức hoạt động thanh tra ngành Tài chính, Thông tư số 19/2013/TT-BTC ngày 20/02/2013 của Bộ Tài chính.

Luật Thanh tra quy định: “Thanh tra Nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành”.

“Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn-kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó”.

“Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực, bao gồm tổng cục, cục thuộc bộ, chi cục thuộc sở được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành”. (Điều 3)

Theo các quy định tại Nghị định số 82/2012/NĐ-CP ngày 09/10/2012:

Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm “Tổng cục Thuế”, “Cục Thuế”, “Chi cục Thuế” (Điều 4)

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Cục thuộc Tổng cục Thuế: “Tổng cục Thuế có nhiệm vụ hướng dẫn xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra của các Cục Thuế trực thuộc”. (Điều 9)

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Thuế, Chi cục Thuế: “Cục Thuế có nhiệm vụ hướng dẫn xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra của các Chi cục Thuế trực thuộc” (Điều 10)

Tổng cục Thuế, Cục Thuế có quyền thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn, kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý (Điều 9, Điều 10).

Có thể thấy, các quy định cụ thể điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra của CQT các cấp không nằm trong Luật Quản lý thuế mà lại nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra chuyên ngành. Đặc biệt thanh tra chuyên ngành quy định Chi cục Thuế cũng được quyền thanh tra thuế. Như vậy, trong các văn

bản luật quy định về thanh tra, thanh tra thuế thuộc phạm trù thanh tra chuyên ngành, thuộc thanh tra tài chính. Chức năng, nhiệm vụ của thanh tra thuế không được quy định cụ thể trong Luật Thanh tra mà được quy định Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo các quy định tại các văn bản trên, thủ trưởng CQT sẽ là người được giao chức năng: “Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện và kiểm tra công tác thanh tra trong phạm vi quản lý của mình” và ra “quyết định thanh tra”, “phân công công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra”. Như vậy, sẽ không còn tồn tại chức danh “Chánh thanh tra” thuế độc lập, có tư cách pháp nhân riêng như trước đây, thay vào đó toàn bộ nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành sẽ do Thủ trưởng CQT chỉ đạo, điều hành.

Bộ phận thanh tra CQT các cấp sẽ được gọi là “bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành”. Nghị định 82/2012/NĐ-CP quy định: “Bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục tổ chức thành Vụ”, tại “Cục thuộc Tổng cục tổ chức thành Phòng; tại Chi cục Thuế tổ chức thành Đội” (Điều 12)

Vụ, Phòng, Đội thanh tra ngành thuế có nhiệm vụ chung sau:

“Chủ trì, phối hợp với các bộ phận liên quan thuộc cơ quan mình xây dựng kế hoạch thanh tra trình thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp; Thực hiện thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên, thanh tra đột xuất khi được thủ trưởng cơ quan giao; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng theo quy định của pháp luật khi được phân công; Tổng hợp, đánh giá và báo cáo kết quả công tác thanh tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của thủ trưởng cơ quan và thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cấp dưới trực tiếp, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra; thực hiện các nhiệm vụ khác do thủ trưởng cơ quan giao và theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, lần đầu tiên cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của thanh tra thuế được quy định cụ thể, rõ ràng bằng các văn bản pháp quy (Nghị định), theo đó, thanh tra thuế có chức năng “tham mưu” cho thủ trưởng CQT các cấp, và chỉ được “thanh tra theo kế hoạch và theo nhiệm vụ đột xuất thủ trưởng CQT giao, đồng thời chỉ được xử lý “theo thẩm quyền” quy định.

Các quy định trên là căn cứ, cơ sở cho phép CQT (là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuế) được thanh tra các doanh nghiệp - là đối tượng nộp thuế - theo quy định của pháp luật.

Các luật thuế

Các Luật thuế (GTGT, TNDN, TNCN, TTĐB,…) là hành lang pháp lý để CQT tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế của NNT. Thanh tra thuế luôn dựa vào các quy định của các luật thuế để đối chiếu, kiểm tra tính đúng, tính đủ của hồ sơ khai thuế, kiểm tra căn cứ tính toán số thuế phải nộp của từng loại thuế (bao gồm số thuế tạm tính và số thuế theo quyết toán). Biên bản thanh tra, các kết luận thanh tra, truy thu của thanh tra thuế đều phải viện dẫn các căn cứ quy định trong các luật thuế để đảm bảo tính tuân theo pháp luật trong các văn bản thanh tra. Thiếu các căn cứ viện dẫn tại các luật thuế, các kết luận thanh tra sẽ lỏng lẻo và không thuyết phục được NNT, dễ bị NNT khiếu nại, khiếu kiện.

Thời gian qua, các quy định trong các luật thuế đã được quốc hội sửa đổi cho phù hợp hơn với thực tế, rõ hơn, ít chồng chéo làm cho hành lang pháp lý của thanh tra thuế chặt chẽ hơn, đồng thời giúp NNT hiểu được tính chất nghiêm minh của pháp luật thuế và những tổn thất, tác hại của việc không tuân thủ các luật thuế. 3.2. THỰC TRẠNG THANH TRA THUẾ THỜI GIAN QUA

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả thanh tra người nộp thuế ở việt nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 76 - 80)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(180 trang)
w