Các phương pháp thanh tra thuế

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả thanh tra người nộp thuế ở việt nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 39 - 45)

Phương pháp thanh tra thuế được hiểu là cách thức, biện pháp mà CQT (đoàn thanh tra, CBTT) áp dụng khi tiến hành thanh tra thuế nhằm thực hiện mục tiêu quản lý. Có một số phương pháp thanh tra chủ yếu sau:

Phương pháp phân tích rủi ro

Phân tích rủi ro là phân tích những dấu hiệu, xu hướng phát triển có khả năng gây thất thu thuế và không tuân thủ pháp luật thuế. Phân tích rủi ro cần một khối lượng lớn thông tin lịch sử và dữ liệu tài chính của NNT nhằm mục đích đối chiếu.

Thanh tra thuế trên cơ sở phân tích rủi ro là phương pháp CQT áp dụng kỹ thuật phân tích rủi ro về thuế của NNT trong thanh tra thuế ở các nội dung tính thuế, khai thuế, nộp thuế nhằm sàng lọc, phát hiện những NNT có rủi ro về thuế cao nhất để đưa vào diện thanh tra. (Xem Mô hình 2.1. Lựa chọn đối tượng thanh tra theo phân tích rủi ro)

Để phân tích được rủi ro về thuế, CQT phải thu thập, lưu giữ các thông tin có hệ thống về NNT, từ những thông tin này CQT tiến hành đánh giá mức độ rủi ro, xếp hạng rủi ro theo các mức độ từ cao xuống thấp dựa trên các tiêu chí xác định rủi ro. Với những NNT bị xếp hạng rủi ro cao sẽ phải tiến hành thanh tra, kiểm tra trước; nếu rủi ro rất cao thì phải thanh tra kỹ lưỡng hơn. Với những NNT có độ rủi ro thấp, thường xuyên chấp hành tốt pháp luật thuế, không nợ thuế quá hạn, số thuế nộp thường xuyên cao và ổn định... thì ít tiến hành thanh tra.

Thanh tra thuế trên cơ sở phân tích rủi ro được thực hiện qua các phân tích dọc, ngang, phân tích tỷ suất các Báo cáo tài chính, tờ khai thuế, lịch sử tuân thủ của NNT.

Phân tích chiều dọc: là việc lấy số liệu của tiêu chí cần so sánh chia cho số liệu của tiêu chí tổng (thường là tiêu chí Tổng Tài sản- Tổng Nguồn vốn trên bảng Cân đối kế toán hoặc Tổng doanh thu trên Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh) của một báo cáo tài chính nhằm xác định tỷ trọng của từng yếu tố cấu thành lên tổng để thấy được sự biến đổi của các tiêu chí so với tỷ trọng có tính phổ biến, từ đó đánh giá được biến đổi bất thường nào gây nên rủi ro về thuế.

Phân tích chiều ngang: là việc lấy số liệu kỳ phân tích chia cho số liệu kỳ trước của cùng một tiêu chí nhằm so sánh sự biến động của tiêu chí qua các năm, qua đó tìm ra sự biến động có tính chất bất thường gây nên những rủi ro về thuế.

Phân tích tỷ suất: CBTT sử dụng các tỷ suất như nhóm tỷ suất thanh khoản, nhóm tỷ suất khả năng hoạt động, nhóm tỷ suất khả năng sinh lời, nhóm tỷ suất cơ cấu tài sản-nguồn vốn. Một số tỷ suất thông dụng thường để dùng để phân tích rủi ro như: biến động của tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, thay đổi hệ số nợ, khả năng thanh toán nhanh …

Phân tích mức độ tuân thủ về kê khai-nộp thuế của NNT là phân tích tình hình tuân thủ nộp hồ sơ khai thuế; tỷ lệ nợ đọng trên tổng số thuế phải nộp, mức độ chấp hành các quyết định của CQT về truy thu, xử phạt thuế, lịch sử hành vi vi phạm về thuế… Phương pháp phân tích mức độ tuân thủ nghĩa vụ thuế cho phép CBTT có thể đánh giá được khả năng tuân thủ của NNT đến đâu, từ đó xác định được mức độ rủi ro cao hay thấp của NNT.

Sau đó CQT chấm điểm đối với từng loại rủi ro của NNT theo từng tiêu chí khác nhau và tổng hợp điểm số. Thông thường NNT được chọn để thanh tra là những NNT có tỷ lệ rủi ro cao về thuế.

Thanh tra thuế trên cơ sở phân tích rủi ro không đưa vào kế hoạch thanh tra tràn lan mọi NNT, mà có sự lựa chọn, cân nhắc NNT rủi ro để đưa vào diện thanh tra theo các tiêu chí xác định rủi ro, phân tích và đánh giá mức độ rủi ro, ảnh hưởng của rủi ro, từ đó có biện pháp xử lý rủi ro nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của nó đến hiệu quả thanh tra thuế cũng như hiệu quả quản lý thuế.

Phương pháp này có các ưu điểm sau:

Một là, với việc áp dụng phân tích rủi ro trong thanh tra thuế, CQT sẽ phân loại NNT theo những tiêu chí chấp hành pháp luật thuế khác nhau, từ đó tập trung giám sát các đối tượng nộp thuế có ý thức tuân thủ kém, mức độ rủi ro cao. Như vậy, đảm bảo việc lựa chọn đối tượng thanh tra được chính xác nhằm giúp CQT có thể thu đúng, thu đủ tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

Hai là, phân tích rủi ro rất hữu dụng trong việc phân tích chuyên sâu, phân loại rủi ro NNT, có tác dụng không những ở khâu lập kế hoạch thanh tra, tiến hành thanh tra…của chức năng thanh tra mà còn trợ giúp cho các bộ phận chức năng khác của CQT hoàn thành tốt nhiệm vụ, ví dụ bộ phận kê khai, bộ phận kiểm tra thuế, bộ phận tuyên truyền – hỗ trợ NNT.

Ba là, áp dụng phân tích rủi ro trong thanh tra thuế, CQT sẽ xác định được chính xác tương đối mức độ tuân thủ pháp luật thuế của NNT, tạo sự công bằng cho NNT, do đó khuyến khích NNT tự nguyện tuân thủ pháp luật thuế. Chiến lược nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế của NNT là hoàn toàn cần thiết, nhất là trong cơ chế tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ của mình

Tuy nhiên, phương pháp phân tích rủi ro chỉ phát huy hiệu quả cao nhất khi CQT xây dựng được các “ngưỡng” hoặc các tỷ suất bình quân chung theo ngành, lĩnh vực kinh doanh...tại những thời điểm nhất định để làm căn cứ đánh giá, so sánh, đưa ra nhận định về đối tượng đang phân tích. Đồng thời, để chuyên nghiệp hóa công tác thanh tra thuế, khi áp dụng phân tích rủi ro cũng cần sự phối hợp cung cấp thông tin, hỗ trợ của các bộ phận chức năng khác trong CQT, vì thiếu sự hỗ trợ này, tính chính xác khách quan trong phân tích sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Phương pháp đối chiếu, so sánh.

Đây là phương pháp nghiệp vụ được CBTT sử dụng chủ yếu trong suốt quá trình tiến hành một cuộc thanh tra thuế. Nội dung của phương pháp này là việc tiến hành so sánh, đối chiếu các nội dung cần thanh tra để xác định tính hợp lý, khách quan, trung thực của nội dung kiểm tra. Cụ thể là đối chiếu tài liệu, số liệu của đơn vị được thanh tra với các quy định, chuẩn mực hoặc đối chiếu với các đơn vị khác cùng ngành nghề, quy mô sản xuất kinh doanh; đối chiếu giữa báo cáo kế toán với sổ kế toán, giữa sổ tổng hợp và sổ chi tiết, giữa sổ sách kế toán với chứng từ kế toán, đối chiếu giữa số liệu báo cáo thống kê với thực tế về hiện vật (vật tư, hàng hóa, hiện vật...); đối chiếu giữa nội dung tài liệu, báo cáo quyết toán, sổ sách chứng

từ với các chuẩn mực chung của ngành (các định mức kinh tế -kỹ thuật); đối chiếu giữa nội dung thu, chi thực tế với chính sách, chế độ quy định...

Phương pháp kiểm tra từ tổng hợp đến chi tiết

Trình tự hạch toán kế toán phải theo nguyên tắc đi từ chi tiết đến tổng hợp. Tuy nhiên trong công tác thanh tra thuế phương pháp tối ưu để kiểm tra số liệu là đi từ tổng hợp đến chi tiết. Trước tiên CBTT cần xem xét tổng quát về số liệu tổng hợp, sau đó mới kiểm tra số liệu chi tiết và đối chiếu với số tổng hợp. Kiểm tra số liệu chi tiết đi sâu vào kiểm tra số liệu của từng nghiệp vụ kinh tế phát sinh, thể hiện trên chứng từ gốc hoặc bảng kê chi tiết. Việc kiểm tra số liệu tổng hợp được tiến hành với các số liệu đã được tổng hợp theo nội dung kinh tế, phản ánh trên các báo cáo tổng hợp như bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, bảng cân đối số phát sinh tài khoản... Từ việc phân tích đối chiếu trên tài liệu tổng hợp nhằm rút ra nhận xét tổng quát để từ đó định hướng những vấn đề cần đi sâu thanh tra.

Phương pháp này giúp cho CBTT nắm được những vấn đề chính, tổng quát, phát hiện được những mâu thuẫn và những bất thường trên những số liệu tổng hợp, sau đó nếu thấy nghi ngờ sẽ đi vào thanh tra, kiểm tra sâu số liệu chi tiết để đảm bảo tính khớp đúng của số liệu. Phương pháp này giúp CBTT tránh bị sa vào những việc vụn vặt hoặc sa lầy, không tìm được hướng đi rõ rệt.

Phương pháp kiểm tra chứng từ gốc

Chứng từ gốc là cơ sở pháp lý cho mọi số liệu, tài liệu về tài chính, kế toán của NNT, là cơ sở pháp lý cho việc thanh tra tình hình chấp hành pháp luật thuế của NNT. Số liệu, tài liệu kế toán phản ánh các hoạt động kinh tế tài chính của đơn vị đều phải được ghi chép, tính toán trên cơ sở số liệu của chứng từ gốc. Kiểm tra chứng từ gốc là việc thanh tra thuế xem xét tính hợp pháp, hợp lý của hoạt động kinh tế tài chính ghi trong chứng từ gốc. Kiểm tra chứng từ gốc có ý nghĩa quan trọng trong thanh tra thuế vì chứng từ gốc là thông tin cơ sở, là căn cứ pháp lý ghi nhận nghiệp vụ kinh tế phát sinh và thực sự hoàn thành, là cơ sở của mọi số liệu kế toán và kê khai, tính nộp thuế của NNT. Có ba phương pháp kiểm tra chứng từ gốc sau:

Một là, kiểm tra chứng từ theo trình tự thời gian: Là kiểm tra tất cả các chứng từ gốc đã được sắp xếp thứ tự thời gian phát sinh. Ưu điểm của phương pháp này là CBTT nắm được tình trạng của chứng từ theo trình tự, diễn biến của thời gian nghiệp vụ kinh tế phát sinh của NNT. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là đoàn thanh tra tốn nhiều thời gian, nhân lực để thanh tra, do đó đạt hiệu quả thấp nên phương pháp ít được sử dụng.

Hai là, kiểm tra theo loại nghiệp vụ: Là kiểm tra “chứng từ gốc đã được phân loại, sắp xếp theo một loại nghiệp vụ nhất định như: Chứng từ thu, chi tiền mặt, chứng từ nhập, xuất kho...” [15, tr.9]. Phương pháp này áp dụng khi cần kiểm tra để rút ra kết luận đầy đủ về một loại nghiệp vụ nào đó theo yêu cầu thanh tra. Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến trong thanh tra thuế. Phương pháp này tiết kiệm được thời gian kiểm tra, tương đối hiệu quả. Hạn chế của phương pháp này là CBTT chỉ kiểm tra được một nghiệp vụ nhất định, không theo dõi được lịch sử, diễn biến theo thời gian phát sinh của chứng từ

Ba là, kiểm tra điển hình (xác suất): “Là việc lựa chọn ngẫu nhiên (chọn mẫu) một số chứng từ của một loại nghiệp vụ nào đó để kiểm tra, xem xét và rút ra kết luận chung”[15, tr.9]. Việc chọn mẫu có thể thực hiện theo nhóm (theo thứ tự thời gian) hoặc chọn mẫu một cách ngẫu nhiên (rút ngẫu nhiên một vài chứng từ để kiểm tra), hoặc chọn mẫu theo phân tầng (ví dụ: kiểm tra tất cả các khoản chi phí có giá trị lớn). Sau khi hoàn thành việc chọn mẫu, cán bộ thanh tra sẽ phân tích nếu có sự sai sót thì cần phải phân tích nguyên nhân do cố ý sai sót hay vô tình, có thường xuyên lặp lại hay không? mức độ nghiêm trọng của các sai sót? Tùy theo mức độ của gian lận, sai sót mà cán bộ thanh tra có thể mở rộng phạm vi chọn mẫu để thu thập thêm bằng chứng để kết luận.

Phương pháp kiểm tra xác suất tiết kiệm về thời gian, công sức cho đoàn thanh tra, áp dụng trong trường hợp NNT có quá nhiều hóa đơn chứng từ mà việc kiểm tra theo trình tự thời gian hoặc theo loại nghiệp vụ không thể giải quyết được. Do kiểm tra xác suất nên độ chính xác tuyệt đối của phương pháp thanh tra này là không cao.

Các phương pháp kiểm tra bổ trợ

Bên cạnh các phương pháp thanh tra chủ yếu được sử dụng nêu trên, thanh tra thuế còn sử dụng các phương pháp, kỹ năng kiểm tra bổ trợ sau: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Quan sát: quan sát trực tiếp những hoạt động, tài sản, quy trình sản xuất kinh doanh có liên quan đến nội dung thanh tra tại hiện trường. Mục đích của việc quan sát là kiểm tra hiện trạng thực tế của tài sản, kiểm định hoạt động sản xuất kinh doanh có diễn ra hay không, quy mô, mức độ của hoạt động kinh tế phát sinh của NNT như thế nào, có khớp đúng với sổ sách hay không? Khi thực hiện phương pháp này CBTT phải tế nhị không được gây trở ngại cho công việc kinh doanh bình thường của NNT.

Phỏng vấn: giúp CBTT “thu được tin tức từ người có quan hệ trực tiếp, gián tiếp đến nội dung thanh tra” [28, tr.9]. Điều quan trọng là nghệ thuật phỏng vấn phải khéo để thu được những thông tin cần thiết mà người được hỏi lại sẵn sàng trả lời.

Thẩm tra và xác nhận từng phần: Kỹ thuật này đòi hỏi trong quá trình thanh tra phải có văn bản xác nhận về từng phần việc đã được xác minh, trên cơ sở xác nhận từng phần để đi đến xác nhận toàn bộ. Mục đích của phương pháp này nhằm đảm bảo kết luận thanh tra về các nội dung được chuẩn xác, trung thực, khách quan. Khi kiểm tra phải đối chiếu với nhiều nguồn số liệu, nhiều nguồn thông tin để đảm bảo tính khớp đúng của sự việc, do đó phương pháp này còn được gọi là phương pháp phối hợp kiểm tra nhiều nguồn.

Tóm lại, qua tổng hợp các phương pháp thanh tra thuế ta thấy phương pháp thanh tra thuế dựa trên cơ sở phân tích rủi ro là một phương pháp cải tiến khác hoàn toàn so với phương pháp thanh tra truyền thống: chuyển từ tác nghiệp mang tính chất thủ công sang các bước xử lý công việc có tính tự động cao. Phương pháp phân tích rủi ro phát huy tác dụng trong khâu lập kế hoạch thanh tra, giúp thanh tra thuế tìm trúng, tìm đúng NNT có rủi ro cao để tập trung thanh tra, trong điều kiện số lượng NNT phát triển rất nhanh như hiện nay mà nguồn lực thanh tra thuế lại có hạn. Các phương pháp thanh tra còn lại lại phát huy tác dụng khi tiến hành cuộc thanh tra, nhờ đó mà tìm ra gian lận, sai sót thực tế. Trong quá trình triển khai hoạt động thanh tra, CBTT cần vận dụng linh hoạt các phương pháp trong từng bước khác nhau để đạt được hiệu quả cao nhất.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả thanh tra người nộp thuế ở việt nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 39 - 45)