Để đánh giá được hiệu quả của công tác thanh tra thuế cần phải căn cứ vào hệ thống các tiêu chí đánh giá nhất định. Việc đánh giá hiệu quả chỉ được thực hiện tốt nhất bằng việc sử dụng nhiều tiêu chí phản ánh hiệu quả và kết quả, vì không có một phương pháp đơn lẻ đáng tin cậy nào có thể phản ánh được mọi khía cạnh hiệu quả của thanh tra thuế.
Các CQT ngày càng sử dụng nhiều các tiêu chí đánh giá kết quả công việc, để thấy mức độ thay đổi về hành vi là hệ quả của các hoạt động tuân thủ luật thuế của NNT, tác động trực diện đến các chương trình nâng cao tính tuân thủ luật thuế. Thực tế, hầu hết CQT sử dụng các tiêu chí đánh giá hiệu quả để định hướng cho các hoạt động tác nghiệp. Trong phạm vi các tiêu chí đánh giá được sử dụng để hình thành các biện pháp ảnh hưởng đến hành vi ứng xử thì chúng sẽ là công cụ hỗ trợ rất đắc lực để đưa ra các quyết định có ý nghĩa cho việc nâng cao tính tuân thủ luật thuế.
Việc đánh giá hiệu quả thanh tra thuế cần dựa trên cơ sở đánh giá từng cuộc thanh tra thuế bởi hiệu quả thanh tra thuế nói chung được tạo thành từ hiệu quả từng cuộc thanh tra thuế. Tổng hợp kết quả, hiệu quả các cuộc thanh tra thuế sẽ thấy được hiệu quả thanh tra thuế toàn ngành nói chung. Thông thường khi đánh giá hiệu quả một cuộc thanh tra thuế người ta thường sử dụng các tiêu chí sau: 2.2.2.1. Các tiêu chí định lượng
Các tiêu chí định lượng thể hiện ở kết quả cụ thể của thanh tra thuế trong thời gian nhất định, ví dụ như tiêu chí số cuộc thanh tra được tiến hành, số tiền thuế truy thu bình quân một NNT, chi phí trung bình cho một cuộc thanh tra.
Có thể thống kê một số nhóm tiêu chí định lượng đánh giá kết quả thanh tra thuế sau:
* Nhóm tiêu chí liên quan đến số lượng NNT được thanh tra
Việc đánh giá số lượng NNT là rất quan trọng, một số CQT còn tiến hành đánh giá phạm vi bao quát của hoạt động thanh tra thuế đối với những nhóm người nộp thuế nhất định thể hiện bằng giá trị tuyệt đối hay tỷ lệ phần trăm tính trên tổng thể toàn bộ số NNT.
Thuộc nhóm này, có các tiêu chí đánh giá sau:
- Tỷ lệ NNT được thanh tra trong tổng số NNT đang hoạt động
Cách tính: tỷ lệ NNT được thanh trong tổng số NNT hoạt động được tính bằng cách lấy số NNT được thanh tra năm đánh giá chia cho tổng số NNT đang thực tế hoạt động do CQT quản lý trực tiếp.
Số NNT được thanh tra năm đánh giá là số NNT đã hoàn thành thanh tra trong năm (bao gồm: số NNT thanh tra năm trước nhưng đến năm đánh giá mới hoàn thành và số NNT bắt đầu thanh tra và hoàn thành trong năm đánh giá).
Số NNT đang hoạt động: là số NNT đã được cấp mã số thuế, đang hoạt động sản xuất kinh doanh (tính đến thời điểm 31/12 của năm đánh giá)
Ý nghĩa: tiêu chí này phản ánh trong một năm CQT đã thanh tra được tỷ lệ bao nhiêu phần trăm NNT.
Theo quy định, hàng năm CQT phải thanh tra được ít nhất 3% tổng số lượng NNT đang quản lý. Nếu không đạt được tiêu chí này, CQT được coi như không hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ NNT được thanh tra năm và do đó chưa đạt yêu cầu quản lý thuế.
- Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch số lượng NNT được thanh tra
Cách tính: Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch số lượng NNT được thanh tra được tính bằng cách lấy tổng số NNT đã thanh tra trong năm chia cho tổng số NNT theo kế hoạch thanh tra được duyệt đầu năm.
Ý nghĩa: Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch số lượng NNT được thanh tra cho biết trong năm CQT đã hoàn thành thanh tra được số lượng bao nhiêu NNT so với kế hoạch thanh tra năm. Nếu tỷ lệ này nhỏ hơn 100%: CQT chưa hoàn thành kế hoạch được giao. Nếu tỷ lệ này bằng 100%: CQT hoàn thành kế hoạch được giao.
Tiêu chí tỷ lệ hoàn thành kế hoạch số lượng NNT được thanh tra phụ thuộc vào chất lượng lập kế hoạch thanh tra. Nếu kế hoạch số lượng NNT được xây dựng
theo phân tích rủi ro, dựa trên cân đối cơ sở vật chất, nguồn lực thanh tra hiện có của CQT thì tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thanh tra năm được đảm bảo. Còn nếu lập kế hoạch không dựa trên việc phân tích rủi ro và cân đối nguồn lực thì sẽ không cho ra một số lượng NNT chính xác (đưa quá nhiều hoặc quá ít NNT vào kế hoạch thanh tra), và kết quả hoàn thành kế hoạch thanh tra, theo đó cũng sẽ quá cao hoặc quá thấp, và đều không phản ánh đúng khả năng hoàn thành kế hoạch thanh tra năm.
* Nhóm tiêu chí liên quan đến kết quả thanh tra
Thuộc nhóm này, có các tiêu chí đánh giá sau: - Số thuế truy thu bình quân
Cách tính: số thuế truy thu bình quân được tính bằng cách lấy tổng số tiền thuế truy thu, truy hoàn và phạt qua thanh tra chia cho tổng số NNT được thanh tra trong năm.
Ý nghĩa: tiêu chí số thuế truy thu bình quân phản ánh bình quân thanh tra một NNT thì CQT thu về cho NSNN bao nhiêu tiền thuế thiếu, thuế trốn, thuế gian lận.
Số thuế truy thu bình quân một NNT cao cho thấy chất lượng cuộc thanh tra là cao, phương pháp thanh tra tiến hành khoa học, tìm ra được nhiều hành vi sai phạm, trốn tránh thuế của NNT và ngược lại.
- Tỷ lệ số thuế truy thu trên tổng thu NSNN
Cách tính: Tỷ lệ số thuế truy thu trên tổng thu NSNN được tính bằng cách lấy tổng số tiền thuế truy thu, truy hoàn và phạt qua thanh tra chia cho tổng số thu NSNN trong năm của CQT.
Tổng thu NSNN là số thu nội địa do ngành thuế quản lý, bao gồm tất cả các khoản thuế, phí ngành thuế thu được trong năm gồm cả thu từ dầu, thu tiền sử dụng đất.
Ý nghĩa: Thu NSNN là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của ngành thuế. Tiêu chí tỷ lệ số thuế truy thu trên tổng thu NSNN đánh giá mức độ đóng góp của công tác thanh tra thuế trong tổng thu vào NSNN.
- Tỷ lệ nợ đọng sau thanh tra
Cách tính: Tỷ lệ nợ đọng sau thanh tra được tính bằng cách lấy tổng số thuế còn nợ sau thanh tra tính đến hết 31/12 hàng năm chia cho tổng số thuế truy thu của NNT đã thanh tra trong năm.
Ý nghĩa: Tiêu chí tỷ lệ nợ đọng sau thanh tra phản ánh mức độ tuân thủ nộp tiền thuế sau thanh tra của NNT cao hay thấp. Tỷ lệ số thuế nợ đọng một NNT sau
thanh tra càng lớn có nghĩa là mức độ tuân thủ kết luận thanh tra của NNT thấp, NNT đang chiếm dụng nhiều tiền thuế của Nhà nước, đồng thời cũng phản ánh CQT chưa quyết liệt trong việc đôn đốc nợ sau thanh tra và ngược lại.
Theo quy định, sau khi có quyết định truy thu, NNT đã được thanh tra phải nộp toàn bộ số thuế truy thu vào NSNN. Tuy nhiên, trong thực tế có những NNT vì điều kiện tài chính khó khăn, hoặc cũng có thể vì muốn chiếm dụng tiền thuế truy thu, dẫn đến việc không hoặc chưa nộp tiền thuế truy thu vào NSNN.
- Số lỗ sai bình quân bị loại qua thanh tra
Cách tính: Tiêu chí số lỗ sai bình quân bị loại qua thanh tra được tính bằng cách lấy tổng số tiền giảm lỗ sai quy định qua thanh tra CQT loại ra chia cho tổng số NNT báo cáo lỗ được thanh tra trong năm.
Ý nghĩa: Tiêu chí số lỗ sai bình quân bị loại qua thanh tra cho biết cứ trung bình thanh tra một NNT lỗ thì CQT cắt giảm được bao nhiêu lỗ sai quy định. Số lỗ sai bình quân của NNT bị loại qua thanh tra càng lớn chứng tỏ mức độ gian lận trong việc kê khai lỗ của NNT càng nghiêm trọng, có thể xuất hiện dấu hiệu chuyển giá và ngược lại.
Kết thúc cuộc thanh tra không phải lúc nào CQT cũng thu thêm được tiền thuế vào NSNN do hiện nay một số loại hình doanh nghiệp có lỗ lũy kế quá lớn: âm vốn chủ sở hữu, lỗ ba năm liên tiếp, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (gọi tắt là FDI), doanh nghiệp liên doanh, liên kết. Việc giảm lỗ sai, lỗ ảo của doanh nghiệp qua thanh tra cũng được coi như một thành tích, kết quả thanh tra. Khi thanh tra các doanh nghiệp lỗ, thanh tra loại ra (cắt lỗ) những số lỗ ảo lũy kế, trả về giá trị thực của báo cáo tài chính. Do đó, cần thống kê số lỗ giảm này để thấy được hiệu quả của thanh tra thuế.
- Số thuế ưu đãi (miễn, giảm) bình quân bị loại qua thanh tra
Cách tính: Số thuế ưu đãi (miễn, giảm) bình quân bị loại qua thanh tra được tính bằng cách lấy tổng số tiền ưu đãi, miễn giảm sai quy định của NNT bị CQT loại ra qua thanh tra chia cho tổng số NNT có ưu đãi, miễn giảm thuế được thanh tra trong năm.
Ý nghĩa: tiêu chí số thuế ưu đãi (miễn, giảm) bình quân bị loại qua thanh tra cho biết cứ thanh tra trung bình mỗi NNT thuộc diện ưu đãi (miễn, giảm) thuế,
đoàn thanh tra loại ra (xuất toán) bao nhiêu tiền thuế miễn giảm sai quy định. Số thuế ưu đãi (miễn, giảm) bình quân một NNT bị loại qua thanh tra càng nhiều chứng tỏ mức độ NNT gian lận trong ưu đãi, miễn giảm càng cao và ngược lại.
NNT được ưu đãi thuế phải đáp ứng điều kiện thuộc loại hình doanh nghiệp được ưu đãi: doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp có ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, địa bàn được hoạt động ưu đãi.
- Tỷ lệ NNT thanh tra phát hiện có sai phạm
Cách tính: Tỷ lệ NNT thanh tra phát hiện có sai phạm được tính bằng cách lấy tổng số NNT được thanh tra phát hiện có sai phạm dẫn đến phát sinh số thuế truy thu chia cho tổng số NNT được thanh tra trong năm.
Số NNT thanh tra phát hiện có sai phạm: Là số NNT đã thanh tra trong năm đánh giá và kết quả thanh tra NNT có sai phạm.
Số NNT đã thanh tra trong năm: Là số NNT đã hoàn thành thanh tra trong năm (Bao gồm: số NNT thanh tra năm trước nhưng hoàn thành trong năm đánh giá và số NNT bắt đầu thanh tra và hoàn thành trong năm đánh giá).
Ý nghĩa: Tiêu chí tỷ lệ NNT thanh tra phát hiện có sai phạm được sử dụng để đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra thuế qua việc tìm ra được những gian lận, sai sót trọng yếu của NNT dẫn đến phát sinh số thuế truy thu.
* Nhóm tiêu chí liên quan đến chi phí, nguồn nhân lực thanh tra, thời gian thanh tra.
Thuộc nhóm này, có các tiêu chí đánh giá sau: - Chi phí thanh tra bình quân
Cách tính: chi phí thanh tra bình quân được tính bằng cách lấy tổng chi phí thanh tra chia cho tổng số NNT được thanh tra trong năm.
Chi phí thanh tra bao gồm: tiền lương và phụ cấp bộ phận thanh tra, khấu hao máy móc, trang thiết bị, chi phí tập hợp văn bản, in ấn, tập huấn trước thanh tra, chi phí đi lại, chi phí kiểm tra, đối chiếu, xác minh hóa đơn, chi phí giám định, chi phí mua thông tin từ bên thứ ba, từ các tổ chức quốc tế... và các chi phí liên quan khác.Tóm lại, chi phí thanh tra được hiểu là tất cả chi phí mà CQT phải bỏ ra để tiến hành hoạt động thanh tra thuế.
Ý nghĩa: chi phí thanh tra bình quân phản ánh khi tiến hành thanh tra một NNT thì CQT tốn bao nhiêu chi phí. Đây là tiêu chí quan trọng đánh giá mức hiệu quả thanh tra cao hay thấp. Vì hiệu quả thanh tra không chỉ thể hiện ở số thuế truy thu cao mà còn phụ thuộc vào việc CQT cắt giảm được bao nhiêu chi phí không cần thiết cho hoạt động thanh tra NNT.
Chi phí thanh tra bình quân thấp thì hiệu quả thanh tra cao và ngược lại. Do đó, để đạt được hiệu quả thanh tra, CQT cần giảm bớt những chi phí thực sự không cần thiết khi thanh tra, điều này phụ thuộc phần nhiều vào sự cố gắng, nỗ lực nội tại của CQT, đồng thời việc cắt giảm chi phí thanh tra phải đảm bảo làm sao để ít ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động thanh tra, tránh việc tiết kiệm chi phí thanh tra mà dẫn đến giảm số truy thu và giảm khả năng phát hiện vi phạm, gian lận của NNT.
- Tỷ lệ chi phí trên số thuế truy thu
Cách tính: tỷ lệ chi phí trên số thuế truy thu được tính bằng cách lấy tổng chi phí thanh tra chia cho tổng số tiền thuế truy thu của NNT được thanh tra trong năm.
Ý nghĩa: Tiêu chí tỷ lệ chi phí trên số thuế truy thu phản ánh trong mỗi đồng thuế truy thu của NNT qua thanh tra thì CQT phải bỏ ra bao nhiêu đồng chi phí. Tiêu chí này phản ánh mức độ tiết kiệm chi phí của CQT khi so sánh giữa số thuế thu về và chi phí chi ra qua thanh tra.
Hiệu quả thanh tra càng cao khi tỷ lệ chi phí trên số thuế truy thu một NNT càng thấp và ngược lại.
- Thời gian thanh tra bình quân
Cách tính: thời gian thanh tra bình quân được tính bằng cách lấy tổng số thời gian thanh tra thực tế (ngày công) thanh tra chia cho tổng số NNT đã thanh tra.
Ý nghĩa: Tiêu chí này cho biết CQT thường tốn bình quân bao nhiêu thời gian thanh tra để hoàn thành một cuộc thanh tra NNT.
Thời gian quy định về thanh tra một NNT theo Luật Quản lý thuế (không kể gia hạn) là 30 ngày. Với các hoạt động thanh tra NNT vừa thời gian trung bình khoảng 10 ngày. Với những NNT lớn (các Tổng Công ty, Tập đoàn) mất trung bình khoảng 30 ngày. Nếu thời gian bình quân thanh tra NNT thấp hơn hoặc bằng các mức trung bình trên thì được coi là hiệu quả về mặt thời gian thanh tra, thể hiện nỗ lực của CQT trong việc rút ngắn thời gian thanh tra thực tế.
- Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch về thời gian thanh tra
Cách tính: tỷ lệ hoàn thành kế hoạch về thời gian thanh tra (ngày công) được tính bằng cách lấy tổng thời gian thanh tra thực tế chia cho tổng thời gian thanh tra theo kế hoạch.
Tổng thời gian thanh tra kế hoạch là tổng thời gian thanh tra (ngày công) dự kiến đầu năm chia cho tổng số NNT thuộc kế hoạch thanh tra. Tổng thời gian thanh tra thực tế NNT là tổng thời gian bộ phận thanh tra hoàn thành các cuộc thanh tra trong năm.
Ý nghĩa: Tiêu chí tỷ lệ hoàn thành kế hoạch về thời gian thanh tra nhỏ hơn 100% phản ánh trong năm công tác thanh tra có hoàn thành kế hoạch về mặt thời gian thanh tra, rút ngắn, hoàn thành trước được thời gian thanh tra và ngược lại.
Về lý thuyết, có thể tính toán được cụ thể một số tiêu chí nêu trên, song trên thực tế một số tiêu chí rất khó tính toán như chi phí thanh tra bình quân một NNT, thời gian bình quân thanh tra một NNT, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thanh tra về tổng số thời gian thanh tra... Nếu CQT chỉ sử dụng một vài tiêu chí định lượng để đánh giá sẽ không thấy rõ hiệu quả thanh tra thuế mà cần có sự kết hợp các tiêu chí để nhận xét một cách toàn diện. Sau khi tính toán ra kết quả các tiêu chí này cần phải so sánh với kết quả thực hiện của những năm trước để đánh giá sự biến động của các tiêu chí qua các năm, hoặc có thể so sánh với cùng chỉ tiêu của CQT khác có đặc điểm tương đồng để thấy rõ hiệu quả thanh tra thuế của mình ở mức độ nào.
- Hệ số số lượng NNT đã thanh tra trên tổng số CBTT
Cách tính: Hệ số số lượng NNT đã thanh tra trên số cán bộ thanh tra được