Nguyên tắc thanh tra thuế

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả thanh tra người nộp thuế ở việt nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 28 - 31)

Nguyên tắc của hoạt động thanh tra là tập hợp các quy định, quy tắc, chuẩn mực bắt buộc phải thực hiện xuyên suốt trong quá trình hoạt động thanh tra của các cơ quan thanh tra Nhà nước.

Nguyên tắc của hoạt động thanh tra nói chung được quy định trong Luật Thanh tra là:

“Tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời. Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra” (Điều 7)

Nguyên tắc của thanh tra thuế và kiểm tra thuế được quy định trong Luật Quản lý thuế như sau:

“1. Thực hiện trên cơ sở phân tích thông tin, dữ liệu liên quan đến NNT, đánh giá việc chấp hành pháp luật của NNT, xác minh và thu thập chứng cứ để xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế;

2. Không cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là NNT; 3. Tuân thủ quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.” (Điều 75)

Từ những quy định nêu trên cho thấy thanh tra thuế là loại hình thanh tra chuyên ngành, do đó thanh tra thuế đồng thời vừa phải tuân thủ theo nguyên tắc của thanh tra chuyên ngành quy định trong Luật Thanh tra về thanh tra chuyên ngành, vừa phải tuân theo nguyên tắc quy định trong Luật Quản lý thuế.

Các nguyên tắc cơ bản của thanh tra thuế được cụ thể hóa như sau:

Một là, tuân theo pháp luật

Nguyên tắc trước tiên của thanh tra thuế là phải tuân theo pháp luật, điều này khẳng định tính pháp lý của hoạt động thanh tra. Công tác thanh tra phải tuân thủ theo Luật Thanh tra chuyên ngành, Luật Quản lý thuế và các luật thuế.

Nguyên tắc tuân theo pháp luật đòi hỏi “các đơn vị, cá nhân thực hiện hoạt động thanh tra thuế chỉ được giới hạn trong phạm vi quyền hạn mà pháp luật cho phép và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định” [18, tr.495] Mọi hành vi lạm quyền hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đều bị coi là hành vi không tuân thủ quy định của pháp luật và đều phải bị xử lý. Thực hiện nguyên tắc này, chủ thể thanh tra (CQT, đoàn thanh tra và các thành viên đoàn thanh tra) khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để kiểm tra, đánh giá, kết luận, kiến nghị những vấn đề thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận, kiến nghị thanh tra. Đối tượng được thanh tra (NNT) phải nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định của chủ thể thanh tra, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu và giải trình số liệu khi được yêu cầu.

Hai là, đúng quy trình

CQT khi thanh tra thực hiện theo đúng quy trình thanh tra thuế theo Luật Quản lý thuế, đồng thời tuân thủ theo quy trình thanh tra chuyên ngành theo Luật thanh tra chuyên ngành. CBTT, đoàn thanh tra không được làm tắt bước, bỏ qua các khâu, đoạn, thủ tục cho là không quan trọng để nôn nóng, vội vàng kết thúc cuộc thanh tra (ví dụ cán bộ, đoàn thanh tra không được đến thanh tra tại cơ sở NNT khi chưa có quyết định thanh tra của thủ trưởng CQT, làm việc xong CBTT không ký biên bản xác nhận số liệu, chứng cứ phát hiện ra không được CBTT lập biên bản kịp thời, tại chỗ …). Việc tắt bước, sai quy trình sẽ dễ gây rủi ro không những cho chính đoàn thanh tra mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín, tính nghiêm minh của CQT và pháp luật thuế, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong khâu hậu kiểm, NNT sẽ có tâm lý lợi dụng kẽ hở đó để khiếu nại, khiếu kiện đoàn thanh tra, CQT không làm đúng quy trình và NNT sẽ từ chối nghĩa vụ tuân thủ các kết luận thanh tra.

Ba là, hiệu quả

Nguyên tắc hiệu quả hết sức quan trọng đối với thanh tra thuế. Đảm bảo nguyên tắc hiệu quả trong thanh tra thuế có nghĩa là CQT phải đạt được mục tiêu thanh tra của mình với nguồn lực hạn chế. Mục tiêu thanh tra thể hiện trên hai mặt: định lượng và định tính. Hiệu quả về mặt định lượng thể hiện ở số thuế truy thu lẫn số lượng hành vi vi phạm phát hiện qua thanh tra.... Hiệu quả về mặt định tính thể

hiện ở việc thanh tra thuế nâng cao tính tuân thủ của NNT, răn đe phòng ngừa ý đồ gian lận của NNT. Nguyên tắc này đáp ứng được việc bảo đảm nguồn thu và ngăn chặn trốn-tránh, gian lận thuế, nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Để đạt được hiệu quả, thanh tra thuế phải dựa trên cơ sở phân tích thông tin, áp dụng phương pháp phân tích rủi ro nhằm phân loại rủi ro thanh tra thuế, phải phù hợp với khả năng của NNT trong việc tuân thủ các kết luận về thuế.

Bốn là, bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực

Tính chính xác đòi hỏi chủ thể thanh tra phải nhận thức đúng vấn đề, nội dung thanh tra; xác định, đánh giá đúng bản chất của sự việc để kết luận thanh tra mang tính chính xác. Tính chính xác bảo đảm cho thanh tra thuế đạt hiệu quả cao. “Muốn đảm bảo tính chính xác, không chỉ đòi hỏi quan điểm đúng đắn mà còn cần phải có kiến thức, năng lực mới có thể đem lại kết quả chính xác”. [15, tr.6]

Tính khách quan yêu cầu chủ thể thanh tra thuế phải phản ánh đúng sự vật, hiện tượng như nó vốn có, không được lồng ý kiến chủ quan khi mô tả sự vật, hiện tượng. “Tính khách quan và tính chính xác có mối quan hệ tác động qua lại. Tính khách quan tạo tiền đề cho việc kết luận chính xác và kết luận thanh tra thuế chính xác thì mới thể hiện được tính khách quan của thanh tra thuế”. [15, tr.6]

Tính trung thực đòi hỏi chủ thể thanh tra thuế phải tuân thủ các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp, “phản ánh đúng thực tế sự việc, không thiên lệch, bóp méo sự việc dẫn đến kết luận không đúng thực tế”.[15, tr.6]

Năm là, bảo đảm tính công khai, dân chủ, kịp thời

Tính công khai thể hiện ở chỗ CQT phải thông báo đầy đủ, rõ ràng từ nội dung, kế hoạch, quyết định thanh tra đến kết luận thanh tra để các tổ chức, cá nhân liên quan biết, giám sát và phối hợp thực hiện. Việc công khai hoạt động thanh tra thuế nhằm nâng cao tính khách quan hoạt động thanh tra của CQT, hạn chế những tiêu cực phát sinh trong quá trình thanh tra. Tuy nhiên, tuỳ tính chất của cuộc thanh tra thuế cụ thể, cần có hình thức, mức độ công khai phù hợp để đảm bảo hiệu quả hoạt động thanh tra.

Tính dân chủ nhằm tạo cơ hội cho NNT được trình bày ý kiến, quan điểm về những nội dung thanh tra cũng như về hoạt động cụ thể của đoàn thanh tra, tránh tình trạng áp đặt của CQT về các nội dung liên quan đến NNT.

Tính kịp thời: thanh tra thuế nhằm phục vụ các mục tiêu quản lý thuế trong những thời điểm nhất định. Vì vậy, tính kịp thời của thanh tra thuế giúp cho NNT kịp thời nhận rõ sai phạm để sửa chữa, khắc phục ngay, tránh vi phạm kéo dài, giúp CQT chấn chỉnh và sửa đổi cơ chế, chính sách thuế phù hợp thực tiễn, nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Mặt khác, “tính kịp thời còn đảm bảo cuộc thanh tra thuế có biên bản, kết luận đúng thời hạn luật định, tránh tình trạng dây dưa, kéo dài thời gian công bố kết luận thanh tra”. [15, tr.7]

Sáu là, đảm bảo tính không trùng lắp và không làm cản trở hoạt động bình thường của NNT

Tính không trùng lắp: về nguyên tắc, đối với NNT có ngành nghề kinh doanh đa dạng, phạm vi kinh doanh rộng thì thanh tra thuế định kỳ một năm không quá một lần. Do đó, nguyên tắc này nhằm hạn chế tối đa những cuộc thanh tra chồng chéo của các cơ quan quản lý, đảm bảo quyền hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, đảm bảo cùng một nội dung, trong một năm đối tượng chỉ bị thanh tra thuế một lần.

Không làm cản trở hoạt động bình thường của NNT: thanh tra thuế tác động tới quan hệ nhạy cảm giữa CQT và NNT. Sự xuất hiện của CBTT tại cơ sở của NNT cùng với việc kiểm tra, xem xét những vấn đề của NNT, thu thập thông tin từ sổ sách chứng từ của doanh nghiệp sẽ ít nhiều làm gián đoạn các công việc hàng ngày, gây tâm lý, áp lực đối với NNT. Việc cơ quan chức năng thực hiện thanh tra tại cơ sở kinh doanh là cần thiết nhưng ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng bị thanh tra. Hoạt động thanh tra thuế mang tính nhạy cảm vì trong những năm gần đây, vấn đề quyền và những bảo đảm thực hiện quyền của NNT được đặc biệt quan tâm. Tình trạng kéo dài thời gian thanh tra và không công bố kết luận thanh tra có lúc, có nơi vẫn còn tồn tại, vì vậy thanh tra thuế cần tránh để không làm cho NNT bị gián đoạn sản xuất kinh doanh, cần bố trí thời gian, nhân lực hợp lý, cần đặt lịch, lên kế hoạch với NNT trước thì mới tránh được hiện tượng thanh tra quá dày, quá nhiều tại trụ sở NNT.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả thanh tra người nộp thuế ở việt nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 28 - 31)