Khái quát chung về hiệu quả thanh tra thuế

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả thanh tra người nộp thuế ở việt nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 45 - 50)

Theo Từ điển Tiếng Việt, hiệu quả là “kết quả như yêu cầu của việc làm mang lại” [13, tr570]. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam, hiệu quả là “kết quả mong muốn, cái sinh ra kết quả mà con người chờ đợi và hướng tới; nó có nội dung khác nhau ở những lĩnh vực khác nhau. Trong sản xuất, hiệu quả có nghĩa là hiệu suất, là năng suất. Trong kinh doanh, hiệu quả là lãi suất, lợi nhuận. Trong lao động nói chung hiệu quả lao động là năng suất lao động, được đánh giá bằng số lượng thời gian hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm, hoặc là bằng số lượng sản phẩm được sản xuất ra trong một đơn vị thời gian.

Trong xã hội học, một hiện tượng, một sự biến có hiệu quả xã hội, tức là có tác dụng tích cực đối với một lĩnh vực xã hội, đối với sự phát triển của lĩnh vực đó. Hiệu quả của một cuộc điều tra xã hội học là kết quả tối ưu đạt được so với mục tiêu của cuộc điều tra đó

Một số từ điển định nghĩa hiệu quả là sự tương quan, so sánh giữa các kết quả (lợi ích) thu được với các nguồn lực (chi phí) huy động, sử dụng để tạo ra các kết quả đó (đạt được cái gì đó với cái giá là bao nhiêu). Hiệu quả là đạt được một kết quả giống nhau nhưng sử dụng ít thời gian, công sức và nguồn lực nhất.

Hiệu quả, suy đến cùng, là tiêu chí so sánh giữa hai yếu tố: kết quả thu được và chi phí bỏ ra. Hiệu quả cao khi kết quả đạt được ở mức tối đa và chi phí chi ra ở mức tối thiểu. Ngược lại, hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả khi chi phí cao nhưng kết quả thực hiện các mục tiêu, Chương trình, nhiệm vụ của Nhà nước thấp hơn hoặc không đạt được kế hoạch.

Về khái niệm “hiệu quả”, mặc dù còn nhiều tranh luận, song theo các tài liệu được tham khảo mới nhất, tác giả cho rằng đó là “mức độ đạt được các mục tiêu đặt ra”. Nói đến mục tiêu, người ta luôn đề cập đến các chỉ số cụ thể về số lượng, thời gian và nguồn lực. Các chỉ số về hiệu quả thường có các đặc trưng đó là: (1)Tính toán dựa trên cơ sở các chỉ số về số lượng; (2) Thiên về các giá trị đầu ra (kết quả).

Khi xét hiệu quả, người ta phân biệt hiệu quả bên trong và hiệu quả bên ngoài. Nếu như ưu điểm của việc sử dụng khái niệm hiệu quả để đánh giá hoạt

động thanh tra thuế là sự đơn giản, tiện dụng và dễ tính toán thì nhược điểm chủ yếu thường có xu hướng quá tập trung vào mục tiêu của cơ quan quản lý (CQT) hơn là tập trung vào mục tiêu của NNT và các khía cạnh liên quan đến NNT.

Thanh tra thuế không chỉ hướng đến xem xét, đánh giá thực hiện một quyết định quản lý cụ thể, mà phải hướng đến xem xét kết luận, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chương trình nhiệm vụ của chính cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu chỉ đánh giá kết quả mà không so sánh với chi phí đã bỏ ra thì chưa tiếp cận đến khái niệm hiệu quả. Chưa đánh giá được hiệu quả thì thanh tra chưa đáp ứng được yêu cầu của quản lý.

Trong lĩnh vực thuế, hiệu quả của công tác thanh tra không chỉ xét trên khía cạnh vật chất (số thuế truy thu) mà còn xét trên khía cạnh ý thức chấp hành tuân thủ pháp luật của NNT, việc chấp hành pháp luật thuế nói chung và trật tự trong quản lý thuế nói riêng. Ảnh hưởng của hiệu quả thanh tra thuế không những trong sản xuất kinh doanh mà cả trong đời sống xã hội và trong nền kinh tế.

Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD: “Hiệu quả trong thanh tra thuế là nguyên tắc tối thiểu hoá gánh nặng tuân thủ cho NNT và tối thiểu hoá nguồn lực của CQT so với kết quả đầu ra có thể thu lại được”.

Hiệu quả thanh tra thuế càng cao có nghĩa là muốn so sánh chi phí bỏ ra để thanh tra thuế với kết quả đạt được sau thanh tra thuế, ảnh hưởng của thanh tra thuế đối với tính tuân thủ của NNT, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý thuế đối với NNT trong quá trình chấp hành pháp luật về thuế. Hiệu quả thanh tra thuế có được khi đạt được kết quả tối đa với chi phí bỏ ra ở mức tối thiểu.

Tóm lại, hiệu quả thanh tra thuế phải được xem xét trên các góc độ hiệu quả kinh tế, hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu quả xã hội.

Hiệu quả kinh tế: thanh tra thuế truy thu đầy đủ, kịp thời các khoản thuế thiếu, thuế trốn vào NSNN, tăng phát hiện các hành vi vi phạm về thuế qua thanh tra trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn lực và chi phí thanh tra.

Hiệu quả quản lý Nhà nước: thanh tra thuế được coi là hiệu quả nếu đảm bảo được việc thiết lập kỷ cương, trật tự trong lĩnh vực thuế, nâng cao tính tự giác tuân thủ của NNT, đáp ứng được yêu cầu về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế.

Hiệu quả xã hội: thanh tra thuế góp phần thực hiện sự bình đẳng, công bằng giữa những NNT trong việc chấp hành pháp luật thuế, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh do những chênh lệch về nghĩa vụ thuế, nhờ đó mà đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao ý thức tuân thủ của NNT.

Như vậy có thể nói hiệu quả thanh tra thuế được xem xét tổng hợp trên nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau. Các hoạt động thanh tra là một chương trình hoạt động chủ yếu của bất kỳ một CQT nào, vì vậy hiệu lực và hiệu quả của nó cần được rà soát liên tục. Để đạt mục tiêu này, CQT cần áp dụng một phương pháp tổng thể và toàn diện để đánh giá các hoạt động thanh tra, đảm bảo sử dụng một tập hợp đầy đủ các thước đo để đánh giá tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của hoạt động thanh tra.

Tính hiệu quả thanh tra thuế được xem xét trên hai khía cạnh: hiệu quả đối với CQT và hiệu quả đối với NNT.

2.2.1.1.Hiệu quả đối với CQT

Hiệu quả đối với CQT là nâng cao được tính tuân thủ của NNT, đảm bảo NNT chấp hành đúng pháp luật thuế, đảm bảo kỷ luật thu thuế, đảm bảo nguồn thu cho NSNN và công bằng giữa những NNT, xử lý hoặc đề xuất xử lý những vi phạm pháp luật thuế.

Về mặt định lượng, hiệu quả thanh tra thuế thể hiện qua việc góp phần tăng số thuế truy thu: hoạt động thanh tra được cho là hiệu quả nếu phát hiện ra nhiều hành vi vi phạm và số thuế truy thu. “Với cùng môi trường tương đồng và các điều kiện tương tự nhau thì cuộc thanh tra nào cho kết quả số thu vào NSNN cao hơn, phát hiện nhiều hành vi gian lận, sai sót hơn thì được coi là có hiệu quả cao hơn. Một cuộc thanh tra không thể coi là hiệu quả nếu phát hiện ra ít gian lận, sai sót và không có số thu, hoặc thu về NSNN số thuế không đáng kể” [34, tr.17]

Hiệu quả thanh tra thuế còn thể hiện ở việc CQT giảm chi phí thanh tra. Chi phí thanh tra gồm có chi phí tiến hành một cuộc thanh tra, thời gian thanh tra và nhân lực thanh tra. Chi phí tiến hành thanh tra (chi phí đi lại, chi phí kiểm tra đối chiếu, chi phí giám định...) phải được giảm thiểu, thời gian tiến hành thanh tra (từ khi bắt đầu đến khi kết thúc) phải được rút ngắn. Công tác thanh tra được cho là hiệu quả nếu như các yếu tố chi phí này được giảm xuống. Một cuộc thanh tra

không thể coi là hiệu quả nếu như chi phí thanh tra lớn hơn số thuế truy thu sau thanh tra, và thời gian thanh tra bị kéo dài, làm ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn lực của cả CQT và hoạt động sản xuất kinh doanh của NNT. Phải giảm bớt những chi phí thực sự không cần thiết, tiết kiệm chi phí tiến hành hoạt động thanh tra thì mới tăng được hiệu quả trong thanh tra.

Ví dụ: rà soát hiệu quả chi phí trong quá trình thanh tra tại Mỹ, người ta sử dụng biểu mẫu “Phân tích lợi ích chi phí” (Bản tính toán Hiệu quả cuộc thanh tra) nhằm đánh giá lợi ích của chi phí bỏ ra trong trường hợp tiếp tục thực hiện một cuộc thanh tra. Biểu mẫu này được lập tại một thời điểm nhất định đã xác định trước trong quá trình thanh tra. Biểu mẫu này tính toán lợi ích chi phí trên cơ sở tính chi phí tiền công theo giờ phải trả cho mỗi CBTT và nhân chi phí đó với số giờ dự kiến để hoàn thành cuộc thanh tra. Tổng chi phí lao động của CBTT được so sánh đối chiếu với số thuế dự kiến thu được (lợi ích của việc tiếp tục cuộc thanh tra). Phân tích lợi ích chi phí cho kết quả là âm có thể dẫn đến việc kết thúc sớm cuộc thanh tra.

Hiệu quả thanh tra thuế thể hiện ở việc cải thiện ý thức tuân thủ của NNT: Theo quan niệm OECD, “tính tuân thủ của NNT là việc NNT tự giác chấp hành và thực hiện một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời các quy định, thủ tục về thuế theo pháp luật”. [60, tr.5]

Để ước tính mức độ tuân thủ của NNT, người ta sử dụng các tiêu chí như: tuân thủ trong việc khai thuế (tờ khai được kê khai đúng hạn hay không đúng hạn); tuân thủ trong việc tính thuế (căn cứ tính thuế, thuế suất); tuân thủ nộp thuế (nộp đúng hạn hay nợ đọng). Nếu NNT không thực hiện bất kỳ một trong các nghĩa vụ này thì có thể coi là không tuân thủ và mức độ tuân thủ là không giống nhau.

Suy cho cùng, đối với CQT hiệu quả cao nhất của thanh tra thuế là nâng cao được tính tuân thủ kê khai, nộp thuế của NNT và tăng ý thức chấp hành pháp luật thuế của NNT. Mọi biện pháp quản lý ép buộc, cưỡng chế, truy thu thậm chí xử phạt chỉ đem lại tăng thu cho NSNN một phần, tuy nhiên không thể ngăn chặn triệt để tình trạng thất thu tiền thuế thông qua gian lận, trốn-tránh thuế. Hiệu quả cuối cùng của thanh tra thuế là tác động vào ý thức tuân thủ của NNT, làm cho họ tự nguyện tuân thủ thì đem lại tác dụng rất lớn cho quản lý thuế.

"Thanh tra thuế có tác động tích cực đến ý thức tuân thủ trong toàn bộ cộng đồng NNT, đảm bảo hệ thống quản lý thuế hoạt động theo đúng yêu cầu, nâng cao tin tưởng của NNT thông qua các Chương trình tuân thủ có chủ đề rõ ràng, thể hiện sự công bằng của các quy trình tuân thủ. Các tác động này đều góp phần tạo ra các hiệu quả cần đạt tới từ hoạt động thanh tra thuế, nhằm làm tăng mức độ tuân thủ của NNT” [60, tr.49].

2.2.1.2.Hiệu quả đối với NNT

Đối với NNT được thanh tra thuế, các vi phạm và sai sót được điều chỉnh kịp thời, giúp NNT thực hiện tốt hơn pháp luật thuế, chấp hành chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ,...tránh lặp lại những hành vi vi phạm pháp luật không cố ý lặp lại qua nhiều năm do chưa thanh tra nên không được phát hiện, điều chỉnh kịp thời. Thanh tra thuế góp phần tạo điều kiện để NNT nhìn nhận lại khách quan tình hình chấp hành sổ sách, hóa đơn, chứng từ, tình hình kê khai, nộp thuế theo quy định, qua đó trợ giúp cho NNT thực hiện tốt pháp luật thuế.

Thanh tra thuế được đánh giá là có hiệu quả khi đảm bảo tính công bằng, không phân biệt đối xử giữa những NNT với nhau, không phân biệt NNT thuộc thành phần kinh tế nào: Nhà nước hay tư nhân, nước ngoài hay trong nước... Thanh tra thuế tạo sự công bằng giữa những NNT với nhau vì thông qua thanh tra CQT sẽ xử lý những NNT gian lận, trốn tránh thuế làm cho tính pháp lý của môi trường kinh doanh được minh bạch hơn, để các doanh nghiệp cùng cạnh tranh phát triển lành mạnh. Tất cả những hành vi cạnh tranh không bình đẳng thông qua gian lận, trốn-tránh thuế sớm muộn cũng sẽ bị CQT phát hiện và xử lý qua đó giúp cho NNT thuộc mọi thành phần kinh tế thấy được sự công bằng trong hoạt động công vụ của thanh tra thuế, góp phần tạo niềm tin đối với CQT, Nhà nước để tiếp tục đầu tư và tái đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Kết luận của thanh tra thuế về tình hình chấp hành pháp luật thuế của NNT phải dựa trên những luận cứ xác đáng, chứng cứ minh bạch khiến NNT phải “tâm phục, khẩu phục”, để đảm bảo tính dân chủ, công bằng và khách quan cho NNT.

Hiệu quả đối với NNT còn thể hiện ở chỗ thanh tra thuế không gây phiền hà cho NNT, không làm cản trở hoạt động bình thường của NNT.

Để đánh giá hiệu quả thanh tra thuế cần xây dựng và áp dụng một loạt các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động thanh tra (tập trung vào kết quả chung và các kết quả trọng tâm đã định sẵn) với sự kiểm soát chặt chẽ kết quả thu được cũng như chất lượng hoạt động thanh tra đã triển khai trên thực tế.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả thanh tra người nộp thuế ở việt nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 45 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(180 trang)
w