Hiệu quả của công tác thanh tra thuế chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố, trong đó có một số nhân tố chủ yếu sau:
Một là, hệ thống văn bản pháp luật
Thanh tra thuế phải dựa trên cơ sở các văn bản pháp luật, các quy định của Nhà nước. Hệ thống pháp luật hoàn thiện là cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác thanh tra.
Công tác thanh tra thuế có hiệu quả hay không phụ thuộc phần nhiều vào hệ thống văn bản pháp quy liên quan điều chỉnh hoạt động thanh tra thuế. Thanh tra thuế thực hiện quyền kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động khai nộp thuế của NNT. Các luật thuế, Luật Quản lý thuế, Luật Thanh tra chuyên ngành là căn cứ
điều chỉnh thanh tra thuế, vì vậy các văn bản pháp luật đầy đủ, phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý sẽ thúc đẩy thanh tra thuế hoạt động hiệu quả. Ngược lại, nếu các văn bản pháp luật về thanh tra thuế không đầy đủ, không phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý thuế sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả thanh tra thuế.
Việc có được một hệ thống pháp luật thuế đồng bộ, hoàn thiện, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của đất nước sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để việc tuân thủ pháp luật thuế của NNT đi vào khuôn khổ, đồng thời giúp NNT hiểu và nghiêm túc thực hiện theo quy định của pháp luật… Hệ thống chính sách thuế cần phải được thống nhất, nội dung các sắc thuế cần phải rõ ràng minh bạch. Nếu các văn bản pháp luật chồng chéo, có những nội dung mâu thuẫn nhau, quy định một cách “lấp lửng”, không rõ ràng và thủ tục quy định rườm rà sẽ gây khó khăn cho thanh tra thuế, các kết luận thanh tra, vì thế, sẽ thiếu sức thuyết phục NNT, dễ dẫn đến phản bác, khiếu nại kết luận thanh tra, gây ảnh hưởng đến kết quả, hiệu quả thanh tra thuế.
Chính sách thuế nhất quán, không thiên vị đối với bất kỳ NNT nào sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng cho tất cả NNT. Chính sách pháp luật nghiêm minh tạo ra sức ép buộc NNT chú trọng đến việc hạch toán kinh doanh một cách minh bạch hơn và làm giảm ý đồ không tuân thủ của NNT. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm lập lại kỷ cương trong quản lý thuế, nâng cao tính tuân thủ của NNT và tạo điều kiện nâng cao hiệu quả thanh tra thuế.
Các văn bản pháp luật là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm quyền và hiệu lực của thanh tra thuế. Quy định về thẩm quyền của thanh tra thuế mạnh sẽ giúp thanh tra thuế tăng tính hiệu lực thi hành. Trong quản lý thuế, thẩm quyền của thanh tra thuế được quy định trong các văn bản pháp lý như Luật Thanh tra chuyên ngành, Luật Quản lý thuế và các luật thuế, thẩm quyền của thanh tra thuế bao gồm quy định về quyền thu thập thông tin và chế tài để phát hiện và xử phạt các trường hợp không tuân thủ. Hiệu quả và hiệu lực của công tác thanh tra đòi hỏi đội ngũ CBTT phải có thẩm quyền đầy đủ, được phép tiếp cận thông tin do NNT và các đối tượng khác nắm giữ để có thể xác minh được đúng nghĩa vụ thuế của NNT. Các văn bản pháp luật cũng quy định chế tài hợp lý để xử phạt và phát hiện những trường hợp không tuân thủ pháp luật thuế.
Hai là, quy trình, thủ tục và phương pháp thanh tra
Hiệu quả hoạt động chủ yếu do cách thức (phương pháp) hoạt động quyết định, trong đó cách thức quản lý hoạt động có vị trí, vai trò chính. Như vậy, để hoạt động ngày càng đạt được hiệu quả cao cần có cách thức hoạt động nói chung, phương pháp quản lý hoạt động nói riêng phải khoa học. Quản lý hoạt động một cách khoa học là tìm cách, biết cách áp dụng các thành tựu khoa học vào việc giải quyết các vấn đề quản lý, vào việc thực hiện các loại công việc quản lý.
Quy trình, thủ tục thanh tra thuế có ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả thanh tra: Quy trình, thủ tục thanh tra khoa học, hợp lý sẽ làm cho các bước tiến hành đơn giản, đảm bảo thanh tra đúng pháp luật, tiết kiệm thời gian, chi phí, thuận tiện cho CQT và NNT. Quy trình, thủ tục thanh tra khoa học giúp hoạt động thanh tra thuế được minh bạch, rõ ràng. Ngược lại, quy trình thanh tra rườm rà, quá nhiều mẫu biểu, nhiều thủ tục khiến cho thời gian thanh tra sẽ bị kéo dài, gây phiền hà cho đơn vị. Do đó, cải tiến quy trình thanh tra thuế sẽ nâng cao được đáng kể hiệu quả thanh tra.
Phương pháp thanh tra cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả thanh tra thuế. Nếu lựa chọn phương pháp thanh tra không phù hợp, CQT sẽ không đạt được hiệu quả thanh tra như mong muốn. Nếu CQT chỉ sử dụng đơn thuần một phương pháp thanh tra thuế sẽ cho ra kết quả không đầy đủ, mà phải vận dụng nhiều phương pháp kết hợp. Nếu không căn cứ vào tình hình, đặc thù sản xuất kinh doanh, đặc điểm ngành nghề của từng NNT mà áp dụng máy móc phương pháp thanh tra theo trình tự sẽ dẫn đến bỏ sót, thanh tra không trúng, không đúng và sẽ không đủ thời gian thanh tra, dẫn đến hiệu quả thanh tra thấp. Do đó, để thanh tra thuế đạt được hiệu quả, CBTT cần xem xét, bàn bạc rất kỹ phương pháp thanh tra cho phù hợp, khoa học, tránh gây phản ứng của NNT để vẫn đạt được hiệu quả cao nhất.
Hiện nay, CQT đã chuyển sang áp dụng phương pháp thanh tra trên cơ sở phân tích rủi ro. Theo phương pháp này, việc lập kế hoạch thanh tra được tiến hành dựa trên hệ thống các tiêu chí rủi ro để lựa chọn NNT có rủi ro cao về thuế đưa vào diện thanh tra. Thông thường nếu chọn được NNT có rủi ro cao thì hiệu quả thanh tra thu được là cao và ngược lại. Nếu tiến hành theo phương pháp thanh tra trước đây: lựa chọn kế hoạch thanh tra thủ công, theo kinh nghiệm, CQT sẽ không chọn được nhiều NNT có rủi ro, dễ bỏ sót những NNT có dấu hiệu vi phạm, do đó hiệu
quả thanh tra sẽ thấp. Qua phân tích thông tin NNT, bộ phận thanh tra sẽ đề xuất cụ thể về nội dung, đối tượng và phạm vi thanh tra; khái quát những đề xuất này trong quyết định thanh tra và cụ thể hóa trong đề cương, kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra, trình người có thẩm quyền quyết định, phê duyệt. Thực hiện tốt nhiệm vụ trong khâu này là yêu cầu rất quan trọng trong việc đảm bảo triển khai thực hiện cuộc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải về nội dung và không bị kéo dài về thời gian mà vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ yêu cầu đặt ra đối với cuộc thanh tra
Ba là, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra
Tổ chức bộ máy thanh tra có vai trò quyết định đến hiệu quả thanh tra của ngành thuế. Việc xác định cơ cấu tổ chức thanh tra và phân bổ nguồn nhân lực một cách hợp lý, nhằm xây dựng hệ thống thanh tra các cấp khoa học, phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, thực hiện đầy đủ, có tác dụng nâng cao hiệu quả thanh tra thuế.
Bộ máy thanh tra thuế được tổ chức hợp lý, bao quát được các đối tượng thanh tra và các gian lận, sai sót sẽ phát huy được tối đa hiệu lực của toàn bộ hệ thống thuế và hiệu quả quản lý sẽ cao.
Ngược lại, cơ cấu tổ chức bộ máy thanh tra không phù hợp: cồng kềnh, không chuyên nghiệp, phân định không rõ trách nhiệm giữa các bộ phận sẽ làm tăng chi phí thanh tra và kìm hãm, làm suy yếu tổ chức và hạn chế tác dụng của bộ máy quản lý thuế, từ đó làm giảm tính hiệu quả của quản lý thuế.
Việc biên chế quá mỏng nhân sự cho thanh tra thuế khiến thanh tra thuế không đủ nguồn nhân lực để chống thất thu, trốn tránh thuế. Nếu chỉ quy định có thanh tra thuế ở cấp Tổng cục Thuế, Cục Thuế mà không có ở cấp Chi cục cũng làm giảm tính răn đe, phòng ngừa đối với NNT vi phạm, vì các Chi cục Thuế quản lý một số lượng lớn NNT với quy mô hoạt động và hành vi vi phạm của NNT càng ngày càng phức tạp.
Yếu tố con người rất quan trọng, mang tính chất quyết định tới hiệu quả thanh tra thuế. Không có nguồn nhân lực thanh tra chuyên nghiệp và chuyên sâu với hiểu biết sâu rộng về thuế, kế toán, kỹ năng thanh tra và có phẩm chất đạo đức tốt thì dù CQT có cơ sở vật chất hiện đại, chi phí đầu tư lớn, thanh tra NNT có dấu hiệu sai phạm nhiều thì cũng khó có kết quả thanh tra khả quan. Do đó, nguồn CBTT được tuyển chọn và đào tạo chuyên sâu, chuyên nghiệp là nhân tố hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả thanh tra thuế.
Thanh tra thuế là hoạt động thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với NNT nên đối mặt với những rủi ro nghề nghiệp, đồng thời phải đối đầu với sức ép, áp lực khác nhau. Đây là một đặc điểm ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, tình cảm, hành vi công vụ của CBTT; đến hiệu lực hiệu quả của công tác thanh tra kiểm tra NNT, đến uy tín và danh dự của ngành thuế.
Do tính chất công việc phức tạp, đòi hỏi chuyên môn, trình độ, phẩm chất đạo đức của CBTT phải cao hơn những công chức khác, vì vậy chế độ đãi ngộ với CBTT cũng phải tương xứng, nếu không rất dễ dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám” CBTT giỏi ra bên ngoài. Sở dĩ như vậy là vì có không ít CBTT không hài lòng với chế độ tiền lương, thu nhập của công chức hiện hành, vì vậy không phát huy được tinh thần trách nhiệm, hời hợt với công việc, dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình thanh tra tại cơ sở NNT vì CBTT thường xuyên tiếp xúc với môi trường dễ bị cám dỗ mua chuộc. Chế độ đãi ngộ động viên khen thưởng góp phần khuyến khích CBTT dốc hết công sức, trách nhiệm với công tác thanh tra, vì thế, hạn chế được tiêu cực, nâng cao hiệu quả thanh tra.
Bốn là, nguồn thông tin, dữ liệu về NNT
Cơ sở dữ liệu tập trung là nền tảng thông tin quan trọng giúp CQT có thể tập hợp một hệ thống dữ liệu đầy đủ, thuận tiện cho công tác lập kế hoạch thanh tra, giúp cho CBTT thuận tiện trong việc truy lần, truy xuất những dữ liệu quan trọng trong quá trình thao tác nghiệp vụ thanh tra.
Quy trình nghiệp vụ thanh tra thuế hiện đại áp dụng phương pháp thanh tra dựa trên cơ sở phân tích rủi ro từ hệ thống thông tin chủ yếu về NNT của CQT. Yêu cầu của nguồn thông tin, dữ liệu tập trung là phải đảm bảo cung cấp cho bộ phận liên quan khai thác, sử dụng hiểu rõ NNT, nắm được toàn bộ quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình khai nộp thuế và lịch sử tuân thủ, lịch sử thanh tra, kiểm tra của NNT. Bộ phận thanh tra tiến hành phân loại NNT trong kế hoạch thanh tra của mình theo mức độ rủi ro về thuế và về mức độ tín nhiệm của NNT trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước...
Thông tin là cơ sở để quản lý NNT về mặt Nhà nước và góp phần phân tích dự báo xu hướng phát triển kinh tế xã hội, nguồn thu, ảnh hưởng của chính sách thuế đến tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở nắm bắt được thông tin về NNT, CQT khắc
phục được tình trạng thanh tra tràn lan, gây phiền hà cho NNT, đặc biệt đối với những NNT chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật thuế. Vì vậy có thể khẳng định, thông tin về NNT là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả thanh tra thuế. Không có thông tin, dữ liệu đầy đủ CQT sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thanh tra NNT.
Năm là, khâu giám sát hoạt động thanh tra
Hiệu quả của công tác thanh tra phụ thuộc rất lớn vào việc xử lý kết quả sau thanh tra nhằm đảm bảo tiền thuế được nộp vào NSNN đầy đủ và kịp thời, NNT chấn chỉnh hành vi sai phạm. Việc giám sát sau thanh tra không chỉ đánh giá được mức độ tuân thủ của NNT đối với kết luận thanh tra mà còn thông qua đó đánh giá được mức độ hiệu lực của cuộc thanh tra. Việc giám sát sau thanh tra một mặt vừa có thể đôn đốc các khoản nợ kịp thời nhưng qua đó phát hiện những khiếm khuyết của mỗi cuộc thanh tra và có biện pháp chấn chỉnh để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế nói chung và công tác thanh tra thuế nói riêng.
Sáu là, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác thanh tra thuế
Cơ sở vật chất (trang thiết bị, công nghệ) đầu tư cho thanh tra cũng góp phần quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất, hiệu quả của thanh tra thuế. Trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu khiến thanh tra thuế gặp khó khăn trong quá trình tác nghiệp, thời gian thanh tra sẽ bị kéo dài.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều được trang bị phần mềm kế toán hiện đại, quy trình luân chuyển chứng từ tự động hóa, hạch toán tự động nên CBTT khó có thể kiểm tra theo phương pháp thủ công như trước đây, mà cần được CQT trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại khi tác nghiệp, am hiểu về phần mềm, về giao dịch điện tử. Trong quy trình thanh tra hiện đại, tất cả các công việc của thanh tra thuế từ phân tích nhận dạng rủi ro, xếp hạng rủi ro, kiểm tra rủi ro đến việc thanh tra, kiểm tra rủi ro tại doanh nghiệp đều phải có sự hỗ trợ của công nghệ máy tính. Mức độ thành công của công tác thanh tra trên cơ sở phân tích rủi ro phụ thuộc chủ yếu vào mức độ ứng dụng công nghệ máy tính hỗ trợ cho công tác thanh tra.
Bảy là, sự độc lập của thanh tra thuế
Tính độc lập vốn là một trong những thuộc tính của thanh tra, nó có ảnh hưởng gián tiếp tới hiệu quả thanh tra.
Nếu thanh tra thuế không thể độc lập trong hoạt động của mình, đặc biệt khi chịu sức ép và tác động của các yếu tố chính trị, yếu tố bên ngoài, chỉ đạo, sắp xếp của cấp trên thì hiệu quả, kết quả thanh tra sẽ chỉ mang tính hình thức và do vậy, thanh tra không thể đảm bảo được mục tiêu, ảnh hưởng của mình. Do đó, thẩm quyền của thanh tra thuế trong thi hành các nhiệm vụ càng độc lập thì kết quả thanh tra càng khách quan, minh bạch.
Việc áp dụng phân tích rủi ro trong thanh tra thuế dựa theo các tiêu chí chấm điểm để lựa chọn đối tượng thanh tra hàng năm một cách khách quan giúp thanh tra thuế hạn chế những biểu hiện tiêu cực, quấy rối từ phía một số cá nhân có thẩm quyền làm cho doanh nghiệp không yên tâm kinh doanh và tăng tính khách quan cho thanh tra thuế.
Tám là, sự phối hợp của các cơ quan chức năng có liên quan
Để thanh tra thuế hiệu quả, trong quá trình tác nghiệp rất cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng có liên quan như hải quan, kho bạc, ngân hàng, cơ quan công an, cơ quan quản lý của NNT được thanh tra và bên thứ ba (khách hàng, đối tác của NNT). Nếu không có sự hợp tác của các cơ quan này thì CQT sẽ không thu thập đầy đủ được thông tin liên quan để ra kết luận thanh tra thuế một cách chính xác, khách quan và dễ bỏ sót sai phạm. Đồng thời, nếu NNT biết CQT luôn phối hợp với các cơ quan này trong công tác thanh tra sẽ làm nản ý đồ gian lận, tuân thủ tốt hơn pháp luật thuế. Việc chia sẻ, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm xử lý các vấn đề liên quan, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong giải quyết công việc giúp làm giảm chi