Khái niệm đầu tư xây dựng cơ bản có vốn ngân sách nhà nước

Một phần của tài liệu LA _ Trinh Quang Bac _nop QD_ (Trang 26 - 29)

- Luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ

2.1.1.1. Khái niệm đầu tư xây dựng cơ bản có vốn ngân sách nhà nước

* Khái niệm đầu tư xây dựng cơ bản

Quan niệm về đầu tư được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau như kinh tế học, luật học, xã hội học.

Dưới góc độ kinh tế, đầu tư là thuật ngữ chỉ sự “bỏ ra các nguồn lực ở hiện tại để tiến hành các hoạt động nào đó nhằm thu về cho người đầu tư các kết quả nhất định trong tương lai lớn hơn các nguồn lực đã bỏ ra để đạt kết quả đó” [18, tr.16]. Hay nói cách khác, đầu tư chỉ bao gồm “những hoạt động sử dụng các nguồn lực hiện tại, nhằm đem lại cho nền kinh tế xã hội những kết quả trong tương lai lớn hơn các nguồn lực đã sử dụng để đạt được các kết quả đó” [18, tr.17].

Dưới góc độ luật học, đầu tư được hiểu là “việc nhà đầu tư bỏ vốn bằng các loại tài sản hữu hình hoặc vô hình để hình thành tài sản tiến hành các hoạt động đầu tư” . Trong đầu tư có hai hình thức, đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Theo Điều 4, Luật Đầu tư công (2014) “Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội”. Như vậy, hiểu theo nghĩa rộng hay hẹp, theo cách tiếp cận nào thì đầu tư hay đầu tư công cũng được hiểu một nghĩa chung là việc bỏ vốn để tạo mới, mở rộng hoặc cải tạo những cơ sở vật chất nhất định nhằm đạt được sự tăng trưởng về số lượng hoặc duy trì, cải tiến, nâng cao chất lượng của sản phẩm hoặc dịch vụ trong khoảng thời gian xác định.

Xây dựng là việc sử dụng vốn để tạo mới các công trình phục vụ cho các hoạt động kinh tế - xã hội như: Cầu, đường, nhà máy, xí nghiệp, các công trình thủy lợi, cơ quan, trường học, bệnh viện... Công trình xây dựng là sản phẩm của công nghệ xây lắp gắn liền với đất đai (bao gồm cả khoảng không, mặt nước, mặt biển, thềm lục địa) được tạo thành bằng vật liệu xây dựng, thiết bị và lao động, đồng thời, đó cũng là kết quả sử dụng vốn đầu tư cho công trình xây dựng.

Xây dựng cơ bản là xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thật, hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội có tính chất xây dựng như xây dựng công trình giao thông, thủy lợi thủy điện, cầu cảng, xây dựng nhà cửa, công sở, nhà máy phục vụ sản xuất phát triển kinh tế; các công trình phúc lợi xã hội như nhà văn hóa công viên rạp chiếu...phục vụ phát triển của xã hội. Như vậy XDCB có đặc thù riêng đó là lợi ích của nó phục vụ cho mọi người, mọi ngành trong xã hội, nguồn vốn đấu tư lớn cần có sự đầu tư của Nhà nước. Trong những năm qua Nhà nước đã giành hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm cho ĐTXDCB. ĐTXDCB của Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn và giữ vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động ĐTXDCB của nền kinh tế ở Việt Nam. ĐTXDCB của Nhà nước đã tạo ra nhiều công trình, nhà máy, đường giao thông… quan trọng, đưa lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội thiết thực, tuy vậy, hiệu quả ĐTXDCB của Nhà nước ở nước ta còn thấp thể hiện trên nhiều khía cạnh như: Đầu tư sai, đầu tư khép kín, đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng...

Đầu tư xây dựng cơ bản là hoạt động đầu tư để tạo ra các TSCĐ. Trong hoạt động đầu tư, các nhà đầu tư phải quan tâm đến các yếu tố: Sức lao động, tư liệu lao động, đối tượng lao động. Khác với đối tượng lao động (nguyên vật liệu, sản phẩm dở dang, bán thành phẩm...) các tư liệu lao động (như máy móc thiết bị, nhà xưởng, phương tiên vận tải,...) là những phương tiện vật chất mà con ngươì sử dụng để tác động vào đối tượng lao động, biến đổi nó theo mục đích của mình. Bộ phận quan trọng nhất trong các tư liệu lao động là các TSCĐ. Đó là các tư liệu lao động chủ yếu được sử dụng một cách trực tiếp hay gián tiếp trong quá trình sản xuất kinh doanh như máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, nhà xưởng, các công trình kiến trúc, TSCĐ vô hình...Thông thường một tư liệu lao động được coi là một TSCĐ phải đồng thời thoả mãn hai tiêu chuẩn cơ bản: Phải có thời gian sử dụng tối thiểu

và phải đạt giá trị tối thiểu ở một mức quy định. Tiêu chuẩn này được quy định riêng đối với từng nước và có thể được điều chỉnh cho phù hợp với giá cả của từng thời kỳ. Những tư liệu lao động không đủ các tiêu chuẩn quy định trên được coi là những công cụ lao động nhỏ, được mua sắm có vốn lưu động. Tài sản cố định được chia thành hai loại: Tài sản cố định có hình thái vật chất (TSCĐ hữu hình) và TSCĐ không có hình thái vật chất (TSCĐ vô hình). Để có được TSCĐ, chủ đầu tư có thể thực hiện bằng nhiều cách như: Xây dựng mới, mua sắm, đi thuê...

Hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản với kết quả đạt được là tạo ra các TSCĐ được gọi là ĐTXDCB. XDCB chỉ là một khâu trong hoạt động ĐTXDCB. Xây dựng cơ bản là các hoạt động cụ thể để tạo ra tài sản cố định (như khảo sát, thiết kế, xây dựng, lắp đặt...). Đầu tư xây dựng là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt sản phẩm của đầu tư xây dựng là nhũng công trình có quy mô lớn (hoặc rất lớn), quá trình thực hiện đầu tư rất lâu dài (từ vài năm tới vài chục năm). Một công trình đầu tư xây dựng đòi hỏi tập trung một lực lượng vật chất hết sức lớn, kết cấu xây dựng phức tạp, cần huy động nhiều ngành sản xuất vật chất (như: công nghiệp, xây dựng, thuỷ lợi, giao thông, chế tạo vật liệu v.v…) cùng phối hợp tham gia. Đồng thời, đầu tư công trình xây dựng là lĩnh vực bao gồm nhiều giai đoạn được tiến hành theo trình tự thống nhất rất chặt chẽ từ lập dự án, khảo sát, thiết kế, lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp cho đến nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng. Tất cả các giai đoạn này đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

* Nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản và vốn ngân sách nhà nước

Vốn của dự án ĐTXDCB nói chung được cấu thành bởi các nguồn như vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tư nhân và nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân và nguồn vốn đóng góp tự nguyện của dân cư vì lợi ích cộng đồng, kể cả đóng góp công lao động, của cải vật chất để xây dựng các công trình phúc lợi. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài bao gồm đầu tư gián tiếp và đầu tư trực tiếp. Đầu tư gián tiếp của nước ngoài tại Việt Nam là nguồn vốn do nước ngoài cung cấp thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu của Việt Nam, nhưng không tham gia công việc quản lý trực tiếp. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Inverstment - FDI) ở Việt Nam là nguồn vốn nước ngoài trực tiếp đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức tự đầu tư 100% vốn hoặc liên doanh. Ngoài ra còn có nguồn

vốn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức phi chính phủ (Non- Government Organization - NGO. Nguồn vốn của Nhà nước bao gồm (1) ngân sách nhà nước cấp phát; (2) vốn của các doanh nghiệp Nhà nước có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, bao gồm vốn từ khấu hao cơ bản để lại, từ lợi nhuận sau thuế, từ đất đai, nhà xưởng còn chưa sử dụng đến,... được huy động đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; (3) vốn góp của Nhà nước trong liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài và vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước mà Chính phủ cho vay theo lãi suất ưu đãi có vốn tự có hoặc Nhà nước đi vay để cho vay lại đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực được ưu tiên trong kế hoạch nhà nước đối với một số doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; (4) vốn vay nợ, viện trợ từ bên ngoài của Chính phủ thông qua kênh hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Trên thực tế, một phần vốn này sẽ đưa vào ngân sách đầu tư, còn phần ODA cho các doanh nghiệp vay lại thì đưa vào nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

Như vậy, đầu tư xây dựng cơ bản có vốn ngân sách nhà nước là quá trình đưa vốn ngân sách của Nhà nước vào quá trình đầu tư xây dựng cơ bản nhằm phát triển kinh tế quốc dân, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần cho mọi thành viên trong xã hội, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo đảm các mục tiêu quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.

Một phần của tài liệu LA _ Trinh Quang Bac _nop QD_ (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(167 trang)
w