- Luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ
4.2.1.2. Tăng cường công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư xây dựng cơ bản có vốn ngân sách nhà nước
xây dựng cơ bản có vốn ngân sách nhà nước
Đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trong đầu tư xây dựng có nguồn vốn ngân sách nhà nước không chỉ là phát hiện, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án về vi phạm pháp luật trong đầu tư xây dựng có nguồn vốn ngân sách nhà nước mà còn phải xóa bỏ từ gốc các nguyên nhân và điều kiện sinh ra vi phạm thì ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào vi phạm cũng vẫn tồn tại và phát triển. Vì vậy, để tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật nói chung và đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn nhà nước nói riêng, trước hết cần tập trung cố gắng vào việc hạn chế, dần tiến tới xóa bỏ các nguyên nhân sinh ra vi phạm.
Trước hết, đó là tăng cường công tác xây dựng cán bộ làm công tác đầu tư xây dựng cơ bản cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, cần
chú trọng tới đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản và cán bộ thuộc các đơn vị thi công, giám sát. Bởi lẽ, trong hoạt động kinh tế, cán bộ quản lý giữ vai trò cực kỳ quan trọng, là nhân tố quyết định sự thành công hay thất bại. Cán bộ quản lý có đức, có tài thì đưa nền kinh tế phát triển. Ngược lại, cán bộ quản lý sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống sẽ không tránh khỏi việc lợi dụng chức quyền và sơ hở trong cơ chế chính sách để thu vén cho lợi ích cá nhân và tham nhũng. Thực tế này đang tồn tại và phát triển trong đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư xây dựng. Cán bộ tốt thì không có tham nhũng. Vì vậy, việc giáo dục, đào tạo, quản lý và sử dụng cán bộ làm công tác đầu tư xây dựng, công tác thường xuyên tiếp xúc với vật tư, tiền hàng... số lượng lớn, cần hết sức chú trọng đến các phẩm chất về chính trị và đạo đức. Cán bộ làm công tác đầu tư xây dựng có vốn ngân sách nhà nước cần được xây dựng để đảm bảo mỗi người là một tấm gương về đạo đức, lối sống. Nêu cao phẩm chất của người cán bộ mẫu mực với cuộc sống thanh đạm, tránh xa lối sống xa hoa, thậm chí là lối sống truỵ lạc. Có như thế mới có được đội ngũ cán bộ "chí công, vô tư", nhìn thấy của công mà không tham, mới từng bước giải quyết được cái gốc của vấn đề, từng bước đẩy lùi được tham nhũng, nhất là tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản có vốn ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, cần thấy rằng, ở nhiều tỉnh và địa bàn trên cả nước, cán bộ làm công tác đấu thầu của một số chủ đầu tư còn thiếu kinh nghiệm, nhất là trong việc lập hồ sơ mời thầu (HSMT), đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT). Lý do là, mặc dù việc tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về đấu thầu đã được triển khai đến các sở, ngành và các chủ đầu tư, song vẫn chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức. Một số chủ đầu tư không có năng lực chuyên ngành buộc phải thuê đơn vị tư vấn đấu thầu, trong khi đó, các đơn vị tư vấn được lựa chọn chủ yếu trên địa bàn của các tỉnh nên trình độ còn hạn chế. Thực trạng này dẫn dến nhiều sai sót, vi phạm trong quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ bản có vốn ngân sách nhà nước. Do vậy, thời gian tới, cần đổi mới việc đào tạo, nâng cao năng lực của các cán bộ làm công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Có thể áp dụng một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, đảm bảo triển khai thực hiện tốt hoạt động đào tạo cán bộ làm công tác đầu tư xây dựng cơ bản có vốn ngân sách nhà nước tuân thủ theo quy trình đào tạo gồm 4 bước cơ bản là: Xác định nhu cầu đào tạo bồi dưỡng, lập kế hoạch
đào tạo bồi dưỡng, thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng và đánh giá đào tạo bồi dưỡng. Tuy nhiên cần chú ý đến việc đảm bảo các yếu tố liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến đào tạo này như thể chế, ngân sách cho hoạt động đào tạo, chương trình tài liệu, giảng viên và năng lực tổ chức tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy của các cơ sở đào tạo (chú trọng tới người dạy và người học) cũng như năng lực và động lực học tập của học viên. Xác định nhu cầu đào tạo các kiến thức, kỹ năng về đấu thầu, về quản lý ngân sách trong dự án xây dựng cơ bản, kỹ năng giám sát xây dựng, kỹ năng lập, thẩm định, phê chuẩn, tham mưu ra quyết định là bước cơ bản, quan trọng để xác định xem đối tượng đào tạo cần đào tạo bồi dưỡng cái gì, loại năng lực nào cần và loại nào không cần đào tạo bồi dưỡng. Xác định nhu cầu đào tạo bồi dưỡng cần dựa trên luận thuyết chính là: Nhu cầu đào tạo bồi dưỡng = Năng lực cần có của cán bộ công chức- Năng lực hiện có của cán bộ công chức. Việc xác định nhu cầu đào tạo chính là khẳng định chỉ đào tạo đối vớinhững người có năng lực làm việc chưa đáp ứng được mức độ năng lực cần có cho vị trí công việc của họ. Do vậy, đánh giá nhu cầu đào tạo cũng cho thấy thời gian tới, nhất là khi Luật Đầu tư Công năm 2014, Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực thì đối tượng được đào tạo là toàn bộ cán bộ làm công tác đầu tư xây dựng cơ bản có vốn ngân sách nhà nước. Song về kỹ năng thì cần phân loại dựa trên sự so sánh giữa mức độ thành thạo công việc của cán bộ công chức với mức độ quan trọng của công việc mà họ đảm nhận để đào tạo. Đây chính là việc bổ sung kiến thức một cách khoa học thông qua đào tạo, tránh đào tạo tràn lan.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo là một yếu tố quan trọng bởi không có chương trình tốt, đào tạo bồi dưỡng sẽ không mang lại hiệu quả cao. Trên cơ sở Bản mô tả công việc của từng người học sẽ giúp giảng viên xác định các kiến thức (Knowledge), kỹ năng (Skills) và thái độ (Attitude) (viết tắt là KSA) cần thiết để thực hiện công việc.
Thứ hai, phát triển đội ngũ giảng viên có kiến thức và năng lực phù hợp với nội dung đào tạo. Cần thấy rằng, đầu tư xây dựng cơ bản có vốn ngân sách nhà nước là lĩnh vực chuyên môn sâu trong khi đội ngũ giảng viên hiện nay chưa được đào tạo kỹ lưỡng, chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn cũng không nhiều, nên đòi
hỏi cần có các giải pháp đột phá trong việc xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức đủ về số lượng, có bề dầy kinh nghiệm quản lý và năng lực công tác thực tiễn.
Thứ ba, thành lập quỹ quốc gia đào tạo bồi dưỡng về đầu tư xây dựng cơ bản có vốn ngân sách nhà nước. Quỹ này sẽ chú trọng tới việc đào tạo một lớp cán bộ chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế về đầu tư xây dựng cơ bản để trên cơ sở đó có được các cán bộ trẻ tài năng, theo cách thi tuyển riêng, cạnh tranh để chọn và đào tạo bồi dưỡng họ trở thành những cán bộ nòng cốt trẻ cho công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản có vốn ngân sách nhà nước.
Đối với công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng, quy hoạch, đề bạt, bố trí cán bộ, cần chú trọng tới việc căn cứ vào trình độ năng lực phù hợp với vị trí việc làm và đặc thù của công việc đảm bảo tính chuyên môn sâu. Khắc phục dần tình trạng tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt, bố trí cán bộ vào các vị trí liên quan đến đấu thầu, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm vật tư, thiết bị, phân bổ vốn dựa vào cơ sở thân quen, ê-kíp, đồng hương...
Đối với khen thưởng, kỷ luật, cần thấy rằng đây là biện pháp hữu hiệu để có được một đội ngũ cán bộ nói không với vi phạm pháp luật trong đầu tư xây dựng cơ bản có vốn ngân sách nhà nước. Theo kết quả Thanh tra Chính phủ đối với một số dự án đầu tư công ở một số địa phương thời gian qua cho thấy có rất nhiều sai phạm trong đấu thầu, thi công xây dựng, quyết toán sai, quyết toán khống công trình. Tuy nhiên, việc đưa các kiến nghị kỷ luật (trách nhiệm hành chính đối với vi phạm) và kiến nghị xử lý trách nhiệm hình sự đến cơ quan cảnh sát điều tra thì có rất ít trường hợp bị kỷ luật. Đây là một trong những thực trạng đòi hỏi phải có sự nghiên cứu phù hợp về các hình thức kỷ luật (trách nhiệm hành chính) và đặc biệt cần áp dụng biện pháp mạnh là trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, với các vi phạm mang tính tập thể, do pháp nhân gây ra, làm thiệt hại về vốn ngân sách nhà nước thì hiện nay chưa có quy định xác định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Chính vì vậy, việc đề cao kỷ luật cần tăng cường với việc nghiên cứu, bổ sung vào Bộ luật hình sự năm 1999 trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, nhất là loại tội phạm vi phạm trật tự quản lý kinh tế. Có như vậy mới là cơ sở để phòng, chống vi phạm pháp luật một cách hữu hiệu, đảm bảo áp dụng các chế tài hình sự không chỉ với cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật mà đối với doanh nghiệp và người đứng đầu doanh nghiệp.