Khái niệm vi phạm pháp luật

Một phần của tài liệu LA _ Trinh Quang Bac _nop QD_ (Trang 39 - 42)

- Luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ

2.2.1.1.Khái niệm vi phạm pháp luật

Chuẩn mực xã hội là một yếu tố không thể thiếu được của việc quản lý xã hội, là một trong những phương tiện định hướng hành vi của cá nhân hay nhóm xã hội trong những điều kiện nhất định và cũng là phương tiện để xã hội kiểm tra hành vi của con người. Trong xã hội có giai cấp, việc đánh giá các sai lệch chuẩn mực xã hội đều xuất phát từ lợi ích của giai cấp, một tập đoàn xã hội. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin thì khuynh hướng xã hội và kết quả xã hội đạt được là tiêu chuẩn quyết định để đánh giá sự tiến bộ của chuẩn mực.

Xã hội có nhiều hệ thống chuẩn mực khác nhau, nhưng lại đan xen với nhau (Chuẩn mực pháp luật, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực chính trị, chuẩn mực thẩm mỹ…). Ngày nay, để nghiên cứu chuẩn mực xã hội và những sai lệch của chúng, phải có sự hợp tác của nhiều ngành khoa học như luật học, xã hội học, tâm lý học…

Chỉ trên cơ sở sự hợp tác đó mới có thể xác định đúng đắn bản chất, nguyên nhân, nguồn gốc, cơ chế… của những sai lệch xã hội để một mặt, có phương pháp thích hợp chống lại những tiêu cực xã hội và mặt khác để hoàn thiện các chuẩn mực đã lỗi thời.

Pháp luật xã hội chủ nghĩa thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, do Nhà nước ban hành nên được đại đa số nhân dân nghiêm chỉnh thực hiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên vi phạm pháp luật vẫn phát sinh, tồn tại, xâm hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, xã hội, đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Vi phạm pháp luật khá đa dạng, bao gồm nhiều loại khác nhau dựa theo các tiêu chí phân chia nhất định. Mặc dù mỗi loại vi phạm có những đặc điểm riêng xong chúng vẫn có những đặc điểm chung. Những điểm chung này đã được thống nhất cả trong lý luận và thực tiễn.

Xét dưới góc độ của chủ nghĩa hành vi, vi phạm pháp luật có những dấu hiệu cơ bản sau:

Dấu hiệu thứ nhất: Vi phạm pháp luật luôn luôn là hành vi xác định của con người. Chỉ có thông qua hành vi của mình con người có thể gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại cho xã hội. Những gì trong ý nghĩ, trong tư tưởng của con người nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa thể tác động tới xã hội. Vì vậy, để xác định được ý nghĩ hoặc tư tưởng của con người thì cũng phải thông qua cách sử xự bên ngoài, tức là qua hành vi của họ. Vi phạm pháp luật biểu hiện bằng hành vi cụ thể và đó chính là cơ sở để áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với người vi phạm. Ngay từ thế kỷ XVIII, khi đưa ra luận chứng chống lại việc truy tố hình sự đối với ý nghĩ, tư tưởng và quan điểm của con người, Montecxkiơ - luật gia nổi tiếng người Pháp, một trong nhà lý luận lớn nhất về Nhà nước pháp quyền giai đoạn đó đã viết: “Các đạo luật nhất thiết chỉ trừng phạt những hành vi bên ngoài” [28, tr.318]. Sang thế kỷ XIX nhận thức về vấn đề này có điểm phát triển nhất định, xuất phát từ quan điểm nhân đạo, tiến bộ đồng thời để bảo vệ các quyền tự do của con người bằng pháp luật, C.Mác đã viết: “Các đạo luật chống lại khuynh hướng, các đạo luật không đưa ra các quy phạm khách quan là các đạo luật khủng bố. Các đạo luật ấy không lấy hành vi mà lại lấy cách suy nghĩ con người để làm tiêu chuẩn cơ bản, điều đó không có gì khác, mà chẳng qua chỉ

là các chế tài đích thực của tình trạng vô pháp luật” vì “không ai có thể bị tù tội do quan điểm về đạo đức, chính trị và tôn giáo của mình” [28, tr.348]. Tư tưởng này của Mác ngày nay được thể hiện xuyên suốt trong các ngành luật hành chính, luật kinh tế, luật dân sự, luật hình sự…

Rõ ràng vi phạm pháp luật phải là hành vi của chủ thể, được thể hiện dưới dạng hành động hay không hành động. Chỉ những hành động, hoặc không hành động cụ thể của chủ thể nếu trái với pháp luật mới bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Các quy định pháp luật đặt ra là nhằm điều chỉnh hành vi xử sự của chủ thể, chứ không phải suy nghĩ hoặc những đặc tính cá nhân khác của con người.

Dấu hiệu thứ hai: Vi phạm pháp luật không những là hành vi xác định của con người mà hành vi đó phải trái với các quy định pháp luật, xâm hại tới các quan hệ xã hội được pháp luật xác lập và bảo hộ. Hành vi trái pháp luật là hành vi không phù hợp với những quy định pháp luật, không thực hiện những gì mà pháp luật yêu cầu hoặc sử dụng quyền hạn quá giới hạn của pháp luật. Những gì mà pháp luật không cấm, không bảo vệ thì dù có làm trái cũng không bị coi là trái pháp luật, không phải là vi phạm pháp luật. Tính trái pháp luật của hành vi thể hiện ở sự chống đối những quy định chung của pháp luật, tức là khi pháp luật quy định như thế này, nhưng con người lại hành động ngược lại hoặc không tuân theo. Như vậy, hành vi vi phạm pháp luật là hành vi vi phạm những điều đã được pháp luật quy định.

Dấu hiệu thứ ba: Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật chưa đựng lỗi của chủ thể khi thực hiện hành vi đó. Có thể nói tất cả mọi vi phạm pháp luật đều là hành vi trái pháp luật đều chứa đựng yếu tố lỗi. Chỉ những hành vi trái pháp luật nào được chủ thể thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý mới có thể bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Để xác định hành vi vi phạm pháp luật cần xem xét cả mặt khách quan và chủ quan của hành vi, nghĩa là phải xác định trạng thái tâm lý của người thực hiện hành vi trái pháp luật đó (xác định lỗi của họ). Lỗi là yếu tố không thể thiếu được để xác định trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể vi phạm pháp luật. Một hành vi trái pháp luật được thực hiện do những điều kiện, hoàn cảnh khách quan và chủ thể hành vi đó không thể ý thức được, không thể lựa chọn được cách xử sự theo đúng yêu cầu của pháp luật thì hành vi đó không thể coi là hành vi có lỗi và không thể bị coi là hành vi có lỗi và không thể bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ có

những hành vi trái pháp luật nào có lỗi (được chủ thể thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý) mới xác định là hành vi vi phạm pháp luật.

Dấu hiệu thứ tư: Năng lực trách nhiệm pháp lý của chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật. Trong pháp luật xã hội chủ nghĩa sự độc lập gánh chịu nghĩa vụ pháp lý chỉ quy định đối với những người có khả năng tự lựa chọn được cách xử sự và có tự do ý chí. Nói cách khác, người đó có khả năng nhận thức, điều khiển được hành vi của mình và chịu trách nhiệm về hành vi đó. Vì vậy, những hành vi mặc dù trái pháp luật nhưng do những người mất trí hoặc trẻ em (chưa đến độ tuổi theo quy định của pháp luật phải chịu trách nhiệm pháp lý) thực hiện thì vẫn không thể coi là

vi phạm pháp luật. Việc coi năng lực chịu trách nhiệm pháp lý của chủ thể thực hiện là dầu hiệu xác định hành vi vi phạm pháp luật là một quan điểm khá phổ biến trong khoa học pháp lý ở nước ta. Tuy nhiên, theo chúng tôi, không nên coi đây là dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật và dấu hiệu của pháp lý. Xét ở góc độ biểu hiện khách quan thì hành vi xâm hại đến các khách thể được pháp luật bảo vệ, do người không có năng lực thực hiện vẫn cấu thành nên hành vi phạm pháp luật. Chỉ có điều là người đó không chịu trách nhiệm pháp lý.

Trên cơ sở phân tích các dấu hiệu cơ bản nêu trên của hành vi vi phạm pháp luật, có thể đưa ra khái niệm vi phạm pháp luật như sau: Vi phạm pháp luật là hành vi nguy hiểm cho xã hội do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật xác lập và bảo vệ.

Một phần của tài liệu LA _ Trinh Quang Bac _nop QD_ (Trang 39 - 42)