Thực hiện tốt công tác khen thưởng, kỷ luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng đội ngũ công chức hành chính thành phố uông bí, tỉnh quảng ninh (Trang 111 - 113)

5. Kết cấu của Luận văn

4.4.7. Thực hiện tốt công tác khen thưởng, kỷ luật

Khen thưởng và kỷ luật công chức thường gắn liền với quyền lợi và nghĩa vụ người công chức. Nếu thực hiện tốt nghĩa vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao sẽ gắn liền với quyền lợi là chính sách khen thưởng về vật chất cũng như tinh thần. Ngược lại nếu không thực hiện tốt nghĩa vụ, không thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo mức độ vi phạm.

- Về công tác khen thưởng:

Công tác khen thưởng luôn là vấn đề song hành với việc thực hiện nhiệm vụ ở tất cả các cơ quan, đơn vị. Nó là sự ghi nhận, đánh giá, động viên người lao động trong đó có đội ngũ công chức về những thành tích, những cống hiến mà người công chức đã nỗ lực đạt được. Việc khen thưởng kịp thời cả về vật chất và tinh thần, đúng người, đúng việc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo nên động lực để người công chức tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho tổ chức. Thành phố Uông Bí là một trong những địa phương đã thực hiện tương đối tốt công tác khen thưởng, qua đó đã tạo được phong trào thi đua hăng hái trong đội ngũ công chức nói riêng và toàn Thành phó nói chung lập thành tích trong lao động và sản xuất. Thành phố đã ban hành quy chế khen thưởng kèm theo Quyết định số 1973/2013/QĐ-UBND 19/5/2013 ban hành quy chế Thi đua - Khen thưởng của Thành phố Uông Bí. Tuy nhiên công tác khen thưởng vẫn còn có những tồn tại hạn chế chung đó là: Việc khen thưởng đôi lúc còn mang tính hình thức, cào bằng, dàn trải. Khen thưởng mới chỉ tập trung vào đội ngũ lãnh đạo mà chưa có nhiều công chức chuyên môn. Có những việc, những nội dung khen thưởng còn chưa kịp thời, chưa đúng người, đúng việc, còn bị ảnh hưởng bởi quan hệ, yếu tố chính trị. Do vậy chưa tạo được động lực thật sự để đội ngũ công chức hăng say phấn đấu. Để thật sự tạo được phong trào thi đua trong đội ngũ công chức, công tác thi đua khen thưởng của Thành phố cần phải thực hiện tốt những nội dung sau:

+ Cần xây dựng được phong trào thi đua sôi nổi trong toàn thành phố. Thực hiện tốt việc phát động phong trào thi đua ngay từ đầu năm để mọi tầng lớp hăng hái thi đua lập thành tích.

+ Việc xét khen thưởng phải được thực hiện đồng đều (có lãnh đạo, có nhân viên). Khen thưởng đúng người có công trạng, không cào bằng. Để thực hiện tốt việc này, vai trò của người đứng đầu đơn vị có ý nghĩa quyết định. Sự công tâm, khách quan trong đánh giá, bình xét của người thủ trưởng sẽ quyết định đến việc khen thưởng được thực hiện dân chủ, công khai, đúng người, đúng việc.

+ Thực hiện tốt việc khen thưởng đột xuất để kịp thời động viên những công chức có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khi được giao để động viên kịp thời cho công chức. Từ đó sẽ tạo được động lực to lớn để công chức tiếp tục nỗ lực phấn đấu đồng thời tạo động lực cho những công chức khác cùng phấn đấu.

- Về xử lý kỷ luật:

Việc xử lý kỷ luật ngoài việc mang tính răn đe còn có một ý nghĩa quan trọng khác đó là giúp công chức biết được những cái sai, cái lỗi trong thực hiện nhiệm vụ, tạo cơ hội để công chức có thể khắc phục những hạn chế đó để tiếp tục rèn luyện, phấn đấu. Hiện nay, việc xử lý kỷ luật đối với công chức được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật công chức. Nghị định đã quy định khá chi tiết, cụ thể về các hình thức kỷ luật, trình tự thực hiện xử lý kỷ luật đối với công chức. Trong những năm qua, đội ngũ công chức tại các Phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Uông Bí đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, có nhiều công chức đã được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác. Tuy nhiên, qua thống kê từ năm 2010 đến tháng 6/2014, vẫn có 06 công chức bị xử lý kỷ luật (02 hình thức cảnh cáo, 04 hình thức khiển trách). Việc xử lý kỷ luật đã cơ bản được thực hiện theo đúng

quy trình, trình tự quy định. Hình thức kỷ luật cơ bản đúng người, đúng vi phạm. Tuy nhiên qua tìm hiểu thực tế ở một số Phòng, việc xử lý kỷ luật đối với một số trường hợp vẫn chưa thật sự nghiêm túc. Vẫn còn có sự bao che, nể nang trong việc xử lý kỷ luật. Một số trường hợp, hình thức kỷ luật chưa thật sự nghiêm so với lỗi đã vi phạm, không tạo được sự răn đe đối với công chức. Qua đó cho thấy công tác xử lý kỷ luật vẫn cần phải được quan tâm không chỉ để xác định lỗi vi phạm, xử lý người có lỗi mà bên cạnh đó phải xây dựng được hành lang pháp lý, chế tài xử phạt đủ mạnh để công chức không vi phạm, không dám vi phạm, từ đó nâng cao được tinh thần trách nhiệm trong công việc cũng như nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của người công chức. Để làm được điều đó cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

+ Ngoài việc xử lý kỷ luật theo quy định chung của Nghị định số 34/2011/NĐ-CP, Thành phố cần xây dựng được chế tài riêng xử lý kỷ luật đối với công chức nhằm tạo sự răn đe đối với công chức như: chế tài xử phạt về kinh tế, về khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển ...

+ Thực hiện tốt việc bố trí, phân công công việc cho đội ngũ công chức đảm bảo rõ người, rõ việc. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ công chức để tránh xảy ra sai phạm.

+ Xây dựng được quy chế để nhân dân có thể trực tiếp góp ý kiến đối với công chức ngay ở cơ quan, đơn vị công tác và địa phương nơi công chức cư trú.

+ Thực hiện nghiêm quy trình xét kỷ luật, xác định đúng lỗi, đúng người và đưa ra hình thức kỷ luật đúng với từng sai phạm. Khi tiến hành xử lý kỷ luật, việc xử lý phải đảm bảo thực hiện dân chủ, công khai, khách quan, không bao che, dung túng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng đội ngũ công chức hành chính thành phố uông bí, tỉnh quảng ninh (Trang 111 - 113)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)