5. Bố cục của luận văn
1.2.2. Phân loại tiền gửi tiết kiệm tại các Ngân hàng Thương mại
Theo luật các tổ chức tín dụng nước ta quy định: “Tiền gửi là tiền mà các doanh nghiệp và cá nhân gửi vào ngân hàng thương mại nhằm mục đích phục vụ các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tiết kiệm và một số mục đích khác. Là giá trị tiền tệ mà NHTM nhận được từ khách hàng là cá nhân hoặc tổ chức kinh tế”, (Quốc hội 2010), [11]. Đặc điểm cơ bản của nguồn vốn này không thuộc sở hữu của NHTM. Tiền gửi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn vốn và là cơ sở tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng. Để gia tăng vốn tiền gửi trong môi trường cạnh tranh và để có được nguồn tiền có chất lượng ngày càng cao, các ngân hàng đã đưa ra và thực hiện nhiều hình thức huy động khác nhau. Tiền gửi đa dạng về loại hình, kỳ hạn và phân tán khắp nơi. Vốn huy động tiền gửi hình thành từ hai nguồn chính là: Tiền gửi của các cá nhân và tiền gửi từ các tổ chức kinh tế. Trong Luật các TCTD tại Việt Nam đã nêu rõ: “Ngân hàng được nhận tiền gửi của các tổ chức kinh tế, cá nhân và các tổ chức tín dụng khác dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi khác”, (Quốc hội, 2010), [11].
1.2.2.1. Căn cứ theo kỳ hạn của nguồn tiền
Tiền gửi không kỳ hạn là loại tiền gửi có thể rút ra bất cứ lúc nào nên còn được gọi là “Tiền gửi có thể rút ra theo yêu cầu” ( Demand deposit), KH có thể yêu cầu NH trích tiền từ tài khoản của mình để chi trả cho người được hưởng về tiền hàng hoá, cung ứng lao động dịch vụ… Trong Điều 6, quyết định số 1160/2004/QĐ- NHNN của Thống đốc NHTN ban hành Quy chế về TGTK nêu rõ: “Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn là tiền gửi tiết kiệm mà người gửi tiền có thể rút tiền theo yêu cầu mà không cần báo trước vào bất kỳ ngày làm việc nào của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm”[12]. Đối với khoản tiền gửi này, mục đích chính của người gửi tiền là nhằm đảm bảo an toàn về tài sản nhưng không thiết lập được mục tiêu sử dụng trong tương lai. Các giao dịch này không thường xuyên, chủ yếu là giao dịch gửi tiền và rút tiền trực tiếp. Lãi suất TGTK không kỳ hạn thấp, vì NH không chủ động trong công tác cho vay. Mặt khác loại tiền gửi này NH phải thường xuyên thu và chi trả theo yêu cầu của KH nên tốn kém chi phí về kiểm đếm và bảo quản… Loại tiền gửi không kỳ hạn được huy động dưới hình thức sau: (1) Huy động vốn qua tài khoản tiền gửi phi giao dịch: nguồn vốn trên các tài khoản tiền gửi phi giao dịch của KH là những khoản tiền tạm thời nhàn rỗi. Tài khoản phi giao dịch có đặc điểm chung là người sử dụng chúng được hưởng lãi nhưng không có quyền phát hành Séc cho nhu cầu thanh toán. (2) Huy động qua tài khoản giao dịch của KH: đây là khoản tiền gửi mà người mở tài khoản có quyền sử dụng những công cụ thanh toán của NH để phục vụ cho hoạt động của mình như: Ủy nhiệm chi, Ủy nhiệm thu, Séc các loại, thư chuyển tiền…người ta gọi đây là tài khoản có thể phát hành Séc. Các NHTM thậm chí còn yêu cầu duy trì một số dư tối thiểu trên tài khoản. Trường hợp trong thời gian dài trên tài khoản không có tiền hoặc có số dư thấp hơn mức tối thiểu quy định thì chủ tài khoản còn phải trả phí duy trì tài khoản cho ngân hàng. Phải trả phí dịch vụ thanh toán hay không là tuỳ vào quy định của NH đối với từng loại hình dịch vụ thanh toán. Với loại tiền gửi này, người gửi không nhằm mục đích hưởng lãi mà chủ yếu là nhằm đảm bảo an toàn cho khoản tiền và thực hiện các hoạt động thanh toán qua ngân hàng. Chính vì vậy mà loại tiền gửi này còn được gọi là tiền gửi thanh toán. Đây là một nguồn vốn biến động thường xuyên.
b. Tiền gửi có kỳ hạn (Time deposit)
Tiền gửi có kỳ hạn là loại tiền gửi mà khi gửi tiền, KH chỉ được rút ra sau sau một thời hạn nhất định, từ một vài tháng cho đến một vài năm. Trong Điều 6,
quyết định số 1160/2004/QĐ- NHNN của Thống đốc NHTN ban hành Quy chế về tiền gửi tiết kiệm nêu rõ: “Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn là tiền gửi tiết kiệm mà người gửi tiền chỉ có thể rút tiền sau một kỳ hạn gửi tiền nhất định theo thỏa thuận với tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm” [12]. Mục đích của người gửi tiền có kỳ hạn là để đảm bảo an toàn và lấy lãi. Chủ yếu là những cá nhân có thu nhập ổn định và thường xuyên, do vậy lãi suất đóng vai trò quan trọng để thu hút khách hàng. Khi gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn, khách hàng cũng được giao giữ một sổ/thẻ tiết kiệm. Các hình thức thường thấy là chứng chỉ TGTK, tiết kiệm nhà ở, tiết kiệm dự thưởng…Kỳ hạn TGTK của NHTM rất đa dạng, bao gồm nhiều mức kỳ hạn khác nhau nhau kỳ hạn theo theo tháng, theo năm và được trả lãi đầu kỳ, cuối kỳ hoặc trả lãi hàng tháng. Do tính chất loại nguồn vốn này tương đối ổn định, ngân hàng có thể sử dụng phần lớn số dư này để cho vay trung và dài hạn phụ thuộc vào thời hạn của tiển gửi. Nếu nguồn vốn này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn tiền gửi thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho NH trong quá trình kinh doanh. Là sản phẩm TGTK có kỳ hạn, KH được quyền rút từng phần tiền gửi gốc một cách linh hoạt. Với mỗi kỳ hạn khác nhau, ngân hàng áp dụng các lãi suất khác nhau.
1.2.2.2. Căn cứ theo loại tiền gửi tiết kiệm
a. Tiền gửi tiết kiệm bằng nội tệ: là loại TGTK bằng tiền VND gửi vào ngân hàng và khách hàng được hưởng lãi suất tiền VND theo quy định tại thời điểm gửi tiền. Đây là loại chiếm tỷ trọng chủ yếu của vốn TGTK của các NHTM ở Việt Nam.
b. Tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ: là loại tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ gửi vào ngân hàng và khách hàng được hưởng lãi suất ngoại tệ gửi. Các loại ngoại tệ chủ yếu được huy động là USD, EUR
1.2.2.3. Tiền gửi khác
Bên cạnh những sản phẩm dịch vụ như đã phân tích ở trên, các NHTM còn có các dịch vụ tiền gửi khác như: tiền gửi ký quỹ, tiền gửi vốn chuyên dùng, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, tiền gửi của các tổ chức đoàn thể xã hội... với mục đích nhờ thanh toán hộ và một số mục đích khác. Tuy nhiên, quy mô nguồn tiền gửi này thường không lớn và ít được tiến hành phổ biến. Trên thực tế, nhu cầu sử dụng vốn của các NHTM rất lớn, nguồn tiền gửi các NHTM huy động được không phải lúc nào cũng đủ đáp ứng. Đôi khi, để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của mình các
NHTM còn huy động vốn bằng cách đi vay. Vốn tiền gửi là nguồn vốn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nguồn vốn của NHTM là nguồn vốn chủ yếu để NH kinh doanh, nó phản ánh bản chất của NHTM “đi vay để cho vay”.