Nhân tố chủ quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng lao động nông thôn ở huyện đại từ, tỉnh thái nguyên (Trang 89 - 94)

Chương 2 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.4.1. Nhân tố chủ quan

3.4.1.1. Trình độ phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe của địa phương

Trong hoạt động y tế dự phòng: Việc thiếu bác sĩ ở các trung tâm y tế xã đang là một vấn đề nổi cộm, điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc sức khỏe của LĐNT các xã của huyện Đại Từ. Việc trang bị cho các trung tâm y tế tuyến huyện, tuyến xã của các vùng nông thôn còn tương đối hạn chế, thiếu thốn ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Các chương trình quốc gia về chăm sóc sức khỏe cho LĐNT về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng chưa đạt được hiệu quả mong muốn ở khu vực nông thôn, do ý thức của người thực hiện, người dân chưa cao. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương chưa được thực hiện tốt đã để xảy ra một số dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân, khả năng phòng chống khắc phục những hậu quả của thiên tai, dịch bệnh của các địa phương cũng còn yếu kém. Hoạt động y tế dự phòng còn yếu như vậy làm cho khả năng lao động nông thôn được tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản bị hạn chế, chưa kể việc thu hút chương trình chữa bệnh cho LĐNT gặp khó khăn.

Trong hoạt động y tế chuyên sâu: Đội ngũ bác sĩ còn thiếu thốn, trang thiết bị của các bệnh viện còn cũ kỹ, lỗi thời và quy mô của các bệnh viện, các trung tâm y tế chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân nói chung và người lao động nói riêng. Thời gian qua, Bệnh viện huyện Đại Từ xảy ra hiện tượng quá tải của các bệnh viện tuyến huyện trở lên do chưa làm tốt công tác y tế dự phòng, một mặt cũng do chất lượng công tác khám chữa bệnh ở các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến dưới còn thấp, số bác sĩ, y tá còn ít. Hoạt động sản xuất thuốc men còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu của LĐNT, nhất là các loại thuốc nhập khẩu gây khó khăn rất lớn cho công tác cứu chữa người bệnh, đặc biệt là đối với người nghèo, lao động vùng nông thôn làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe nhân dân, đến chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. Hoạt động chăm sóc sức khỏe còn thấp như vậy làm cho chất lượng y tế và chất lượng khám chữa bệnh cho LĐNT giảm sút đáng kể, với đặc thù ngành nông nghiệp chủ yếu là việc nặng nhọc, hao tổn sức khỏe thì việc LĐNT không được tiếp cận với dịch vụ y tế chuyên sâu ảnh hưởng đến chỉ số sức khỏe, độ tuổi, chất lượng cuộc sống.

3.4.1.2. Các chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương về nâng cao chất lượng lao động nông thôn

 Chính sách của Đảng và Nhà nước

Đảng đã có Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5 tháng 8 năm 2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong nghị quyết này, chủ trương về đào tạo nhân lực đã được cụ thể hoá là: “Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân; đào tạo nghề cho bộ phận con em nông dân để chuyển nghề, xuất khẩu lao động; đồng thời tập trung đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở. Hình thành chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo hàng năm đào tạo khoảng 1 triệu lao động nông thôn. Thực hiện tốt việc xã hội hoá công tác đào tạo nghề”.

Thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã xây dựng “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27 tháng 11 năm 2009. Theo Đề án này, công tác đào tạo nghề cho nông dân mang tính toàn diện: Đảm bảo đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng được yêu cầu cho phát triển nông thôn, nông nghiệp, cung cấp lao động cho nhu cầu phát triển của đất nước, dần chuyển đổi cơ cấu lao đông theo hướng tích cực, từ đó góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế đất nước, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; đồng thời có cơ cấu lao động hợp lý khi nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 (như mục tiêu mà Đảng và nhà nước đề ra).

Đặc biệt là các chương trình kinh tế trọng điểm như chương trình 120, chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn, chương trình phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh, các chương trình thu hút vốn đầu tư trong và ngoài tỉnh để phát triển các ngành kinh tế công nghiệp - dịch vụ, bảo tồn các làng nghề truyền thống, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, kinh tế hộ gia đình.... đều nhằm mục tiêu cuối cùng là giải quyết việc làm cho người dân trong tỉnh. Trong các chương trình mà tỉnh đã thực hiện đem lại các kết quả gắn liền với nhau do tính liên tục của các chương trình và tính trùng lặp nhau vào cùng khoảng thời gian nên nổi bật và đem lại hiệu quả chung nhất là chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm hay còn gọi là chương trình 120. Đây là chương trình vay vốn giải quyết việc làm, thu hút lao động tự giải quyết việc làm.

Đối với các đối tượng bị thu hồi đất, lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 09 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng; Quyết định Số: 63/2015/QĐ-TTg, Về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất, ngày 10 tháng 12 năm 2015.

 Chính sách của địa phương

Thái Nguyên là một trong những tỉnh trọng điểm được Bộ LĐTBXH và Tổng cục dạy nghề đầu tư cho các trung tâm dạy nghề theo chương trình Mục tiêu Quốc gia giáo dục đào tạo dạy nghề và Dự án tăng cường năng lực đào tạo nghề, trong đó huyện Đại Từ là huyện điểm đại diện cho các huyện trong tỉnh thực hiện chương trình này. Trong thời gian qua, kinh phí cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí đào tạo của trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tăng lên đáng kể là khoảng trên 8 tỷ đồng trong đó tập trung cho hai năm là 2015 và năm 2016 Phần lớn số kinh phí dành cho đào tạo nghề được lấy từ nguồn ngân sách và sự huy động nguồn vốn ngoài ngân sách chiếm với một tỷ trọng nhỏ.

Trong chương trình đào tạo này, huyện Đại Từ có đào tạo nghề cho lực lượng lao động nghèo miễn phí chi phí đào tạo: Theo thông tư liên tịch số 102/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 20/08/2007 của Liên Bộ Tài chính và Bộ LĐTB&XH thì người nghèo trong độ tuổi lao động có đủ sức khỏe, chưa qua đào tạo nghề, phải chuyển đổi nghề nghiệp và người lao động có nhu cầu học nghề được cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu đến cơ sở dạy nghề hoặc các doanh nghiệp để học nghề ngắn hạn (đào tạo một lần) và người được đào tạo không phải trả học phí.

Nguồn kinh phí từ Trung ương hỗ trợ, sau quá trình đào tạo nghề 100% lao động nghèo của tỉnh sẽ được tham gia tư vấn và giới thiệu việc làm. Toàn tỉnh với hộ số nghèo cũng còn cao, số lao động nghèo tập trung chủ yếu ở các xã huyện miền núi và hiện nay đã có trên 80% học viên tốt nghiệp tìm được việc làm ổn định tại địa phương. Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực không chỉ cho người lao động nghèo mà cả những lao động khác trong tỉnh có nhu cầu làm việc. Cơ cấu đào tạo thay đổi theo xu thế phù hợp với cơ cấu kinh tế: một số nghề tiếp tục phát triển, thu hút được nhiều học viên như ngành điện xí nghiệp, sữa chữa cơ khí, nguội, lái xe, kế toán... còn một số ngành nghề ít người học hơn như ngành mộc, đánh máy chữ...

Căn cứ Kết luận số 03-KL/TU, ngày 26/7/2011 của Ban chấp hành Tỉnh ủy Thái Nguyên, về thông qua một số chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2011- 2015; Quyết định số 2461/QĐ-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2011 Về việc phê duyệt Đề án Đào tạo nghề và Giải quyết việc làm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015 với mục tiêu: Hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và phát triển thị trường lao động giai đoạn 2011 - 2015 đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt ở khu vực nông thôn và phi chính thức. Giúp người dân, đặc biệt là thanh niên xác định “Học nghề để lập nghiệp là sự lựa chọn đúng đắn”.

3.4.1.3. Trình độ phát triển kinh tế của địa phương

Công tác thu chi ngân sách trên địa bàn có kết quả tăng qua các năm. Đối với công tác thu ngân sách, hàng năm đều tăng, trong đó thu trợ cấp từ ngân sách cấp trên có mức thu cao nhất (Phụ lục 2). Đối với công tác chi ngân sách tăng hàng năm, trong đó chi cho sự nghiệp giáo dục có mức chi cao nhất (Phụ lục 3). Có thể thấy các cấp chính quyền huyện đều quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và coi đó là trọng tâm, mấu chốt để phát triển NNL cho huyện trong tương lai. Kinh tế nông nghiệp huyện có mức tăng trưởng khá ổn định (bảng 3.2) đây cũng là điều kiện địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng thu nhập, XĐGN bền vững, là cơ sở nâng cao chất lượng LĐNT.

3.4.1.4. Nhận thức của người lao động

Bản thân người lao động nông thôn không những phải có điều kiện về thể lực như sức khỏe của người lao động, các điều kiện về trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động mà cần có điều kiện về kỷ luật của người lao động. Đây là một yếu tố quyết định của người lao động nhất là khi làm việc với các nhà tuyển dụng lao động là người nước ngoài, những môi trường làm việc với nước ngoài. Đối với người lao động trong tỉnh thì chưa có một định nghĩa chính xác về ý thức kỷ luật của người lao động trong thời gian làm việc cũng như những quy định rõ ràng để đánh giá về ý thức kỷ luật của người lao động.

Nhưng hiện nay thì người lao động đã tự ý thức được ý thức đó là cần thiết và nó mang lại hiệu quả lao động cao hơn nên dần dần hình thành trong từng người lao động, từng ngành làm việc, từng khu vực làm việc đã có những quy định rõ ràng như đi làm đến nơi làm việc đúng giờ, ý thức về thời gian làm việc phải đủ, đúng giờ, về tác phong nhanh nhẹn ...Quá trình CNH-HĐH đòi hỏi mỗi LĐNT phải chủ động, tích cực học tập, đáp ứng đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra. Bằng cách thông qua chương trình đào tạo nghề cho họ, họ phải áp dụng thành công những bài học và đạt tiêu chuẩn của kết quả đầu ra của quá trình sản xuất. Có như vậy năng suất lao động mới tăng lên hàng năm, chất lượng sản phẩm, chất lượng tay nghề lao động nông thôn ngày càng hoàn thiện. Nếu bản thân người lao động nông thôn nhận thức được sẽ là bước đà để phát triển kinh tế địa phương trên mọi mặt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng lao động nông thôn ở huyện đại từ, tỉnh thái nguyên (Trang 89 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)