PHẦN 4 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.5. Đề xuất một số giải pháp phát triển sản xuất chèan toàn
4.5.4. Giải pháp về khuyến nông, kỹ thuật
Những năm qua, chè là cây trồng chủ lực của người dân trong huyện Tân Uyên, công tác chăm sóc, mở rộng diện tích được thực hiện theo kế hoạch đề ra. Tương ứng với vùng nguyên liệu rộng lớn, trên địa bàn huyện có 3 doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã sản xuất các sản phẩm chè cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Mỗi đơn vị sản xuất lại có vùng nguyên liệu, tiêu chuẩn sản xuất riêng.
Ngoài những khó khăn về điều kiện tự nhiên đã phân tích ở trên thì trình độ lao động của người dân là một trong những yếu tố quan trọng, đặc biệt trong xu thế phát triển và hội nhập quốc tế như hiện nay. Kỹ thuật trồng chè chủ yếu là học truyền miệng và làm theo kinh nghiệm bản thân, việc nâng cao kiến thức chung về kỹ thuật là rất cần thiết. Cần tạo ra sản phẩm chè an toàn, hữu cơ an toàn đáp ứng được nhu cầu của thị trường và đạt năng suất chất lượng cao.
Trước hết là thay đổi nhận thức của người dân về cách làm nông nghiệp mới, nêu rõ hiệu quả của áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại cho sản xuất chè an toàn, có mô hình so sánh giữa sản xuất chè thường truyền thống và mô hình sản xuất chè an toàn hiện đại. Nói theo chiều hướng dễ hiểu tránh lạm dụng các từ ngữ chuyên môn cao, tạo sự thích thú cho người nông dân khi tham gia các lớp tập huấn. Sau là các kiến thức về, kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp thân thiện với môi trường, ủ phân hữu cơ, thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm.
Điển hình như Công ty Cổ phần Trà Than Uyên với bề dày kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh chè. Vùng nguyên liệu ổn định, đội ngũ cán bộ kỹ thuật được giao nhiệm vụ bám nương chè để kịp thời tư vấn, hướng dẫn người dân quy trình chăm sóc, phòng trừ các đối tượng gây hại. Những tháng mùa hè, thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa giông nên rầy xanh phát sinh gây hại nhẹ. Công tác phòng trừ phải đảm bảo các tiêu chuẩn do Công ty đề ra, sử dụng sản phẩm sinh học để đảm bảo an toàn chất lượng chè búp. Quy trình chăm sóc được thực hiện và ghi lưu theo từng lô, nương chè. Nếu phun thuốc phòng trừ phải có sổ, bảng theo dõi.
Hiện nay, trên cây chè xuất hiện một số đối tượng gây hại ở giai đoạn phát triển búp như: nhện đỏ với mật độ gây hại trung bình 2,2% lá, cao 5,2% lá; rầy xanh với mật độ gây hại trung bình 2,3% búp, cao 3% búp; bệnh thối búp mật độ
gây hại trung bình 1,8% búp, cao 3,3% búp; bệnh đốm lá mật độ gây hại trung bình 1,5% lá, cao 3,5% lá. Các đối tượng gây hại xuất hiện ở diện tích chè các xã: Mường Khoa, Phúc Khoa, thị trấn Tân Uyên, Trung Đồng, Thân Thuộc, Pắc Ta, Nậm Cần, Hố Mít.
Đối với sản xuất chè thì công tác phòng trừ sâu bệnh là rất cần thiết để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm. Chăm sóc, thu hái chè đúng kỹ thuật đảm bảo cây khỏe mạnh. Quá trình thu hái cũng giúp loại trừ đối tượng gây hại (loại bỏ hết những búp bị hại), cùng với đó kết hợp việc chăm sóc với bón phân, diệt cỏ, cắt bỏ nhưng cành chè bị sâu bệnh gây hại… Tuyệt đối không phun thuốc bảo vệ thực vật tràn làn và chỉ thực hiện phun khi sâu bệnh đạt ngưỡng phòng trừ nhưng phải đảm bảo thời gian cách ly. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra nương chè, từ đó phát hiện và đánh giá mức độ gây hại để có biện pháp xử lý nhằm giảm sự ảnh hưởng của sâu bệnh tới năng suất chè.
Cần chuyển tải tới người dân thông qua các buổi hội họp, tham gia mô hình trình diễn, hội nghị, chuyên đề,… Mở rộng thêm đối tượng và tăng thêm các buổi tập huấn, hội nghị đầu bờ. Cần xây dựng các dự án để phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất chè an toàn.
Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn thì chè được xem là cây trồng đem lại hiệu quả cao; đồng thời nâng cao ý thức về phát triển sản xuất theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường. Để có nguồn sản phẩm chè sạch, công tác chăm sóc, phòng trừ các đối tượng gây hại được đơn vị sản xuất và người dân đặc biệt quan tâm.
Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, trên cây chè thường có các đối tượng gây hại như: rầy, nhện đỏ, bọ xít, bệnh thối búp, phồng lá. Để phòng trừ hiệu quả, người dân cần thực hiện các biện pháp canh tác như vệ sinh nương chè, làm cỏ, xới đất diệt mầm bệnh, bón phân hợp lý – đúng thời điểm, tiêu hủy, thu gom tàn dư mầm mống bệnh để giảm nguy cơ lây lan… Bắt, loại bỏ sâu non, sâu xuất hiện ở mật độ thấp. Lựa chọn những loại cây bóng mát phù hợp để trồng trên nương chè với mật độ đảm bảo. Dùng các chế phẩm sinh học để diệt trừ sâu bệnh và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nếu dùng ưu tiên lựa chọn dòng sản phẩm có thời gian cách ly ngắn, nhanh phân giải và tuân thủ hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì, nhãn mác.
Điều này có nghĩa rằng chè là cây công nghiệp dài ngày, nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thì năng suất của chè sẽ tăng lên theo thời gian. Trên địa bàn huyện Tân Uyên, diện tích cây chè mới trồng dưới 20 năm chiếm tỷ lệ lớn. Tuổi chè càng tăng giá trị của cây chè càng tăng. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi cây chè dưới 50 năm. Do đó nên tập trung chăm sóc, khai thác tốt để đạt được năng suất tốt nhất.
Với kinh nghiệm trồng, chăm sóc chè nhiều năm của nông dân và sự vào cuộc hỗ trợ kịp thời của cơ quan chuyên môn, đơn vị kinh doanh, tin rằng vùng chè nguyên liệu của Tân Uyên sẽ ngày càng mở rộng và được bảo vệ an toàn.
Huyện Tân Uyên cần kịp thời ban hành, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến: Vốn, khoa học kỹ thuật, vật tư sản xuất... Tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho các hộ nông dân nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất chè an toàn của hộ. Cần có những chính sách cụ thể hơn nữa trợ giúp cho sự phát triển của cây chè để cây chè thực sự là cây mũi nhọn của huyện như: Đầu tư cho kết cấu cơ sở hạ tầng vào các vùng sản xuất tập trung; đầu tư vốn cho thâm canh, cải tạo chè; Chính sách cải tạo giống chè để có được một cơ cấu giống hợp lý; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp; Cần có quy trình và chính sách đồng bộ duy trì và phát triển sản xuất chè an toàn. Khuyến khích HTX, doanh nghiệp tham gia sản xuất, tiêu thụ, phát triển vùng nguyên liệu. Hướng dẫn khuyến khích người dân tham gia giám sát cộng đồng.