Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận của đề tài
2.1.3. Nội dung phát triển sản xuất Na
a) Phát triển diện tích, năng suất, sản lượng Na
Phát triển sản xuất Na là quá trình tổng hợp, kết hợp các yếu tố chính sách, khoa học kỹ thuật, vốn, điều kiện tự nhiên đất đai, khí hậu, con người.... nhằm tăng diện tích, năng suất, sản lượng Na ở mức tốt nhất, phục vụ cho nhu cầu của con người.
Theo Lâm Văn Đức (2015): Phát triển sản xuất Na có thể diễn ra theo hai xu hướng là phát triển theo chiều rộng và phát triển theo chiều sâu.
Phát triển sản xuất Na theo chiều rộng là nhằm tăng sản lượng Na bằng cách mở rộng diện tích đất trồng, với cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất không đổi, sử dụng kỹ thuật giản đơn, kết quả phát triển sản xuất Na đạt được theo chiều rộng chủ yếu nhờ tăng diện tích và độ phì nhiêu của đất đai và sự thuận lợi của điều kiện tự nhiên. Phát triển sản xuất Na theo chiều rộng bao gồm mở rộng diện tích trồng Na trong cả vùng, có thể bao gồm việc tăng số hộ trồng Na hoặc tăng quy mô diện tích trồng Na của mỗi hộ nông dân hoặc cả hai.
Phát triển sản xuất Na theo chiều sâu bao gồm đầu tư nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, xây dựng cơ sở hạ tầng. Phát triển sản xuất Na theo chiều sâu là làm tăng sản lượng và hiệu quả kinh tế sản xuất Na trên 1 đơn vị diện tích bằng cách đầu tư thêm giống, vốn, kỹ thuật và lao động.
Trong điều kiện hiện nay, những nhân tố phát triển Na trên địa bàn huyện Bảo Thắng theo chiều rộng đang cạn dần do diện tích đất để mở rộng sản xuất Na
không còn nhiều. Cùng với cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật trên thế giới ngày càng phát triển mạnh với những tiến bộ mới các mặt của đời sống xã hội đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của những khoa học kỹ thuật tiên tiến trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện cho huyện Bảo Thắng chuyển sang phát triển sản xuất Na theo chiều sâu. Kết quả phát triển sản xuất Na theo chiều sâu được biểu hiện ở các chỉ tiêu: Tăng hiệu quả kinh tế, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu suất của đồng vốn, tăng tổng sản phẩm Na và thu nhập/1 công lao động tăng.
Vì vậy việc phát triển sản xuất Na trên địa bàn huyện Bảo Thắng cần thực hiện nhiều nội dung khác nhau, trong đó tập trung vào việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, phương thức khai thác sử dụng các yếu tố nguồn lực. Do đó đánh giá về vấn đề phát triển sản xuất Na trên địa bàn huyện Bảo Thắng ta chỉ nên tập trung vào việc xem xét kết quả tạo ra của quá trình sản xuất như: Quy mô, sản lượng, diện tích, giá trị sản xuất, doanh thu. Phân tích sự tăng trưởng các yếu tố đó theo thời gian, đồng thời đánh giá chất lượng tăng trưởng bằng hệ thống các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.
Các tiêu chí đánh giá phát triển diện tích, năng xuất, sản lượng Na - Chỉ tiêu về diện tích trồng Na
- Chỉ tiêu về sự gia tăng về sản lượng Na - Chỉ tiêu về năng suất cây trồng Na
b) Phát triển kỹ thuật và sử dụng đầu vào
Theo Lê Thị Thanh (2015): Trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây Na cần chăm sóc đúng theo kỹ thuật sẽ đảm bảo cho cây Na phát triển mạnh, hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó là việc sử dụng các đầu vào hợp lý sẽ tạo đà cho cây Na phát huy được hiệu quả và phát huy được tiềm năng phát triển của cây trồng Na.
Việc sử dụng đầu vào trong sản xuất bao gồm đất đai, lao động, vốn, giống và phân bón. Đây là các điều kiện điển hình, quan trọng nhất trong phát triển sản xuất Na đảm bảo ổn định năng suất cũng như chất lượng của Na. Với mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất cây trồng việc sử dụng đầu vào trong phát triển sản xuất Na có sự liên kết của các trung tâm, trạm khuyến nông, các viện, các cá nhân có kinh nghiệm trong việc trồng Na cùng thực hiện, kết hợp với nhau.
* Giống và chất lượng sản phẩm
Giống cây trồng sẽ quyết định đến sự sinh trưởng và phát triển của cây Na, quyết định đến năng suất và chất lượng của sản phẩm. Từ trước đến nay giống Na chủ yếu được người nông dân tự sản xuất bằng cách chọn hạt của các quả Na to, đẹp, vị ngọt đậm rồi mang đi ươm nên chất lượng cây giống không cao và không đồng đều, gây ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và sản lượng của cây. Giống tốt là giống có khả năng thích nghi với điều kiện địa hình đất đai, chịu thâm canh, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt. Có thể nhân giống Na bằng phương pháp nhân giống vô tính là ghép mắt hoặc ghép cành (Trần Thế Tục và Nguyễn Ngọc Kính, 2007). Sử dụng chuẩn giống Na sẽ ảnh hưởng tốt đến chất lượng quả Na của các hộ gia đình. Để có được giống tốt cần phải mua giống có nguồn gốc đáng tin cậy, hoặc mua tại trạm khuyến nông của huyện, nơi cung ứng giống đảm bảo an toàn. Như vậy, việc sử dụng giống tốt, giống an toàn sẽ quyết định chất lượng sản phẩm Na.
Thời vụ gieo trồng: Thời vụ gieo trồng sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây do mỗi cây có một nhịp độ sinh trưởng riêng và phù hợp với từng mùa vụ trong năm. Do đó phải bố trí đúng khung thời vụ mới đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và đạt chất lượng. Đối với cây Na thời vụ gieo trồng vào tháng 2 – 4 hoặc tháng 8 – 9. Cây Na nên trồng với mật độ cao, mỗi cây chiếm diện tích 2x3m. Hố chuẩn bị trước từ 2 – 3 tháng, sâu 0,5 rộng 0,5 hình vuông hoặc hình chữ nhật. Mỗi hố bón 20 – 30kg phân chuồng hoại mục và 0,2kg supe lân ủ trước 2 – 3 tháng. Cây trồng ở giữa hố, bầu đặt ngang với mặt đất, tưới nước ấn cho chặt, duy trì độ ẩm từ 60 – 80% (Trần Thế Tục và Nguyễn Ngọc Kính, 2007).
Kinh nghiệm, tập quán sản xuất: Sản xuất cây ăn quả cũng giống như các loại hình sản xuất khác, chất lượng sản phẩm tạo ra phụ thuộc rất nhiều vào trình độ và kinh nghiệm của người sản xuất. Trong sản xuất cây ăn quả dù cho các kiều kiện khác thuận lợi nhưng người nông dân không có kinh nghiệm chăm sóc, không học hỏi kinh nghiệm của người đi trước thì năng suất, chất lượng sản phẩm tạo ra sẽ không cao so với khả năng có thể. Tập quán sản xuất là yếu tố tồn tại lâu đời trong nông hộ và khó thay đổi (Trương Văn Miền, 2012).
c) Các tác nhân tham gia trong quá trình phát triển sản xuất Na
Theo Phạm Thị Thúy (2015) thì các tác nhân tham gia trong quá trình phát triển sản xuất Na gồm có:
- Nông dân: Là đối tượng chính hiện nay sản xuất và cung cấp Na cho thị trường tại huyện Bảo Thắng. Nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng hoa quả nói chung và sản phẩm Na nói riêng tạo điều kiện cho việc phát triển sản xuất Na tại huyện Bảo Thắng. Vì vậy, vai trò của nông dân trong việc phát triển sản xuất Na sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài huyện. Bên cạnh đó việc phát triển sản xuất Na còn làm tăng thu nhập cho nông dân, hạn chế việc di dân tự phát từ nông thôn ra thành thị trong thời vụ nông nhàn.
- Tư thương: Họ là các nhà thu gom sản phẩm Na quả tại địa phương, bán cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Có thể nói hiện nay nhà buôn, thương lái là thành phần quan trọng của đầu ra trong phát triển sản xuất Na tại Bảo Thắng.
- Nhà nước Với tư cách định hướng và hỗ trợ cơ bản cho quá trình phát triển toàn diện và lâu dài, đồng thời phối hợp chỉ đạo các hoạt động của nông dân, của các tổ chức trong phát triển sản xuất Na. Do vậy, vai trò của nhà nước có ảnh hưởng rất lớn trong việc phát triển sản xuất Na ở các nội dung sau:
+ Hoạch định chiến lược và chính sách trong phát triển sản xuất Na trước mắt cũng như lâu dài trong toàn Huyện. Phát triển hệ thống thông tin thị trường, tạo cơ chế, hỗ trợ đối với người sản xuất Na.
+ Xây dựng những chính sách cụ thể khuyến khích các hộ nông dân, tổ chức đầu tư vào phát triển sản xuất Na.
+Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công nghệ nhất là công nghệ sinh học, công nghệ tự động hoá, công nghệ thông tin…
+ Đầu tư trực tiếp vốn ngân sách cho nông thôn trong đó có hệ thống tưới tiêu, hạ tầng cơ sở được đầu tư và kiên cố hoá tạo điều kiện cho phát triển sản xuất Na tại địa phương.
+ Phát triển nguồn nhân lực: thông qua việc chuyển giao công nghệ mới và có các kỹ sư tham gia vào công tác khuyến nông nhằm giúp hộ nông dân sản xuất Na trên địa bàn.
d) Kết quả và hiệu quả sản xuất
Việc đánh giá được kết quả và hiệu quả kinh tế trong sản xuất Na cần sử dụng một số các chỉ tiêu sau:
+ Kết quả, hiệu quả xã hội + Kết quả, hiệu quả môi trường