Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.2. Thực trạng phát triển sản xuất na tại các hộ điều tra
4.2.4. Phát triển nhãn hiệu để thúc đẩy phát triển thị trường tiêu thụ cho cây Na
Na tại huyện Bảo Thắng
4.2.4.1. Phát triển nhãn hiệu Na của huyện Bảo Thắng
* Nhận thức của người sản xuất và người quản lý về nhãn hiệu tập thể Na huyện Bảo Thắng
Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản trong nước hiện đang là mối quan tâm của rất nhiều địa phương. Tuy nhiên, hiện nay do chưa thấy được tầm quan trọng và giá trị thương hiệu của sản phẩm nên cả người dân người quản lý tại huyện Bảo Thắng vẫn chưa mặn mà với việc xây dựng thương hiệu sản xuất Na. Bên cạnh đó, việc sản xuất Na tại Bảo Thắng các năm trước đây chủ yếu theo hình thức đơn lẻ, manh mún và tự phát cho nên để người nông dân tiếp cận công tác đăng ký, quản lý và khai thác thương hiệu là rất khó khăn.
Bảng 4.13. Nhận thức của người sản xuất và cán bộ quản lý về NHTT
Nội dung Số ý kiến Mức đánh giá Chưa nghe bao giờ Đã nghe nhưng
chưa hiểu rõ Hiểu rõ Số ý kiến Tỷ lệ (%) Số ý kiến Tỷ lệ (%) Số ý kiến Tỷ lệ (%) Người sản xuất 90 77 85,56 13 14,44 0 0 Cán bộ quản lý cấp xã 6 1 16,67 1 16,67 4 66,66
Nguồn: Số liệu điều tra (2016)
Trong tổng số 90 hộ được phỏng vấn thì có tới 77 hộ chưa nghe qua về nhãn hiệu tập thể chiếm tỷ lệ 85,56%. Có 13 hộ chiếm tỷ lệ 14,44% đã nghe tới vấn đề này trên thông tin đại chúng nhưng chỉ lờ mờ, không rõ và không dành sự quan tâm nhiều tới nhãn hiệu tập thể. Con số này phản ánh nhận thức của người dân tại huyện Bảo Thắng về nhãn hiệu tập thể đối với ngành sản xuất Na còn thấp, họ không quan tâm tới nhãn hiệu do diện tích trồng của gia
đình rất ít và manh mún, sau khi cho thu hoạch thì thương lái tới tận vườn thu mua, được giá thì hộ gia đình sẽ bán, vì vậy nhãn hiệu đối với họ không thực sự quan trọng.
Tuy nhiên, từ năm 2013 trở lại đây, do có dự án phát triển sản xuất Na của Huyện Bảo Thắng nên diện tích gieo trồng của toàn huyện nói chung và của từng hộ nông dân sản xuất nói riêng đã tăng lên, sản phẩm thu hoạch nhiều hơn so với những năm trước đó, việc mở rộng sản xuất đòi hỏi phải mở rộng thị trường tiêu thụ nên việc quảng bá hình ảnh và thương hiệu của cây Na Bảo Thắng là vấn đề rất bức thiết hiện nay. Theo phỏng vấn các hộ sản xuất Na thì 100% các hộ đều cho rằng việc xây dựng nhãn hiệu tập thể Na Bảo Thắng là rất cần thiết, điều này cho thấy các hộ đã có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của nhãn hiệu trong tình hình mới hiện nay.
Nhãn hiệu tập thể đối với các cán bộ quản lý cấp xã cũng tương đối mơ hồ, khi phỏng vấn các cán bộ trên thì có 16,67% chưa nghe bao giờ về nhãn hiệu tập thể và có 16,67% cán bộ đã nghe qua nhưng chưa hiểu rõ, 66,66% cán bộ hiểu rõ tầm quan trọng của nhãn hiệu tập thể trong sản xuất Na tại địa bàn. Điều này cũng dễ hiểu do họ là những nhà quản lý, có trình độ và tiếp xúc thường xuyên với các văn bản pháp lý nên sự hiểu biết của họ sẽ cao hơn so với người nông dân. Tuy nhiên, một số cán bộ quản lý có tư tưởng việc xây dựng nhãn hiệu là do người sản xuất chủ động xây dựng và quản lý, họ chỉ mang tính hỗ trợ. Chính vì vậy việc xây dựng được thương hiệu cho quả Na tại huyện Bảo Thắng còn rất khó khăn.