Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.4.1. Những kết quả đã đạt được
Cùng với quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhờ tận dụng lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, truyền thống sản xuất huyện Bảo Thắng đã xác định đầu tư phát triển sản xuất Na là lối đi đúng hướng, phù hợp với điều kiện tình hình mới hiện nay.
Người sản xuất Na thông qua phương pháp quản lý sản xuất, chăm sóc vườn cây, thu hoạch, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất đã thu được lợi nhuận cao..
Nhờ vào việc phát triển sản xuất Na mà đời sống của người dân cơ bản đã được cải thiện. Với giá trị sản xuất năm 2015 là năm đầu đem lại doanh thu bình quân là 182.630 nghìn đồng/ha/năm, sau khi trừ chi phí của những năm KTCB năm đầu lợi nhuận bình quân đạt 115.711 nghìn đồng/ha/năm. Ở 03 xã điều tra do được đầu tư nhiều hơn trong quá trình sản xuất nên năng suất Na trong năm cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn huyện dẫn đến lợi nhuận của các xã này cao hơn so với mức lợi nhuận của huyện từ 9 – 20 triệu đồng/ha/năm.
Cùng với sự phát triển của dự án “Cải tạo giống và phát triển vùng sản xuất hàng hóa cây nhãn, Na trên địa bàn huyện Bảo Thắng giai đoạn 2013 - 2015” diện tích Na của huyện đã tăng lên đáng kể, tổng diện tích năm 2015 là 161ha, bình quân mỗi năm tăng 21,04%.
Ngoài tăng lên về diện tích gieo trồng, các hộ đã tăng cường đầu tư thâm canh nên năng suất cũng tăng theo từng năm. Năm 2015 năng suất bình quân của huyện là 52,18 tạ/ha/năm, bình quân mỗi năm tăng 7,72%.
Sản phẩm Na Bảo Thắng đã vượt qua thị trường tiêu thụ trong huyện và tỉnh để đi vào thị trường của các tỉnh lân cận. Do vậy nếu có một phương thức sản xuất hiện đại, sản phẩm đầu ra tốt, thương hiệu uy tín và chính sách tiếp thị hợp lý chắc chắn sản phẩm Na Bảo Thắng có thể vươn tới các thị trường xa và
rộng hơn. Đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển sản xuất Na tại huyện Bảo Thắng.