Tình hình phát triển sản xuất Na tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản xuất na trên địa bàn huyện bảo thắng, tỉnh lào cai (Trang 37 - 42)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.2. Cơ sở thực tiễn của đề tài

2.2.2. Tình hình phát triển sản xuất Na tại Việt Nam

Ở miền Bắc Việt Nam Na được phân thành 2 loại là Na dai và Na bở. Na dai có ưu điểm ăn ngọt, để được lâu, không dễ nát, dễ bóc vỏ, múi Na nhẵn, dễ tróc ra khỏi hột, múi cũng dai hơn. Quả Na dai có vỏ mềm, màu xanh, thịt trắng, ít hạt. Na dai được ưa chuộng vị thơm ngon và ngọt sắc hơn so với Na bở (Trần Thế Tục và Nguyễn Ngọc Kính, 2007).

Vùng phân bố cây Na ở nước ta khá rộng, trừ những nơi có mùa đông lạnh giá và sương muối không trồng được cây Na còn lại hầu hết các vùng đều trồng loại cây này. Na được trồng nhiều ở Lạng Sơn, Bắc Giang, Đông Triều (Quảng Ninh), Ninh Thuận, Vũng Tàu,… (Trần Thế Tục và Nguyễn Ngọc Kính, 2007).

2.2.2.1. Phát triển sản xuất na tại Huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn

Được coi là “vựa Na” lớn nhất cả nước, Na được trồng ở Lạng Sơn từ những năm 1960, có nguồn gốc giống từ xã Minh Khai (huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ). Ban đầu giống na này được trồng ở vùng đồng đất, đến năm 1982 mới được đưa lên trồng ở núi đá. Tại đây na trở nên đặc biệt thích nghi và cho sản phẩm có chất lượng cao, đặc trưng. Na dai bắt đầu trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung có hiệu quả kinh tế cao, không những trở thành một cây trồng giúp người dân xóa đói giảm nghèo mà còn giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu. Na dai Chi Lăng ngày càng được nhiều người biết tới, do vậy diện tích và sản lượng không ngừng tăng lên. Đến nay, na dai là một cây chiến lược trong phát triển kinh tế của địa phương (Viện Kinh tế nông nghiệp, 2005). Chi Lăng có hai khu vực trồng na nổi tiếng, phân bố chủ yếu ở 5 địa phương lòng máng sông Thương, gồm xã Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, xã Quang Lang và xã Mai Sao. Dù mới xuất hiện nhưng chất lượng quả của Na Chi Lăng đã được người dân khắp nơi ca tụng. Quả na dai có giá dinh dưỡng cao, đặc biệt rễ, lá, quả xanh có thể làm thuốc chữa bệnh (thuốc trợ tim, thuốc tiêu độc các vết thương). Hạt na chứa 15 – 45% tinh dầu dùng làm thuốc trừ sâu, chế mỹ phẩm. Na Chi Lăng có mắt quả to, màu xanh nhạt, hơi vàng, quả tròn, trọng lượng quả từ 200 – 400 g/quả. Quả na khi ăn có vị thơm đặc trưng, độ ngọt cao, ít hạt, thịt quả dai, chắc. Khi quả chín vỏ bên ngoài có thể mềm nhũn nhưng bên trong thịt quả vẫn không nát. Cây na cho thu hoạch vào các tháng 7, 8, 9 thời điểm bắt đầu thu hoạch khi trái na mắt đã mở to, vỏ chuyển từ màu xanh thẫm sang màu xanh xám vàng. Hái quả kèm theo đoạn cuống mang về dấm trong 2 đến 3 ngày quả sẽ mềm và ăn được.

Hiện nay, toàn huyện Chi Lăng có 1.400 ha, sản lượng khoảng 7.600 tấn, là vựa na lớn nhất cả nước. Năm 2011, sản phẩm na Chi Lăng được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cấp nhãn hiệu “Na dai Chi Lăng”, năm 2012 được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục đặc sản “Na dai Chi Lăng” của tỉnh Lạng Sơn công nhận vào tốp 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam theo tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam (Phùng Thị Hằng Hoa, 2010).

2.2.2.2. Phát triển sản xuất Na tại Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh

Ở Đông Triều (Quảng Ninh) cây Na được du nhập vào vùng đất này từ khá lâu. Nhờ có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất này rất phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây Na. Theo những người trồng na lâu năm ở Đông Triều, cây na được du nhập vào vùng đất này khoảng 45 năm trước. Những lợi thế mà loại quả này có được chính là nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây Đất đai của Đông Triều là loại đất màu đỏ son, tơi xốp, tầng canh tác 0,5 – 1m. Đặc biệt bà con còn biết áp dụng kỹ thuật tiến bộ trong canh tác nên Na ở đây luôn cho năng suất và chất lượng cao. Vài năm trở lại đây, sản lượng Na khai thác ở Đông Triều trung bình khoảng 6000 tấn/năm. Na Đông Triều thường chín sớm hơn so với Na ở những khu vực khác từ 15 – 20 ngày. Mùa thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm (Vĩ An, 2014).

Mặc dù có ưu thế hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại, nhưng na dai Đông Triều lại rất khó cạnh tranh trên thị trường. Giá bán của sản phẩm cũng có sự biến động lớn: Đầu vụ từ 40.000 - 45.000 đồng/kg; chính vụ từ 10.000 - 12.000 đồng/kg; cuối vụ từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Sản phẩm được bán giá cao chỉ chiếm 3-5% tổng sản lượng. Chính vì vậy, hiệu quả kinh tế mang lại cho người sản xuất chưa cao. Nguyên nhân chính là do chất lượng sản phẩm chưa đồng đều giữa các xã, thậm chí ngay giữa các hộ vì chưa áp dụng chung quy trình canh tác thống nhất. Na dai Đông Triều không có nhãn mác nên khách hàng khó nhận biết, không tạo lập được uy tín bền vững vì không cung cấp được cho khách hàng những thông tin về nguồn gốc, xuất xứ. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, nguy cơ thoái hoá giống của loại cây này hiện rất cao do người dân tự nhân giống bằng hạt, về lâu dài năng suất và chất lượng sẽ suy giảm. Để giải quyết những khó khăn, tồn tại này, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất cho cây trồng Na dai Đông Triều (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, 2013).

Với sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), sở KH&CN, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ tháng 4 năm 2012, Đông Triều đã triển khai dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Na dai Đông Triều” thuộc chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2015. Bên cạnh thiết kế, tạo lập mẫu mã, bao bì sản phẩm với đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dự án này còn đưa ra được quy trình canh tác để áp dụng chung cho tất cả các hộ trồng Na

ở Đông Triều nhằm đảm bảo chất lượng đồng đều. Hội sản xuất kinh doanh Na dai Đông Triều cũng được thành lập để tự tổ chức quản lý chất lượng sản phẩm cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của người trồng, người kinh doanh sản phẩm này. Khi hình thành được nhãn hiệu tập thể, Na dai Đông Triều sẽ chắc chắn nâng cao được khả năng cạnh tranh trên thị trường, đồng thời thiết lập được kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định, tăng thu nhập cho người sản xuất, tăng giá bán sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ (Vĩ An, 2014).

2.2.2.3. Phát triển sản xuất Na tại tỉnh Bắc Giang

Ở Bắc Giang Na được trồng nhiều ở xã Huyền Sơn (Lục Nam – Bắc Giang). Diện tích trồng Na chủ yếu tập trung ở các thôn bên sườn chân núi Gốm. Đây là những thôn có địa hình và chất đất sườn núi phù hợp, nguồn nước thuận, nông dân có truyền thống trông Na và sớm áp dụng khoa học kỹ thuật mới nên năng suất, chất lượng Na ở các thôn này luôn được khẳng định hơn hẳn so với các thôn khác. Mẫu mã quả đẹp, quả Na trắng, không nát, thơm, thịt Na mịn dai. Cây Na là cây chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương, hàng năm Đảng ủy xã đều có nghị quyết lãnh đạo tập trung ưu tiên đầu tư cho phát triển cây Na như tiếp tục phổ biến nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật mới, tổ chức các buổi hội thảo và giao cho Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp mua phân bón theo phương thức trả chậm về cung ứng cho nông dân chăm bón Na. Khuyến khích nông dân chuyển đổi những sườn đồi thấp, chân ruộng cao khó khăn nguồn nước tưới chuyển sang trồng Na. Không chỉ được mùa mà việc tiêu thụ Na ở Huyền Sơn cũng rất thuận lợi, tư thương về tận địa phương thu mua. Ngoài các tư thương ở địa phương khác đến mua nhiều hộ nông dân ngay tại xã Huyền Sơn cũng lập điểm cân thu mua Na cho bà con nông dân. Hiệu quả kinh tế từ trồng Na ở xã Huyền Sơn đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người nông dân, từng bước xây dựng nông thôn mới. Mỗi năm ước tính xã Huyền Sơn thu khoảng 30 tỷ đồng từ quả Na, cuộc sống của bà con từ đó khấm khá lên từng ngày. Để phát huy lợi thế đất đồi rộng, hiện nay UBND xã Huyền sơn đã quy hoạch thành vùng trông Na hàng hóa tập trung, đồng thời cử các hộ trồng Na tiêu biểu tham gia Hợp tác xã Na của huyện, nhằm góp phần mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng, tạo uy tín và thương hiệu cây Na Lục Nam nói chung, xã huyền Sơn nói riêng. Nhờ đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào trồng và chăm sóc nên Na dai ở xã Huyền Sơn không những cho năng suất cao mà còn có chất lượng tốt, giá thành cao và ổn định. Theo số liệu tổng hợp của UBND xã Huyền Sơn, xã có 15 thôn thì 100% các thôn đều

trồng Na dai. Năm 2013, toàn xã có tổng diện tích trồng Na là 100ha, cho thu sản lượng khoảng hơn 1000 tấn quả (Huyền Sơn, 2013).

2.2.2.4. Phát triển sản xuất Na tại tỉnh Tây Ninh

Tây Ninh là nơi có diện tích trồng Na rất lớn, khoảng 4.484 ha. Từ lâu mãng cầu Bà Đen đã trở thành loại trái cây đặc sản của Tây Ninh. Du khách trong và ngoài nước đến với Tây Ninh đều tìm mua bằng được trái mãng cầu núi Bà Đen về ăn hoặc biếu người thân. Trái mãng cầu Tây Ninh nói chung và mãng cầu núi Bà Đen nói riêng rất được thị trường ưa chuộng. Hiện mãng cầu Bà Đen đã xuất khẩu sang một số nước như: Pháp, Malaysia, Campuchia…Tuy nhiên theo các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ, hiện nay trái mãng cầu xuất khẩu vẫn còn rất ít so với tiềm năng của loại trái này. Thị trường hiện nay vẫn chủ yếu là tiêu thụ nội địa. Cùng với việc áp dụng, triển khai mô hình VietGap, ngày 4/5/2012, sở khoa học và Công nghệ tổ chức lễ đón nhận Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Bà Đen và triển khai quy chế phối hợp quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý núi Bà Đen đối với sản phẩm quả mãng cầu trồng ở vùng núi Bà Đen (Tây Ninh, 2012).

2.2.2.5. Phát triển sản xuất Na tại Bồ Lý - Tam Đảo - Vĩnh Phúc

Cây na dai đã trồng trên đất Bồ Lý huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc từ lâu nhưng phải đến những năm 1990 trở lại đây mới được người dân chú ý trồng nhiều. Phong trào trồng cây gì, nuôi con gì trong nông nghiệp, nông thôn và phong trào cải tạo vườn tạp truyền thống đã khiến diện tích na dai ngày càng được mở rộng. Hiện nay, toàn xã có khoảng 350 hộ trồng na từ 1 sào trở lên và khoảng 300 hộ trồng quy mô nhỏ. Tổng diện tích trồng na của xã đến nay đã có khoảng 10ha với sản lượng hàng năm thu được khoảng 80 tấn. Năm mất mùa, sản lượng thu hoạch cũng đạt khoảng 50 - 60 tấn. Giá bán tại vườn từ 10-15 nghìn đồng/kg. Giá trị thu nhập thấp nhất cũng đạt 50 triệu đồng/ha. Năm cao nhất đạt từ 80-100 triệu đồng/ha. Hiện nay, việc phát triển vùng trồng na đang gặp một số khó khăn. Vài năm trở lại đây, cây na có hiện tượng thối rễ và chết do nhiều hộ nhân dân chưa hiểu hết về kỹ thuật chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho cây Na. Để khắc phục tình trạng này và mở rộng diện tích sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, Đảng uỷ xã Bồ Lý đã có nghị quyết giao cho Hội Nông dân phối hợp với các ngành, cơ quan chuyên môn giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng vào cây Na. Tiếp tục hoàn chỉnh dự án quy hoạch vùng na, tập trung xây dựng kế hoạch hướng dẫn quy trình sản xuất, phòng trừ sâu bệnh cho cây na

đến từng hộ nông dân trong vùng. Đồng thời tập trung duy trì cây na dai Bồ Lý ngày càng phát triển với sản lượng lớn, đảm bảo chất lượng, sạch, có uy tín với người tiêu dùng (Tam Đảo, 2009).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản xuất na trên địa bàn huyện bảo thắng, tỉnh lào cai (Trang 37 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)