Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về quản trị nhân lực
2.2. Kinh nghiệm quản lý nhân lực một số doanh nghiệp trong và ngoài nước
2.2.2. Một số kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam
Từ kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực ở các nước trên, có thể rút ra một số bài học quý báu cho chúng ta, đó là:
Thứ nhất, cần xác định đúng vai trò và vị trí của nguồn nhân lực. Trong tất cả các nguồn lực phát triển kinh tế, thì nguồn lao động luôn luôn đóng vai trò quyết định đối với mọi hoạt động kinh tế, đặc biệt khi mà khoa học đã thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp với sự phát triển mạnh mẽ của nhiều ngành khoa học và công nghệ hiện đại, với hàm lượng chất xám ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong mỗi sản phẩm làm ra, con người càng tỏ rõ vai trò quyết định của mình trong tiến trình phát triển.
Đặc biệt, đối với những nước kém phát triển thì nguồn nhân lực có chất lượng là điều kiện để rút ngắn khoảng cách tụt hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho các nước đi sau có thể khắc phục sự yếu kém về trình độ khoa học - kỹ thuật, sự thiếu hụt nguồn vốn nhưng để bảo đảm cho sự phát triển bền vững và rút ngắn khoảng cách tụt hậu thì các nước này phải xây dựng được cho mình nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Thứ hai, để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, phải có hệ thống chính sách đồng bộ, nhưng quan trọng nhất vẫn là chú trọng đầu tư cho giáo dục, từ phổ thông cho đến đại học và các trường nghề. Giáo dục đào tạo giữ vị trí quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển giáo dục đào tạo là một bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo ra nguồn nhân lực có trình độ cao để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước. Để làm được điều này, Nhà nước cần tổ chức lại hệ thống giáo dục, đào tạo phù hợp với điều kiện trong nước, từng khu vực nhưng phải tiếp cận được nền giáo dục tiên tiến của thế giới.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn nhân lực. Việc này đòi hỏi phải có những giải pháp tổng hợp và nỗ lực chung liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong đó, tập trung làm tốt những công tác sau: dự báo cầu lao động; tuyển dụng và tạo điều kiện để họ có cơ hội làm việc; có chế độ đãi ngộ vật chất thoả đáng.
Thứ tư, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật cho khoa học - công nghệ
nhưcơ sở nghiên cứu khoa học; trung tâm đào tạo nhân tài. Từng bước hiện đại
hoá các cơ sở này theo những tiêu chuẩn quốc tế; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp nghiên cứu, đào tạo theo hướng của các nước tiên tiến. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thu hút các nhà khoa học nước ngoài, đặc biệt chuyên gia là Việt kiều về làm việc trong nước (có thể là 1 thời gian nào đó trong năm).
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực phải củng cố khả năng hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng như khu vực trên cơ sở kế thừa và giữ vững những tinh hoa văn hoá dân tộc. Do vậy, việc tăng cường học tập những kinh nghiệm quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực, trong tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất phải lựa chọn chiến lược, phương thức phát triển riêng phù hợp với truyền thống dân tộc và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.