Các công trình nghiên cứu có liên quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao vai trò của người dân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại huyện tam nông, tỉnh phú thọ (Trang 45 - 48)

Phần 1 Mở đầu

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.3. Các công trình nghiên cứu có liên quan

Đã có một số luận văn thạc sĩ viết về nông thôn, nông thôn mới và vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới như: Nghiên cứu vai trò người dân trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội (Nguyễn Thị Tú Quyên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, 2012); Nâng cao vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang (Nguyễn Mạnh Cường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, 2012); Vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương (Nguyễn Hải Đông, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, 2015)

Ngoài ra còn có những bài viết đăng tải trên các báo, tạp chí về vấn đề vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Các công trình nghiên cứu trên, dưới nhiều góc độ khác nhau đã tập trung làm rõ vấn đề vai trò của người dân trong xây dựng NTM nhưng giai đoạn nghiên cứu đã khá lâu, hiện nay một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế và nhận thức cũng như vai trò của người dân cũng đã có sự thay đổi. Bởi vậy, luận văn sẽ đi sâu nghiên cứu vấn đề nâng cao vai trò của người dân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

2.3. BÀI HỌC VÀ KINH NGHIỆM RÚT RA CHO QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI TẠI HUYỆN TAM NÔNG, TỈNH PHÚ THỌ

Qua nghiên cứu kinh nghiệm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của các nước trên thế giới và các địa phương trong nước, có thể rút ra bài học để vận dụng nâng cao vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ như sau:

- Mục tiêu cuối cùng của công cuộc xây dựng nông thôn mới là rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, xây dựng bộ mặt nông thôn hiện đại, đem lại lợi ích cho đông đảo nông dân. Nhà nước là người tổ chức và thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới. Do đó, cần chú ý phát huy vai trò của Nhà nước trong các phương diện hoạch định chính sách, phân bổ nguồn tài nguyên, đầu tư xây dựng, để công cuộc xây dựng nông thôn mới được tiến hành một cách thuận lợi trong môi trường chính sách phù hợp.

- Trong xây dựng NTM lấy phát triển kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người nông dân làm cốt lõi. Hiện nay, thu nhập của nông dân Tam Nông còn thấp, do nguồn thu chủ yếu từ nông nghiệp. Kinh nghiệm của Nhật Bản là nông dân không những được đào tạo bài bản, có kiến thức về sản xuất nông nghiệp, hiểu biết sâu về sản phẩm, ứng dụng thành thạo khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất hàng hóa, họ còn được cung cấp những kiến thức về kinh doanh, về nghệ thuật marketing để có thể tự xây dựng các chiến lược kinh doanh, cạnh tranh sản phẩm của mình. Việc nâng cao trình độ để người dân chủ động tiếp cận với khoa học - kỹ thuật và có chiến lược kinh doanh cạnh tranh sản phẩm của mình, phát huy vai trò của họ trong phát triển kinh tế.

- Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, lòng tin và lòng quyết tâm cho người nông dân. Để người dân chủ động phát huy vai trò của mình trong các hoạt động xây dựng NTM, chính quyền địa phương cần phát huy dân chủ, ngoài triển khai công tác tuyên truyền, còn trao quyền tự chủ, tự bàn bạc, để dân quyết định từng

phần việc, có các hoạt động cụ thể, thiết thực tạo lòng tin ở nhân dân, để họ thấy được những lợi ích từ việc xây dựng nông thôn mới. Từ đó, người dân sẽ thấy được vai trò của mình trong xây dựng NTM, họ quyết định từ việc lập kế hoạch, quá trình triển khai thực hiện đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

- Nhà nước cần có các chủ trương hỗ trợ để nông dân tự mình đứng lên trở thành người chủ đích thực. Chủ động lập quy hoạch và đầu tư thành lập các khu liên hiệp nông nghiệp trồng các sản phẩm đem lại lợi nhuận cao.

- Trong việc xây dựng giao thông nông thôn, cần nâng cao vai trò của người dân trong việc tự nguyện hiến đất để giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương cần có sự mềm dẻo, linh hoạt trong việc tuyên truyền vận động để người dân thấy được việc hiến đất để xây dựng giao thông thôn phục vụ cho việc đi lại hằng ngày của chính họ.

-Để phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân, các cấp chính quyền phải phát huy dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân tự quản, tự bàn bạc quyết định chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Chỉ khi nào cán bộ chính quyền lấy công khai, minh bạch làm đầu, phát huy tính dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho người dân có quyền quyết định việc sử dụng nguồn vốn do mình đóng góp, giám sát việc sử dụng nguồn vốn đó thì người dân mới tích cực, hăng hái đóng góp tiền của để xây dựng nông thôn mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao vai trò của người dân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại huyện tam nông, tỉnh phú thọ (Trang 45 - 48)