Phần 1 Mở đầu
2.1. Cơ sở lý luận của đề tài
2.1.3. Nội dung nghiên cứu về vai trò của người dân trong thực hiện Chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Khi tham gia vào quá trình phát triển NTM với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân tại các cộng đồng dân cư nông thôn sẽ từng bước được tăng cường kỹ năng, năng lực về quản lý nhằm tận dụng triệt để các nguồn lực tại chỗ và bên ngoài. Khi xem xét quá trình tham gia của người dân trong các hoạt động phát triển nông thôn, vai trò của người dân ở đây được thể hiện: “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra giám sát, dân quản lý, dân hưởng lợi”
phù hợp với quan điểm của Đảng ta là “lấy dân làm gốc”, trong xây dựng NTM các nội dung vai trò người dân được hiểu:
- Dân biết: Là quyền lợi, nghĩa vụ và sự hiểu biết của người nông dân về những kiến thức bản địa để có thể đóng góp vào quá trình quy hoạch nông thôn, quá trình khảo sát thiết kế các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Mặt khác, người dân có điều kiện tham gia hiệu quả hơn vào các giai đoạn sau của quá trình xây dựng công trình, nắm được thông tin đầy đủ về công trình mà họ tham gia như: mục đích xây dựng công trình, yêu cầu đóng góp, trách nhiệm, quyền lợi của cộng đồng người dân được hưởng lợi.
- Dân bàn: Bao gồm sự tham gia ý kiến của người dân liên quan đến kế hoạch phát triển sản xuất, liên quan đến các giải pháp, mọi hoạt động của nông dân trên địa bàn như bàn luận mở ra một hướng sản xuất mới, đầu tư xây dựng công trình phúc lợi công cộng, các giải pháp thiết kế, phương thức khai thác công trình, tổ chức quản lý công trình, các mức đóng góp, phương thức quản lý tài chính,… trong nội bộ cộng đồng dân cư hưởng lợi.
- Dân đóng góp: là một yếu tố không chỉ ở phạm trù vật chất, tiền bạc mà còn ở cả phạm trù nhận thức về quyền sở hữu và tính trách nhiệm, tăng tính tự giác của từng người dân trong cộng đồng. Hình thức đóng góp có thể bằng tiền, sức lao động, vật tư tại chỗ hoặc đóng góp bằng trí tuệ.
- Dân làm: chính là sự tham gia lao động trực tiếp từ người dân vào các hoạt động PTNT như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các hoạt động của các nhóm khuyến nông, khuyến lâm, nhóm tín dụng tiết kiệm, những công việc liên quan đến tổ chức tiếp nhận, quản lý và sử dụng công trình. Từ những việc tham cho người dân có việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
- Dân kiểm tra: thông qua các chương trình, hoạt động có sự giám sát và đánh giá của người dân, để thực hiện các quy chế dân chủ cơ sở của Đảng và Nhà nước nói chung và nâng cao hiệu quả chất lượng công trình. Ở những công trình có nhiều bên tham gia, sự kiểm tra, giám sát của cộng đồng hưởng lợi có tác động tích cực trực tiếp đến chất lượng công trình và tính minh bạch trong việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và của người dân vào xây dựng, quản lý và vận hành công trình.
- Dân quản lý: thành quả của các hoạt động mà người dân tham gia: các công trình sau khi xây dựng xong cần được quản lý trực tiếp của một tổ chức do nông dân hưởng lợi lập ra để tránh tình trạng không rõ ràng về chủ sở hữu công trình. Việc tổ chức của người dân tham gia duy tu, bảo dưỡng công trình nhằm nâng cao tuổi thọ và phát huy tối đa hiệu quả trong việc sử dụng công trình.
- Dân hưởng lợi: chính là lợi ích mà các hoạt động mang lại, tuy nhiên cần chia ra các nhóm hưởng lợi ích trực tiếp và nhóm hưởng lợi ích gián tiếp. Nhóm hưởng lợi ích trực tiếp là nhóm thụ hưởng các lợi ích từ các hoạt động như thu nhập tăng thêm của năng suất cây trồng do thực hiện thâm canh, tăng vụ, áp dụng các giống mới, các kỹ thuật tiên tiến, phòng trừ dịch bệnh và các hoạt động tài chính, tín dụng… Nhóm hưởng lợi gián tiếp là nhóm thụ hưởng thành quả của các hoạt động đó, để hưởng lợi từ mức độ cải thiện môi trường sinh thái, học hỏi nhóm hưởng lợi trực tiếp từ các mô hình nhân rộng, mức độ tham gia vào thị trường để tăng thu nhập,… (Nguyễn Thị Tú Quyên, 2012).
Vai trò của người dân trong xây dựng NTM được thể hiện qua các nội dung sau:
2.1.3.1. Vai trò người dân làm chủ thể xây dựng nông thôn mới
Là nhân vật trung tâm của xã hội nông dân chính là chủ thể của mọi quá trình kinh tế - văn hóa - xã hội diễn ra ở nông thôn. Khi Đảng và Nhà nước ta
lãnh đạo nhân dân triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM thì vai trò chủ thể của người nông dân càng được thể hiện một cách sâu sắc (Nguyễn Linh Khiếu, 2017).
a. Chủ thể nhận thức chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới là một chủ chương lớn của Đảng và Nhà nước. Do vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến cho người nông dân chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới nắm vững mọi quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Nếu người nông dân không thấm nhuần một cách sâu sắc các chủ trương, đường lối, cũng như chỉ thị và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM thì họ không thể triển khai thực hiện các tiêu chí đã được đề ra. Hơn thế, nông dân cũng cần nắm rõ sự điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí phù hợp với từng địa phương nơi địa bàn họ sinh sống.
Vì vậy, để nâng cao vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới thì trước hết phải tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân về đường lối, chủ trương, chính sách và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (Nguyễn Linh Khiếu, 2017).
b. Chủ thể thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn
Là chủ thể của mọi quá trình kinh tế ở nông thôn, nông dân chính là người lựa chọn phương thức sản xuất, cách thức kinh doanh, dịch vụ; họ vừa là người tổ chức sản suất, người trực tiếp sản xuất vừa là người buôn bán các sản phẩm của quá trình sản xuất.
Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện nay tính tự phát trong sản xuất của người nông dân sẽ bị thị trường dẫn dắt và họ thường phải hứng chịu rủi ro. Những chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn của Đảng và Nhà nước ta chính là đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đời sống cho người dân.
Với tư cách là chủ thể, nông dân chính là người triển khai thực hiện mọi chủ chương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn của Đảng và Nhà nước. Nghĩa là họ biến các chương trình, kế hoạch đó trở thành hiện thực.
Với tư cách là chủ thể của việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn, nông dân càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới (Nguyễn Linh Khiếu, 2017).
c. Chủ thể trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có nhiều tiêu chí thuộc về kết cấu hạ tầng. Đó là những tiêu chí liên quan đến giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, xây dựng cơ sở vật chất cho điện, đường, trường, trạm, chợ, các khu vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng.
Người nông dân cùng với sự tham gia đóng góp kinh phí để thực hiện các hạng mục công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, họ còn chính là người tham gia bàn thảo, góp ý kiến vào quy hoạch, thiết kế, quy mô, địa điểm các công trình kết cấu hạ tầng. Hơn nữa, họ chính là người thực hiện hầu như mọi công việc xây dựng và hoàn thiện các công trình này.
Tham gia vào mọi quy trình xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn cũng là cách họ thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Đó là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Khi trực tiếp thực hiện các công đoạn xây dựng, rõ ràng người nông dân đã trực tiếp giám sát cả tài chính, vật tư, kết cấu, chất lượng, tiến độ công trình. Thực tế này không những ngăn chặn được sự thất thoát, lãng phí vốn và vật tư mà còn chắc chắn bảo đảm chất lượng công trình một cách tối ưu nhất (Nguyễn Linh Khiếu, 2017).
d. Chủ thể mọi hoạt động văn hóa, xã hội, trật tự, an ninh ở nông thôn
Trong giai đoạn hiện nay, khi đời sống người dân nông thôn ngày càng nâng cao, các lễ hội truyền thống được phục hồi và ngày càng trở nên một sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu ở xã hội nông thôn. Các lễ hội này không chỉ đáp ứng đời sống tinh thần của người dân nông thôn mà còn quảng bá hình ảnh, quảng bá thương hiệu hàng hóa, đặc sản địa phương. Bên cạnh đó, lễ hội cũng là dịp thu hút khách du lịch, bán hàng hóa, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phục vụ lễ hội cũng ngày càng phát triển mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân địa phương.
Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu tinh thần tâm linh của người dân. Mặc dù đây là hoạt động mang tính cá thể, quyền tự do tôn giáo của mỗi người, nhưng với tư cách là chủ nhân ở nông thôn, nông dân khi tham gia các hoạt động này phải có ý thức công dân, tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với cộng đồng.
Xã hội nông thôn hiện đại đang đặt trước thách thức bất ổn, rối loạn bởi vai trò của người nông dân trong quản trị cộng đồng đang ngày một lu mờ. Để
bảo đảm trật tự an ninh ở xã hội nông thôn, cùng với sự hoạt động của các cơ quan chức năng của chính quyền cần có cơ chế thu hút người nông dân tham gia tạo lập một cơ chế tự quản hoạt động một cách hiệu quả nhất (Nguyễn Linh Khiếu, 2017).
e. Nông dân có vai trò quan trọng góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở
Nông dân có vị trí quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Họ tích cực tham gia đóng góp xây dựng sự hoạt động của chính quyền và đoàn thể các cấp. Họ tham gia góp ý, phản biện và giám sát các chủ trương, chương trình, kế hoạch hoạt động của các tổ chức, đoàn thể.
Chính qua đây, một cách hiệu quả nhất, nông dân tham gia vào quá trình xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Không có một chính quyền nào tồn tại được nếu không có sự đồng thuận, đồng hành của người dân. Chỉ khi nào nông dân gắn bó mật thiết với các cấp chính quyền, cấp ủy và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở thì hệ thống chính trị ở cơ sở mới thực sự là của dân, do dân và vì dân. Sự tham gia của nông dân vào xây dựng thệ thống chính trị cơ sở càng nêu bật vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng và phát triển nông thôn mới (Nguyễn Linh Khiếu, 2017).
2.1.3.2. Vai trò tham gia của người dân trong xây dựng nông thôn mới
Sự tham gia của người dân vào việc phát triển kinh tế xã hội nông thôn được coi như nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại của việc áp dụng phương pháp tiếp cận phát triển dựa vào nội lực và do cộng đồng làm chủ trong thí điểm mô hình. Khi tham gia vào quá trình phát triển thôn mới với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân tại các cộng đồng dân cư nông thôn sẽ từng bước được tăng cường kỹ năng, năng lực về quản lý nhằm tận dụng triệt để các nguồn lực tại chỗ và bên ngoài (Đỗ Kim Chung, 2009).
Sự tham gia của quần chúng nhân dân là phương tiện hữu hiệu để huy động tài nguyên địa phương, tổ chức và tận dụng năng lực, tính sáng tạo của quần chúng vào các hoạt động phát triển. Huy động nguồn lực của quần chúng nhân dân là yếu tố rất quan trọng cho sự thành công trong chương trình xây dựng NTM của Đảng và nhà nước ta. Sự tham gia của người dân không chỉ đóng góp về của cải, vật chất, ngày công lao động, hiến đất,… mà còn cả về tinh thần và sự đồng tình ủng hộ.
Nó giúp xác định nhu cầu tiên khởi của cộng đồng và giúp tiến hành những hoạt động phát triển để đáp ứng những nhu cầu này. Quan trọng hơn cả là
sự tham gia của người dân cho dự án hay các hoạt động, sẽ khuyến khích người dân thực hiện và đảm bảo khả năng bền vững.
Ở hầu hết các nước, sự tham gia của người dân vào phát triển diễn ra từ mức độ cao cho tới chỗ chỉ tham gia một cách hình thức. Mức độ tham gia khác nhau tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như mô hình phát triển, phong cách quản lý, mức độ nâng cao quyền lực và bối cảnh văn hoá xã hội của ñất nước hay cộng đồng. Khả năng vận động người dân tham gia và năng lực để tham gia của nhóm đối tượng cũng là những yếu tố quyết định.
Các hình thức tham gia:
Người dân tham gia vào các chương trình dự án phát triển có nghĩa là họ đang thực thi dân chủ cơ sở qua một số các hình thức:
- Có quyền được biết một cách tường tận, rõ ràng những gì có liên quan mật thiết và trực tiếp đến đời sống của họ;
- Được tham dự các buổi họp, tự do phát biểu, trình bày ý kiến, quan điểm và thảo luận các vấn đề của cộng đồng;
- Được cùng quyết định, chọn lựa các giải pháp hay xác định các vấn đề ưu tiên của cộng đồng;
- Có trách nhiệm cùng mọi người đóng góp công sức, tiền của để thực hiện các hoạt động mang tính lợi ích chung;
- Người dân tự lập kế hoạch dự án và quản lý điều hành, kiểm tra giám sát, đánh giá các chương trình dự án phát triển cộng đồng.
Sự quyết định và tự quản của người dân được đánh giá ở mức độ cao bởi lẽ nó thể hiện tăng năng lực, quyền lực của người dân. Mang tính bền vững vì người dân thể hiện vai trò làm chủ với trách nhiệm cao của mình (Đỗ Kim Chung, 2009).
2.1.3.3. Vai trò của người dân trong quyết định các vấn đề xây dựng NTM
Sự tham gia quyết định các vấn đề xây dựng NTM được thể hiện qua sự tham gia thành lập BCĐ, các tiểu ban xây dựng NTM thôn xóm; tham gia đóng góp ý kiến lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng NTM; quyết định lựa chọn phát triển vùng sản xuất (sản xuất cái gì, địa điểm xây dựng vùng sản xuất) thông qua hình thức họp, bàn, lấy ý kiến, biểu quyết theo tỷ lệ để lựa chọn các phương án. Sự tham gia các lớp tập huấn phát triển sản xuất trên địa bàn…
Đây là nội dung quan trọng nhất và xuyên suốt quá trình xây dựng NTM, được coi như nhân tố quyết định sự thành bại của việc áp dụng phương pháp tiếp cận phát triển dựa vào nội lực và do cộng đồng làm chủ trong xây dựng thí điểm mô hình. Từ việc biểu quyết thành lập BCĐ, tiểu ban NTM tại địa phương đến ý kiến lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng NTM của người dân thể hiện sự hiểu biết, bàn bạc, hành động (làm), quyết định của nhân dân.
Sau khi đã họp, thảo luận, bàn bạc, khi triển khai, người dân quyết định cái gì làm trước, cái gì làm sau, phù hợp với nguồn lực của chính họ, phù hợp với nguồn lực của địa phương và của Trung ương hỗ trợ cho họ để đạt hiệu quả nhất (Nguyễn Mạnh Cường, 2012).
2.1.3.4. Vai trò người dân đóng góp nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Phương châm xây dựng NTM là “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, do đó,