ĐO LƯỜNG ĐỐI TƯỢNG KẾ TOÁN
7.4.2.1 Cơ sở dồn tích và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Chương VII: Phương pháp tổng hợp và cân đối kế toán Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh được xây dựng để có thể phản ánh lợi nhuận của từng loại hoạt động và toàn bộ hoạt động của đơn vị trong một kỳ kế toán và lợi nhuận được xác định dựa trên tính chất cân đối như sau:
Lợi nhuận = Doanh thu – Chi phí
Doanh thu và chi phí trình bày trên báo cáo này phải tuân thủ theo cơ sở dồn tích và nguyên tắc phù hợp. Tức là doanh thu và chi phí trên báo cáo này phản ánh giá trị lợi ích kinh tế đạt được và chi phí thực tế phát sinh tại doanh nghiệp trong kỳ, không quan tâm đến việc doanh nghiệp đã thu tiền chưa hay đã chi tiền chưa trong kỳ đó. Chi phí phải phù hợp với doanh thu trong kỳ đó. Do vậy, lợi nhuận xác định trên báo cáo này là lợi nhuận kế toán chứ không phải là dòng tiền ròng sau một kỳ kinh doanh.
Ví dụ: Một doanh nghiệp vừa mới thành lập, có số liệu tổng hợp trong năm tài chính N như sau:
1) Doanh thu trong năm: 950 triệu đồng, trong đó tiền đã thu được từ khách hàng: 700 triệu đồng.
2) Chi phí hoạt động đã chi bằng tiền mặt tương ứng với doanh thu trong năm là 480 triệu đồng.
3) Chi phí khấu hao TSCĐ tính vào chi phí xác định kết quả trong năm là 120 triệu đồng.
Dựa trên cơ sở dồn tích, kết quả kinh doanh (lợi nhuận) trong năm của doanh nghiệp sẽ không phụ thuộc việc doanh nghiệp đã thu tiền bán hàng, đã thanh toán các khoản chi phí hay chưa. Vì vậy. theo nguyên tắc phù hợp thì kết quả kinh doanh trong năm đầu tiên được xác định như sau:
Doanh thu: 980 triệu đồng Chi phí hoạt động 480 triệu đồng Chi phí khấu hao TSCĐ 120 triệu đồng
Lợi nhuận kinh doanh 380 triệu đồng
Số liệu này cho biết, vào cuối năm N, giá trị phần vốn chủ sở hữu sẽ tăng thêm 380 triệu đồng so với đầu năm N do gia tăng lợi nhuận (giả sử không phát sinh thuế TNDN và chủ sở hữu không tăng thêm vốn góp).