Các nhà nghiên cứu khi bàn về cấu trúc văn hóa nhà trường đều nhất trí với một trong hai mô hình cấu trúc của Frank Gonzales và Clive Dimmock, văn hóa nhà trường có những phần nổi và phần chìm của nó. Trong một tổ chức nói chung, các giá trị văn hóa có những biểu hiện rõ ràng, dễ quan sát được và dễ thay đổi (văn hóa chung của tổ chức) nhưng cũng có những giá trị văn hóa ẩn chìm trong mỗi cá nhân (các giá trị, niềm tin và ý nghĩ của con người…) khó quan sát được hoặc khó thay đổi, tạo nên sự khác biệt về văn hóa của các thành viên [30].
Sơ đồ 1.2. Mô hình tảng băng về văn hóa nhà trường
Mô hình mà nhiều nhà nghiên cứu của Việt Nam sử dụng khi bàn về cấu trúc của văn hóa nhà trường là mô hình tảng băng (Sơ đồ 1.2).
Phần nổi của tảng băng là phần có thể nhìn thấy, bao gồm:
- Sứ mệnh của nhà trường: Thể hiện những giá trị mong muốn của nhà trường; sứ mệnh đưa ra các thông điệp cốt yếu cho nhận thức và hành động của mọi thành viên trong nhà trường.
- Tầm nhìn của nhà trường: Thể hiện rõ ràng trong bản kế hoạch chiến lược phát triển của nhà trường và phát triển trên cơ sở kế thừa những giá trị truyền thống đã giúp cho nhà trường tồn tại và phát triển.
- Mục tiêu hoạt động của nhà trường: Hướng vào mục tiêu giáo dục quốc gia trong từng giai đoạn và từng thời kỳ lịch sử, được xây dựng trên cơ sở mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
- Những thực thể hữu hình như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị; cách bố trí cảnh quan, khuôn viên của trường, cách bố trí lớp học; khẩu hiệu, lôgo, bảng hiệu; trang phục, đồng phục, nghi thức, nghi lễ; các hoạt động giáo dục khác.
Phần chìm của tảng băng chính là những giá trị, chuẩn mực:
- Nhu cầu, cảm xúc, mong muốn của cá nhân. - Các ý tưởng khác biệt về vai trò, sứ mệnh.
- Quan điểm về mối quan hệ và tầm nhìn trong công việc. - Quyền lực và cách thức ảnh hưởng; sự cạnh tranh và hợp tác. - Cảm giác về sự chân thật và tin tưởng.
- Kỹ năng, năng lực và các giá trị cá nhân.
- Quan điểm và mối quan hệ và tầm quan trọng của công việc,…
Văn hóa lành mạnh, hài hòa, phong phú, đa dạng là chiếc “nôi” nuôi dưỡng con người về mọi mặt. Có không ít người đã khẳng định: văn hóa quyết định trường tồn của một tổ chức. Đó là ý nghĩa và tầm quan trọng lớn nhất của văn hoá. Nó càng có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với nhà trường, đặc biệt là trường TH; bởi lẽ, văn hoá là một tính chất đặc thù của nhà trường, hơn bất kỳ một tổ chức nào. Điều này được xác định dựa trên những căn cứ sau:
- Nhà trường là nơi đào luyện những lớp người mới, chủ nhân gìn giữ và sáng tạo văn hoá cho tương lai.
- Nhà trường là nơi bảo tồn vào lưu truyền các giá trị văn hoá nhân loại.
- Nhà trường là nơi con người với con người (người dạy với người học) cùng hoạt động để chiếm lĩnh các mục tiêu văn hoá, theo những cách thức văn hoá.
Động lực sư phạm được tạo nên bởi nhiều yếu tố, trong đó văn hoá là một động lực vô hình có sức mạnh kích cầu hơn cả các biện pháp kinh tế, cụ thể:
- VHHĐ giúp các thành viên trong trường thấy rõ mục tiêu, định hướng và bản chất công việc mình làm.
- VHHĐ phù hợp, tích cực tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp giữa các các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong tập thể sư phạm, giữa giáo viên và học sinh; đồng thời tạo ra một môi trường làm việc thoải mái, vui vẻ, lành mạnh.
- VHHĐ tích cực giúp cho người dạy, người học và mỗi người xung quanh có cảm giác tự hào, hãnh diện vì được là thành viên của nhà trường.
Tóm lại, các yếu tố kể ra trong phần nổi và phần chìm của tảng băng tại Sơ đồ 1.1. chính là nội dung mà trường TH cần hình thành khi xây dựng VHHĐ.
1.3.4. Phương thức tổ chức xây dựng văn hoá học đường
Phương thức 1: Xây dựng các quy tắc ứng xử; từ đó hình thành các hệ giá trị, chuẩn mực của nhà trường.
a. Quy tắc ứng xử với mọi người trong nhà trường:
Hiệu trưởng trao đổi với GV, HS…để thảo luận, hình thành các quy định, quy tắc ứng xử: HS-HS, HS-GV, GV-GV, GV-CBQL, CBQL-HS. Các quy định, quy tắc này có thể bao gồm: Tôn trọng người khác; tôn trọng lời hứa/sự cam kết, hợp đồng; trung thực; tránh cách nói mỉa mai, chỉ trích,…làm tổn thương người khác; luôn tìm ưu điểm ở người khác; đặt vị trí mình vào vị trí người khác.
b. Xây dựng các quy tắc ứng xử với môi trường, như: Bảo vệ sức khỏe; giữ gìn vệ sinh trường, lớp; bảo vệ môi trường sống; tiết kiệm năng lượng; giữ gìn, bảo vệ tài sản nhà trường,…
Phương thức 2: Cụ thể hoá các quy tắc ứng xử đã được xây dựng vào hoạt động của nhà trường và hiện thực hoá thành niềm tin, hành vi giao tiếp của CBQL, GV, NV, HS trên một số nội dung cơ bản như:
- Xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở, hợp tác, cùng chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau; mọi người đều được tôn trọng, luôn được coi trọng và có cơ hội thể hiện, phát triển các khả năng của mình.
- Xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá, khen thưởng hợp lý thúc đẩy mọi người nỗ lực làm việc; mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong trường đều có bản mô tả công việc, rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ; hiệu trưởng tăng cường dự giờ, trao đổi chuyên môn với GV đứng lớp về cách dạy và học.
- Tạo môi trường học tập để HS biết là được yêu thương, được quan tâm chăm sóc; bảo đảm cho HS có một tương lai xứng đáng với sự đầu tư của cha mẹ.
- Hiệu trưởng chia sẻ quyền lực, mạnh dạn trao quyền cho giáo viên trong đó đề cao vai trò lãnh đạo hoạt động dạy - học của giáo viên và nên có mặt thường xuyên trong trường và lớp học, tham dự càng nhiều hoạt động càng tốt.
- Khuyến khích cha mẹ học sinh tham gia vào các hoạt động giáo dục, hoạt động trải nghiệm của nhà trường làm cho họ hiểu rõ vai trò của mình.
Phương thức 3: Phát động phong trào nêu gương người tốt việc tốt, tạo dư luận để loại trừ những biểu hiện phi văn hoá, như: Sự buộc tội, đổ lỗi cho nhau; sự kiểm soát quá chặt chẽ đánh mất quyền tự do và tự chủ của cá nhân; quan liêu, nguyên tắc máy móc; trách mắng HS vì các em không có sự tiến bộ; thiếu sự động viên khuyến khích; thiếu sự cởi mở, tin cậy; thiếu sự hợp tác, thiếu sự chia sẻ học hỏi lẫn nhau; mâu thuẫn, xung đột nội bộ không được giải quyết kịp thời.
Phương thức 4: Phát triển và gìn giữ các yếu tố bề nổi, như: Xây dựng sứ mệnh, tầm nhìn nhà trường; phát triển CSVC, cảnh quan; xây dựng phòng truyền thống-Đội, phòng giáo viên; tạo dựng khung cảnh, cách bài trí lớp học, không khí lớp học; khẩu hiệu, bảng hiệu, biểu tượng; đồng phục, các nghi thức, nghi lễ; các hoạt động văn hoá, học tập của trường; kỉ luật, nền nếp của giáo viên,…
Phương thức 5: Nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức, xem đạo đức là một hệ giá trị cơ bản, cốt lõi của VHHĐ. Cụ thể:
- Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch chung của nhà trường ngay từ đầu năm học trong đó xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường. Nhiệm vụ đó được đặt ra trong kế hoạch của nhà trường, của tổ chuyên môn, củng như của từng giáo viên chuyên trách (GVCT);
- Lãnh đạo nhà trường chỉ đạo các TCM làm tốt công tác bồi dưỡng GV, đánh giá GV và quản lý toàn diện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của GV, tăng cường nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; tăng cường kiểm tra chuyên môn đối với GV nhà trường; tổ chức tốt Hội nghị Viên chức hàng năm nhằm động viên GV, NV đăng ký các danh hiệu thi đua, khen thưởng các cấp.
- Lãnh đạo xây dựng các biện pháp nâng cao chất lượng GD, trong đó hướng vào sự hình thành và phát triển nhân cách học sinh: Trung thực trong học tập, trong các quan hệ, có động cơ trong sáng; ý chí khắc phục khó khăn, ham học hỏi, quyết tâm tự học cao, rèn luyện tư duy sáng tạo; có thái độ đúng đắn, có niềm tin đạo đức trong sáng, có thói quen chấp hành tốt nền nếp, kỉ cương của nhà trường, nỗ lực học tập rèn luyện để trở thành những những người có ích cho xã hội, cho quê hương.