1.2.2.1. Văn hoá học đường
Theo cách hiểu phổ biến trong các tài liệu hiện nay thì VHHĐ là một hệ thống phức hợp các giá trị, các chuẩn mực xung quanh chức năng Giáo dục và Đào tạo con người của nhà trường, được chấp nhận tự nguyện, được cam kết tôn trọng để theo đó mà các thành viên của nhà trường cùng nhau thực thi các hoạt động dạy và học, nhằm hoàn thành ngày càng tốt sứ mệnh cao cả của mình.
Theo tác giả Phạm Minh Hạc thì “Văn hóa học đường là hệ thống các chuẩn mực, giá trị giúp cán bộ quản lý nhà trường, thầy giáo, cô giáo, phụ huynh và các em học sinh, sinh viên có các cách thức suy nghĩ và hành động tốt đẹp”. Đây là định nghĩa được nhiều tác giả trong nước sử dụng hiện nay. Bởi mục tiêu chung nhất của VHHĐ là xây dựng trường học lành mạnh với các mối quan hệ thân thiện và chất lượng giáo dục thật sự.
Như vậy, có thể thấy rằng, VHHĐ liên quan đến toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của một nhà trường. Nó biểu hiện đầu tiên là ở tầm nhìn, sứ mệnh, triết lý, mục tiêu, các giá trị, phong cách lãnh đạo, quản lý và bầu không khí tâm lý ở mỗi nhà trường. VHHĐ thể hiện ở hệ thống các chuẩn mực, các giá trị, niềm tin, quy tắc ứng xử, hành vi…được xem là tốt đẹp nhất và được các thành viên trong nhà trường chấp nhận và xây dựng tạo nên bản sắc riêng cho tổ chức sư phạm, thông qua đó các thành viên trong nhà trường được kết nối với nhau để phấn đấu cho mục tiêu chung của mỗi nhà trường.
1.2.2.2. Văn hoá học đường ở trường tiểu học
Văn hóa học đường ở TH, hiểu một cách trực tiếp đó là văn hoá học đường trong trường TH. Theo cách tiếp cận khái niệm VHHĐ đã nêu ở trên thì nội hàm của VHHĐ trong trường TH là triết lý, sứ mệnh, tầm nhìn, hệ giá trị, mục tiêu, phong cách
quản lý và bầu không khí tâm lý; là hệ thống các chuẩn mực, niềm tin, quy tắc ứng xử, hành vi…được xem là tốt đẹp nhất và được các thành viên của trường TH tự nguyện chấp nhận và vận dụng.
Ở một khía cạnh khác, do trường TH là một tổ chức, vì vậy có thể tiếp cận VHHĐ trường TH qua văn hoá tổ chức. Với cách tiếp cận này, VHHĐ được xem xét cụ thể trong một tổ chức (là trường TH) có cấu trúc chặt chẽ, được thành lập và hoạt động với chức năng, nhiệm vụ đã xác định rõ ràng, khác với các kiểu văn hoá mang tính ước lệ khác (như văn hoá cộng đồng, văn hoá làng, văn hoá thôn...).