Điều kiện kinh tế-xã hội và giáo dục của huyện Mỹ Tú

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông ở huyện mỹ tú, tỉnh sóc trăng (Trang 46 - 49)

9. Dàn ý chi tiết của đề tài

2.1.2. Điều kiện kinh tế-xã hội và giáo dục của huyện Mỹ Tú

2.1.2.1. Về lĩnh vực kinh tế:

Mỹ Tú là huyện thuần nông, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với nghề chính là trồng lúa. Theo thông tin của Phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Tú, vụ đông xuân năm 2018, tỷ lệ xuống giống cây trồng trên địa bàn huyện đạt 100% kế hoạch trên diện tích hơn 20 ngàn ha. Giống lúa đặc sản như ST5, tài nguyên mùa, Basmati... chiếm trên 7% diện tích gieo trồng (bằng 1.450 ha). Ngoài ra còn các giống lúa cao sản chất lượng cao chiếm gần 90% diện tích gieo trồng (trên 18 ngàn ha). Mô hình sản xuất phổ biến của nông dân huyện là “2 lúa 1 màu” trên cùng một diện tích đất canh tác. Các loại hoa màu chủ yếu như củ cải, hành tím, dưa hấu, bắp cải, bí rợ, bí đao, các loại cây ăn lá khác

Ngoài cây lúa, cây mía cũng là một trong những cây trồng chính của huyện Mỹ Tú. Cùng với các huyện Long Phú, Cù Lao Dung, Mỹ Tú là một trong 3 huyện nằm trong vùng mía nguyên liệu tập trung của tỉnh Sóc Trăng, tổng diện tích gần 13.000 ha. Một nghề phụ nhưng đã mang lại thu nhập không nhỏ cho nông dân huyện Mỹ Tú những năm gần đây là trồng nấm rơm. Huyện Mỹ Tú gần đây còn xây dựng đề án khuyến khích trồng nấm ăn và nấm dược liệu trong đồng bào Khmer nhằm giúp bà con tháo gỡ bế tắc, nhanh chóng có thêm thu nhập, ổn định đời sống. Hiện nay, nghề trồng nấm rơm đang phát triển tại huyện Mỹ Tú với hàng ngàn hộ nông dân tham gia cho sản lượng nấm rơm mỗi năm vài ba ngàn tấn phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu. Nghề trồng nấm rơm phát đạt đã kéo theo mở mang các cơ sở dịch vụ cần thiết như: cung ứng meo giống, thu mua, sơ chế, tiêu thụ nấm rơm thương phẩm cũng giúp thu hút một lượng lớn lao động nông thôn. Trước đây, nguồn rơm rạ hè thu tại đồng bằng sông Cửu Long thường phải bỏ đi rất lãng phí. Từ khi nghề làm nấm rơm phát triển, rơm rạ trở thành món hàng có giá trị. Sau mỗi vụ trồng nấm, ở Mỹ Tú lại xuất hiện thêm những triệu phú nông dân mới

Mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh với cây lúa những năm gần đây cũng đem lại nhiều phấn khởi cho nông dân huyện Mỹ Tú. Tuy mức thu nhập chưa phải là cao so với con tôm sú vùng mặn lợ, nhưng con tôm càng xanh trên ruộng lúa đã

36

và đang là niềm hy vọng về một cuộc đổi đời cho nông dân vùng trũng của huyện Mỹ Tú. Năm 2018, toàn huyện có 143 ha diện tích nuôi tôm càng xanh, phần lớn diện tích tập trung ở xã Mỹ Thuận. Với mật độ thả nuôi từ 7 - 10 con/m2, năng suất bình quân từ 800 - 1000 kg/ha, lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng/ha/vụ. Năm 2018, huyện Mỹ Tú tập trung xây dự án thí điểm mô hình luân canh tôm - lúa ở ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Hương với diện tích hơn 5 ha. Những hộ tham gia dự án này sẽ được hỗ trợ 50% chi phí (tương đương 8 triệu đồng/ha) để đầu tư xây dựng công trình, mua con giống và thức ăn trong tháng đầu tiên. Số còn lại sẽ được ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay. Để giúp nông dân nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả, ngoài việc đầu tư hỗ trợ vốn, ngành Nông nghiệp huyện đã cùng với bà con quy hoạch, thiết kế ao nuôi, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật...cho người nông dân.

Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng huyện Mỹ Tú cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt ở mức khá cao, như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 12,3%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 1.406 USD. Thu ngân sách hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao từ 10 đến 15%; chi ngân sách bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Huyện đã đầu tư và huy động toàn xã hội đóng góp 4.020 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phục vụ sản xuất và đời sống của người dân; các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng như: giao thông, trường học, trụ sở làm việc, bệnh viện, trạm y tế, nhà văn hóa... gắn với chỉnh trang đô thị được đầu tư xây dựng khang trang. Bên cạnh đó, huyện còn đầu tư xây dựng trung tâm thương mại Long Hưng, nâng cấp mở rộng trung tâm thương mại thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, chợ Mỹ Phước, Mỹ Hương... Từng bước hình thành các cụm trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị ở các xã, thị trấn. Xã Long Hưng được tỉnh công nhận đô thị loại V, sớm hơn một năm so với Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra. Nhờ đó, mạng lưới kinh doanh thương mại - dịch vụ trên địa bàn có bước phát triển tốt. Tổng số cơ sở thương mại - dịch vụ hiện có 3.935 đơn vị (tăng 1.500 cơ sở so đầu nhiệm kỳ). Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước thực hiện 3.080 tỷ đồng, đạt 102,67% Nghị quyết.

37

2.1.2.2. Lĩnh vực văn hóa – xã hội:

Huyện Mỹ Tú là nơi gắn kết và sinh sống của nhiều dân tộc anh em, chủ yếu là dân tộc kinh chiếm 75,54%, Hoa chiếm 1,59%, Khmer chiếm 22,87%. Cộng đồng các dân tộc trong huyện với những truyền thống, bản sắc riêng đã hình thành một nền văn hóa phong phú, có nhiều nét độc đáo và giàu bản sắc dân tộc. Mỹ Tú luôn là vùng đất có truyền thống văn hóa và cách mạng. Cộng đồng các dân tộc trong huyện có tinh thần đoàn kết yêu quê hương, có đức tính cần cù, chăm chỉ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để vững bước đi lên. Đó là những nhân tố cơ bản và sức mạnh tinh thần để hướng tới sự phát triển kinh tế - xã hội, trong xu hướng hội nhập với cả nước, khu vực và quốc tế; là thuận lợi để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện vững bước đi lên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng huyện Mỹ Tú giàu, đẹp, văn minh.

Chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân được nâng lên. Mạng lưới y tế cơ sở được kiện toàn từ trạm y tế các xã, thị trấn đến tổ y tế ấp; tất cả các xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư nâng cấp, bảo đảm nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn huyện có tám trong số chín xã, thị trấn có nhà văn hóa, 62 trong số 83 ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng, 22.500 gia đình văn hóa, 60 ấp văn hóa. Trong điều kiện khó khăn chung huyện đã huy động được 361 tỷ đồng đầu tư phát triển hơn 200 công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Đến nay, huyện có hai xã Long Hưng và Mỹ Hương được công nhận chuẩn quốc gia xây dựng nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 12 đến 15 tiêu chí. Huyện cũng đã đầu tư và huy động nhân dân đóng góp 34,5 tỷ đồng xây dựng 148 căn nhà tình nghĩa, 1.300 căn nhà tình thương cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và đào tạo nghề, giải quyết việc làm góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 8,88%, trong đó hộ đồng bào dân tộc Khmer giảm chỉ còn 13,86%.

38

Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Tú có bước chuyển biến tích cực, rõ nét với nhiều kết quả nổi bật. Toàn huyện có 55 trường với 800 lớp và có trên 25.000 học sinh từ bậc mầm non đến bậc THPT. Tổng số cán bộ, giáo viên và nhân viên trong biên chế toàn ngành 1.342 người. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có lập trường tư tưởng vững vàng, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các bậc học có sự thay đổi tích cực. Hệ thống trường lớp từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp theo hướng kiên cố hóa; Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được trang bị đáp ứng nhu cầu dạy và học tập. Công tác duy trì sĩ số học sinh đến cuối năm học đạt 97,6%. Đến nay, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Toàn ngành hiện có 23/51 trường học đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 99,56%; Tỷ lệ xét tốt nghiệp THCS đạt 97,4% và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,24%.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông ở huyện mỹ tú, tỉnh sóc trăng (Trang 46 - 49)