Trên cơ sở nội dung Thuyết Cấp bậc nhu cầu của Maslow, tác giả nhận thấy nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của công chức là nhu cầu bậc cao, nằm ở tầng thứ tư và tầng thứ năm của tháp nhu cầu. Đó là mong muốn của công chức được tôn trọng, kính mến, tin tưởng; nhu cầu được thể hiện những khả năng của bản thân và tự hoàn thiện mình.
Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức là “khoảng trống” giữa “thực trạng” và “yêu cầu” cần đạt được. Đây là hoạt động phân tích, đánh giá nhằm xác định mức độ chênh lệch giữa năng lực hiện có trong thực hiện nhiệm vụ thực tế (bao gồm: trình độ chuyên môn, kỹ năng, phẩm chất, thái độ) với mức năng lực cần phải có cho mỗi vị trí công việc. Vấn đề đặt ra cho khoá đào tạo, bồi dưỡng là "lấp" được "khoảng trống", giải quyết được sự “chênh lệch” đó.
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng trên cơ sở đánh giá nhu cầu của công chức. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo cho công chức có thể lấp đầy khoảng trống giữa năng lực hiện có và năng lực cần đạt được. Tạo động lực thông qua xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng là một trong những nội dung tạo động lực làm việc cho công chức và thể hiện rõ ràng nhất ở nội dung đào tạo, bồi dưỡng:
- Nội dung đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của vị trí đang đảm nhận. Mỗi vị trí việc làm yêu cầu những kiến thức, kỹ năng riêng vì vậy nội dung đào tạo, bồi dưỡng nếu được xây dựng trên cơ sở xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đúng sẽ có tác dụng tạo động lực làm việc cho công chức. Khi đó, công chức có đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc, ngoài ra còn giúp công chức nâng cao năng suất làm việc. Từ đó, nội dung đào tạo, bồi dưỡng có tác dụng kích thích tinh thần của công chức, họ sẽ cảm thấy yêu thích công việc và phấn đấu hoàn thành mục tiêu đặt ra.
20
- Nội dung đào tạo, bồi dưỡng của công chức về kiến thức, kinh nhiệm hội nhập quốc tế giúp họ có cái nhìn mới về nền công vụ khi bước vào thời đại hội nhập, đổi mới tư duy, đề xuất ý kiến sáng tạo, thay đổi cách thức xử lý công việc. Đồng thời, nội dung đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần tạo động lực làm việc cho công chức, trên cơ sở nâng cao nhận thức, thái độ làm việc, tác phong nghề nghiệp, tính trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Từ những phân tích trên có thể khẳng định rằng xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng mà cụ thể hơn là nội dung đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được nhu cầu hoàn thiện bản thân và nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công việc là một nội dung tạo động lực cho công chức thông qua đào tạo, bồi dưỡng.