* Quản lí
Quản lí xuất hiện và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Hiện nay, có nhiều cách giải thích thuật ngữ “Quản lí” vì ta có thể tiếp cận khái niệm này theo nhiều cách khác nhau như cai quản, chỉ huy, lãnh đạo.
Theo từ điển tiếng Việt thông dụng, Nhà xuất bản Giáo dục, 1998, thuật ngữ quản lí được định nghĩa là: “Tổ chức, điều khiển hoạt động của một đơn vị, cơ quan”.
Trần Khánh Đức khái quát khái niệm quản lí từ các quan niệm của nhiều học giả như C. Mác, nhà triết học V.G. Afanatsev và Frederic Winslow Taylor như sau: Quản lí là hoạt động có ý thức của con người nhằm định hướng, tổ chức, sử dụng các nguồn lực và phối hợp hành động của một nhóm người hay một cộng đồng người để đạt được các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả nhất trong bối cảnh và các điều kiện nhất định” (Trần Khánh Đức, 2014).
Theo tác giả Phạm Viết Vượng: Quản lí là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lí lên đối tượng quản lí bằng một hệ thống các luật, các chính sách, các nguyên tắc, các phương pháp và các biện pháp cụ thể nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các tiềm năng, các cơ hội của tổ chức để đạt được mục tiêu đã đề ra (Phạm Viết Vượng, 2003).
Từ các khái niệm trên, ta có thể khái quát: Quản lí là sự tác động có tổ chức, có mục đích của chủ thể quản lí đến khách thể quản lí nhằm sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, các cơ hội của hệ thống để đạt mục tiêu định ra trong điều kiện biến động
của môi trường, làm cho tổ chức hoạt động có hiệu quả. Quá trình tác động, chỉ huy, điều khiển phải có kế hoạch, có chủ đích, hợp qui luật của chủ thể quản lí đến đối tượng quản lí, sao cho có thể sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, các cơ hội của tổ chức, đưa tổ chức đạt đến mục tiêu đã xác định.
* Quản lí giáo dục
Theo Trần Khánh Đức, giáo dục là một loại hình hoạt động xã hội rộng lớn do nhu cầu phát triển, tiếp nối, truyền thụ kinh nghiệm và tri thức từ đời này sang đời khác. Do vậy, hoạt động giáo dục cũng cần được tổ chức và quản lí nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu giáo dục mà mỗi thể chế chính trị ở từng quốc gia đề ra. Giống như khái niệm quản lí, khái niệm quản lí giáo dục cũng được các học giả quan niệm khác nhau.
M.I. Kônđacốp cho rằng: “Quản lí giáo dục là tập hợp những biện pháp kế hoạch hóa nhằm đảm bảo vận hành bình thường của cơ quan trong hệ thống giáo dục để tiếp tục phát triển, mở rộng hệ thống cả về số lượng cũng như chất lượng” (M. I. Kônđakôp, 1984).
Theo Trần Kiểm, quản lí giáo dục là những “tác động có hệ thống, có kế hoạch, có ý thức và hướng đích của chủ thể quản lí ở mọi cấp khác nhau đến tất cả các mắc xích của toàn bộ hệ thống nhằm mục đích đảm bảo sự hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ trên cơ sở quy luật của quá trình giáo dục về sự phát triển thể lực, trí lực và tâm lực trẻ em” (Trần Kiểm, 1997).
Nguyễn Ngọc Quang định nghĩa quản lí giáo dục là “Hệ thống tác động có mục đích, có kế hoạch hợp quy luật của chủ thể quản lí, nhằm làm cho hệ thống vận hành theo đường lối giáo dục của Đảng, thực hiện được các tính chất của nhà trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà tiêu điểm hội tụ là quá trình dạy-học, giáo dục thế hệ trẻ, đưa hệ giáo dục đến mục tiêu dự kiến, tiến lên trạng thái mới về chất” (Nguyễn Ngọc Quang, 1989).
Như vậy, ta có thể hiểu: Quản lí giáo dục là sự tác động có tổ chức, có định hướng phù hợp với quy luật khách quan của chủ thể quản lí giáo dục đến đối tượng quản lí nhằm đưa hoạt động giáo dục ở từng cơ sở và của toàn bộ hệ thống giáo dục đạt tới mục tiêu đã định. Ở Việt Nam, quản lí giáo dục là hệ thống tác động có mục
đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lí giáo dục đến đối tượng quản lí sao cho hệ thống đó được vận hành theo đúng đường lối, chủ trương giáo dục của Đảng và Nhà nước ta nhằm đạt được mục tiêu giáo dục mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Mọi hoạt động giáo dục và QLGD đều hướng vào việc đào tạo và phát triển nhân cách thế hệ trẻ.
* Quản lí công tác XHHGD
Dựa vào các khái niệm về quản lí và XHHGD, ta có thể khái quát: Quản lí công tác XHHGD là những tác động có mục đích, có kế hoạch của nhà quản lí giáo dục đến công tác XHHGD theo đúng mục tiêu xã hội hóa giáo dục đã đề ra.
Hay nói cách khác: Quản lí công tác XHHGD là quá trình mà cơ quan quản lí giáo dục tác động đến công tác XHHGD bằng các biện pháp phù hợp nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội để thực hiện mục tiêu chung là xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục quốc dân, đáp ứng mục tiêu giáo dục đã đề ra.