Kế hoạch là toàn bộ những điều vạch ra một cách có hệ thống và cụ thể về cách thức, trình tự, thời gian tiến hành những công việc dự định làm trong một thời gian nhất định, với mục tiêu nhất định. (Hoàng Phê, 2016).
Đây là chức năng đầu tiên, mang tính tiền đề, là cơ sở để hoạt động và phát triển công tác quản lí. Công tác quản lí hoạt động XHHGD tại các trường THCS đòi hỏi hiệu trưởng nhà trường phải xây dựng được một kế hoạch hoạt động bao quát trên nhiều phương diện, đánh giá và phân tích được nhiều vấn đề từ đó đưa ra được các định hướng đúng đắn cũng như phương án giải quyết vấn đề. Trong chu trình này, kế hoạch của hiệu trưởng nhà trường phải đảm bảo được các yêu cầu:
Đảm bảo được cơ sở pháp lí để các hoạt động xã hội hóa trong nhà trường được pháp luật nhà nước công nhận và bảo vệ. Khi xây dựng kế hoạch, hiệu trưởng nhà trường phải nghiên cứu kĩ văn bản, vận dụng linh hoạt nhưng phải đảm bảo các quy định của nhà nước, của ngành và địa phương về công tác XHHGD ở trường THCS mà mình quản lí. Kế hoạch phải xác định được nguyên tắc XHHGD của nhà trường. Quy trình lập kế hoạch theo trình tự như sau:
Thứ nhất, hiệu trưởng các trường THCS phải phân tích được tình hình, bối cảnh của nhà trường cũng như ngoài xã hội: điểm mạnh, điểm yếu, khó khăn, thuận lợi bên trong nhà trường cũng như ngoài địa phương. Ngoài ra, có thể phân tích đến từng nguồn lực xã hội từ đó đưa ra được phương hướng để huy động các nguồn lực xã hội phù hợp tham gia thực hiện công tác XHHGD của nhà trường.
Thứ hai, khi xây dựng kế hoạch, hiệu trưởng phải xác định mục tiêu dài hạn, ngắn hạn của nhà trường khi thực hiện các hoạt động XHHGD. Việc xác định mục
tiêu XHHGD của nhà trường khi xây dựng kế hoạch XHHGD giúp cho việc huy động nguồn lực xã hội hóa đi đúng hướng, đáp ứng yêu cầu của nhà trường và tình hình thực tế của địa phương, giúp hạn chế việc huy động nguồn lực XHHGD một cách tràn lan, không phù hợp với nhu cầu thực tế của nhà trường.
Thứ ba, từ mục tiêu đã xác định, hiệu trưởng nhà trường phải xác định được các nội dung, phương pháp và hình thức thực hiện công tác XHHGD cụ thể. Từ đó, giúp cho các lực lượng trong và ngoài nhà trường (đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên nhà trường, cha mẹ học sinh, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, đoàn thể) nắm bắt cụ thể nhiệm vụ, phương thức thực hiện công tác XHHGD của nhà trường.
Thứ tư, ứng với từng kế hoạch hành động cụ thể nêu trên, nhà quản lí phải hoạch định ra tiến độ thực hiện kèm theo xây dựng dự trù kinh phí tiến hành hoạt động. Nếu có nhiều kế hoạch hành động, nhà quản lí phải cẩn thận xây dựng tiến độ để có thể thực hiện được nhiều nhiệm vụ với chất lượng cao nhất trong thời gian ngắn nhất. Việc làm này giúp cho hiệu trưởng nhà trường đảm bảo được nguồn nhân lực và tài lực có được tham gia vào thực hiện công tác XHHGD của mình.
Cuối cùng, trước khi tổ chức thực hiện kế hoạch, hiệu trưởng nhà trường cần xem xét lại kế hoạch mà mình xây dựng có khắc phục được những hạn chế tồn tại so với kế hoạch các năm học trước không; đồng thời phổ biến dự thảo kế hoạch để lấy ý kiến và sự đồng thuận của cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên nhà trường nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp của kế hoạch đề ra.
Tóm lại, công tác lập kế hoạch công tác XHHGD ở trường THCS phải đảm bảo các yêu cầu sau: Kế hoạch công tác XHHGD của nhà trường được xây dựng cụ thể, chi tiết, đầy đủ nội dung theo từng năm học; xác định được nguyên tắc, mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp, các lực lượng tham gia thực hiện công tác XHHGD của nhà trường. Bên cạnh đó, việc xác định thời gian và dự kiến nguồn kinh phí thực hiện cho từng nhiệm vụ của công tác XHHGD cũng vô cùng cần thiết. Kế hoạch xã hội hóa của nhà trường phải thể hiện được sự khắc phục những tồn tại, hạn chế và việc phát huy những điểm mạnh của kế hoạch trước. Nội dung kế hoạch XHHGD của nhà trường phải đạt được sự nhất trí cao khi thông qua hội đồng sư phạm của nhà
trường.