1.2.1. Giáo dục thể chất
Giáo dục thể chất là một môn khoa học nghiên cứu những quy luật chung nhằm điều khiển quá trình hoàn thiện thể chất con người, là một quá trình hướng vào việc hoàn thiện con người về mặt hình thái và mặt chức năng, hình thành các kỹ năng kỹ xảo cơ bản quan trọng trong đời sống cùng với những hiểu biết liên quan đến những kỹ năng kỹ xảo đó, phát triển các phẩm chất và khả năng
thể lực của con người.
GDTC là một bộ phận không thể tách rời của giáo dục toàn diện, nó cho con người năng lực để lao động. Dưới tác dụng của quá trình GDTC, cơ thể con người phát triển cân đối, khỏe mạnh, được rèn luyện, có khả năng chống lại những ảnh hưởng xấu của môi trường. Những tố chất thể lực như nhanh nhẹn, khéo léo, mạnh mẽ, bền bỉ được rèn luyện và củng cố. Những thói quen vận động như: đi, chạy nhảy, ném, leo trèo,… được hình thành. Nó là một quá trình sư phạm nhằm giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, hoàn thiện về thể chất và nhân cách, nâng cao khả năng làm việc và kéo dài tuổi thọ.
GDTC là một quá trình nhằm hoàn thiện về mặt hình thể và chức năng sinh học của cơ thể con người, hình thành và củng cố những kỹ năng, kỹ xảo vận động, giáo dục các tố chất thể lực.
GDTC nghiên cứu mục đích, nhiệm vụ, đặc điểm của nguyên tắc GDTC và mở ra mối quan hệ của GDTC với các mặt của giáo dục toàn diện: Giáo dục trí tuệ, giáo dục đạo đức, giáo dục thẫm mỹ và giáo dục lao động.
Từ trên các nghiên cứu trên, có thể đưa ra khái niệm GDTC cho trẻ mầm non là một quá trình giáo dục mà đặc trưng của nó thể hiện ở việc giảng dạy các động tác, nhằm hoàn thiện về mặt hình thể và chức năng sinh học của cơ thể người, hình thành, rèn luyện kỹ năng kỹ xảo, vận động và phát triển các tố chất của con người. Nó còn là quá trình tác động nhiều mặt vào cơ thể trẻ, tổ chức cho trẻ vận động và sinh hoạt hợp lý nhằm làm cho cơ thể trẻ phát triển đều đặn, sức khỏe được tăng cường, đó là cơ sở cho sự phát triển toàn diện, là quá tình tác động nhiều mặt vào cơ thể trẻ, tổ chức cho trẻ sinh hoạt và vận động hợp lý nhằm làm cho cơ thể trẻ phát triển đều đặn, sức khỏe được tăng cường, đó là cơ sở cho sự phát triển toàn diện.
1.2.2. Hoạt động giáo dục thể chất
Hoạt động là sự tiêu hao năng lượng thần kinh, cơ bắp của con người tác động vào hiện thực khách quan để thỏa mãn nhu cầu của mình.
WHO định nghĩa “Hoạt động thể chất là bất kỳ chuyển động nào của cơ thể được thực hiện bởi cơ xương, sự chuyển động này đòi hỏi phải tiêu hao năng lượng, bao gồm cả những hoạt động được thực hiện trong khi làm việc, vui chơi, thực hiện các công việc gia đình, đi du lịch, và tham gia vào các mục đích giải trí”.
Trong giáo dục mầm non, hoạt động GDTC cho trẻ gồm: thể dục sáng, hoạt động ngoài trời, trò chơi, lễ hội, hội thao…
Như vậy, hoạt động GDTC là hoạt động gồm nhiều hình thức giáo dục thể chất khác nhau. Mỗi hoạt động đều có nhiệm vụ và tầm quan trọng riêng nhưng lại có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau.
1.2.3. Kỹ năng vận động
* Khái niệm vận động
Khái niệm vận động được quan tâm, nghiên cứu dưới nhiều khía cạnh khác nhau:
Trong triết học, Ph. Ăngghen viết: “Vận động, hiểu theo nghĩa chung nhất, tức được hiểu là một phương thức tồn tại của vật chất, là thuộc tính cố hữu của vật chất, thì bao gồm tất cả mọi sự thay đổi và mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ, kể từ sự thay đổi vị trí đơn giản cho đến tư duy”. Có rất nhiều hình thức vận động của vật chất (VĐ cơ học, vật lý, hóa học, sinh học, xã hội), trong đó hình thức vận động phức tạp nhất của vật chất, đó là vận động của sinh vật, cụ thể là vận động của động vật cao cấp - con người. [35]
Xét ở góc độ sinh lý học, việc nắm vững các chi tiết vận động được xác định bởi sự hình thành hệ thống mới của sự hoạt động não cho nên ta có thể nói rằng vận động chính là quá trình hoạt động của hệ thần kinh cao cấp. [18]
Trong tâm lý học, vận động là hoạt động có ý thức của con người, là sự chuyển hóa lẫn nhau để tạo ra cái mới [46]. VĐ thúc đẩy sự phát triển tâm lý. Ví như sự phát triển vận động của bàn tay, ngón tay cho phép trẻ hoạt động một cách đa dạng với đồ vật, hay việc biết đi giúp trẻ mở rộng phạm vi tiếp xúc với
môi trường xung quanh… nhờ đó mà tâm lý của trẻ phát triển. [18]
Ở góc độ giáo dục học, vận động có trong tất cả mọi hoạt động của con người, nó có tác động tốt lên cơ thể nếu đúng tư thế và vừa sức. vận động là sự tác động tích cực của các cơ quan vận động của con người, phương tiện cơ bản, đặc biệt của quá trình Giáo dục thể chất. Chúng ta giáo dục thể chất cho trẻ chủ yếu là thông qua hoạt động tự vận động của trẻ. [9]
Vậy, có thể nói: Từ khi trẻ mới sinh ra, trẻ luôn thích hoạt động, vận động tích cực. vận động là sự chuyển động của cơ thể con người. Trong đó có sự tham gia của hệ cơ, hệ xương và sự điều khiển của hệ thần kinh. vận động làm cho cơ thể trẻ phát triển đều đặn, cân đối, sức khỏe được tăng lên làm cơ sở cho sự phát triển toàn diện nhân cách con người.
Từ các quan điểm trên, có thể thấy vận động là sự hoạt động tích cực của các cơ quan vận động của con người, là phương tiện cơ bản, đặc biệt của quá trình Giáo dục thể chất.
Kỹ năng vận động
Tác giả K.K. Platônôv và G.G. Gôlubev khẳng định “Kỹ năng là khả năng con người thực hiện một hoạt động bất kỳ nào đó hay các hành động trên cơ sở kinh nghiệm cũ”. [48]
Tác giả A.V Kruteki [45] cho rằng “Kỹ năng là các phương thức thực hiện hoạt động, những cái mà con người nắm vững”. Theo ông, chỉ cần nắm vững phương thức hoạt động là con người đã có kỹ năng, không cần đến kết quả của hành động.
Tác giả Trần Trọng Thủy viết: Kỹ năng là mặt kỹ thuật của hành động, con người nắm vững cách hành động tức là nắm vững kỹ thuật hành động là có kỹ năng.
Theo tác giả Đào Thị Oanh, Mai Nguyệt Nga, kỹ năng là cách thức thực hiện những hành động dựa trên cơ sở những kiến thức hay là những kĩ xảo được con người lĩnh hội trong quá trình hoạt động, là phương thức vận dụng tri thức
vào hoạt động thực hành đã được củng cố. Tác giả Nguyễn Ánh Tuyết cho rằng: Kỹ năng là năng lực của con người biết vận dụng các thao tác của một hành động theo theo quy trình đúng đắn.
Như vậy, có rất nhiều quan điểm khác nhau về kỹ năng, nhưng trong GDTC cho rằng kỹ năng là động tác được thực hiện trên cơ sở vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế để đạt kết quả trong một hoạt động cụ thể
Kỹ năng vận động là khả năng thực hiện vận động ở mức độ cần phải có sự tập trung chú ý cao vào từng chi tiết của động tác. Các chi tiết của bài tập vận động được luyện tập chưa liên tục, chưa nhuần nhuyễn, chưa đảm bảo độ bền vững dễ dàng bị mất nếu không được ôn luyện nhiều lần. [33, tr.56]. Có hai loại kỹ năng bao gồm:
Kỹ năng vận động gồm kỹ năng vận động tinh và kỹ năng vận động thô đồng thời vận động tinh:
Vận động tinh: Trẻ thể hiện sự khéo léo và phối hợp tay – mắt khi sử dụng cơ bắp nhỏ như khéo léo đôi bàn tay, cơ ngón tay, khuỷu tay. Trẻ sử dụng những phần cơ của bàn tay ngón tay để thực hiện những chuyển động nhỏ, chính xác như là: viết, vẽ, cầm muỗng đũa, cài và cởi nút áo, kéo dây kéo, cột dây giầy, thắt nút dây,… Các vận động tinh cần phải được tập luyện trong một thời gian dài.
Vận động cơ bản (vận động thô): là những vận động thiết yếu trong cuộc sống của con người và được sử dụng trong mọi hoạt động khác nhau như: đi, chạy, nhảy, bài tập thăng bằng... Kỹ năng vận động thô là sự phát triển và phối hợp của các nhóm cơ lớn của cơ thể trẻ, bao gồm khả năng lăn, bò, trườn, xoay cơ thể, đi, chạy, đá chân, ném, vung tay, kéo, đẩy, leo trèo,…
Kỹ xảo vận động là động tác mà nhờ lập đi, lập lại nhiều lần đã đạt mức độ hoàn thiện để có thể thực hiện chính xác, nhanh và tiết kiệm với chất lượng cao. Mỗi một kỹ xảo đều là một động tác hoàn chỉnh bao gồm nhiều thao tác riêng lẻ. Tóm lại: vận động là khả năng thực hiện động tác bằng sự kết hợp nhuần
nhuyễn của các nhóm cơ, xương trong cơ thể.
Trong sinh hoạt, lao động cũng như trong luyện tập thể dục thể thao con người có lúc phải vận động rất nhanh, có lúc phải làm việc lâu dài với lực tương đối nhỏ, có lúc phải thực hiện động tác mang vác rất nặng, tức là phải thể hiện các mặt khác nhau của khả năng vận động. Các mặt khác nhau của khả năng vận động được gọi là các tố chất vận động.
Trong lý luận và phương pháp thể dục thể thao, tố chất thể lực (tố chất vận động) là những đặc điểm, mặt, phần tương đối riêng biệt trong thể lực con người và thường được chia thành năm loại cơ bản: Sức mạnh, sức nhanh, sức bền, khéo léo và mềm dẻo.
Sức mạnh: là khả năng khắc phục lực cản bên ngoài của cơ bắp.
Sức nhanh: Là khả năng thực hiện động tác, vận động với thời gian ngắn nhất.
Sức bền: Là khả năng thực hiện trong một thời gian dài, không mệt mỏi. Khéo léo: Là khả năng thực hiện động tác phức tạp về phối hợp vận động trong điều kiện môi trường thay đổi.
Mềm dẻo: Là khả năng thực hiện động tác với biên độ lớn. Biên độ tối đa của động tác là thước đo của năng lực mềm dẻo (phụ thuộc vào sự đàn hồi cơ bắp và dây chằng).
Như vậy, đối với trẻ 5-6 tuổi thì cần phát triển đầy đủ cả năm tố chất trên. Với mục đích phát triển sức mạnh, nhanh nhẹn, khéo léo thì phải tăng độ dài, độ cao của bước nhảy, tập ném xa. Để phát triển sức bền cần cho trẻ tập nhiều động tác chạy với cự ly dài nhưng không gây ra sự mệt mỏi quá sức.
Phát triển khả năng ước lượng cự ly bằng mắt: dạy trẻ ném trúng đích, sự chính xác khi chân nhảy chạm đất, quan sát hướng tốt lúc đi.
Nếu các tố chất thể lực không được phát triển thì trẻ không thể thực hiện được thậm chí các chi tiết nhỏ của động tác, không hoàn thiện được các hình thức khác nhau của vận động.
1.2.4. Trò chơi vận động
1.2.4.1. Khái niệm
Trò chơi là một hoạt động độc lập, tự do và tự nguyện của trẻ, là một phương pháp giáo dục thực hành hiệu nghiệm nhất đối với việc hình thành nhân cách.
Như vậy, trò chơi là một hoạt động tự nhiên và cần thiết nhằm thỏa mãn những nhu cầu giải trí đa dạng của con người. Trò chơi là hoạt động tự nguyện, ham thích của người chơi trong một hoạt động hoặc trong một trò chơi và đem lại cho người chơi trạng thái vui vẻ, phấn khích, thoải mái.
Trò chơi của trẻ mẫu giáo rất phong phú và đa dạng. Hiện nay đang tồn tại nhiều cách phân loại trò chơi trẻ em khác nhau. Chúng tôi đề cập đến cách phân loại trong chương trình giáo dục mẫu giáo hiện hành ở nước ta, trò chơi của trẻ mẫu giáo gồm:
Nhóm trò chơi sáng tạo gồm: Trò chơi đóng vai theo chủ đề (Phân vai theo chủ đề); Trò chơi đóng kịch; Trò chơi lắp ghép xây dựng.
Nhóm trò chơi với nội dung và luật chơi có sẵn gồm: Trò chơi học tập (Trò chơi dạy học) bao gồm: Trò chơi vận động;
Nhóm Trò chơi vận động dân gian.
Trong các loại trò chơi thì TCVĐ cũng là một loại trò chơi giúp thỏa mãn nhu cầu vui chơi của trẻ. TCVĐ cũng giống như các hoạt động khác đều có ý nghĩa trong việc phát triển toàn diện trẻ mầm non nhưng ở TCVĐ có những mặt mà các hoạt động khác không có.
Theo tác giả Nguyễn Ánh Tuyết, TCVĐ là một hoạt động phức hợp, trong đó có sự phối hợp giữa các thao tác vận động và một số vận động cơ bản, giữa quá trình nhận thức và vận động của người chơi. Đối với trẻ mầm non các TCVĐ thường có chủ đề - đó là sự phản ánh cuộc sống và lao động của người, hoạt động của sự vật, con vật,.. phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ. [32, 38]
thành và phát triển thể lực cũng như cũng như để giáo dục toàn diện đối với trẻ mầm non.
TCVĐ là loại trò chơi có luật, thường do người lớn nghĩ ra cho trẻ chơi. Đó là loại trò chơi đòi hỏi trẻ phải phối hợp các thao tác vận động để giải quyết các nhiệm vụ vận động được đặt ra như là nhiệm vụ chơi qua đó thể chất trẻ được phát triển.
Như vậy, có thể khái quát TCVĐ có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển toàn diện của trẻ mầm non. TCVĐ là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo, khi tham gia vào trò chơi trẻ được thỏa mãn nhu cầu vui chơi và được phát triển toàn diện đời sống tâm lý của trẻ.
1.2.4.2 Đặc điểm của trò chơi vận động
Giống như trò chơi học tập, TCVĐ thường do người lớn nghĩ ra và tổ chức cho trẻ chơi. Nội dung chứa đựng các nhiệm vụ rèn luyện hoàn thiện các vận động cơ bản và tố chất thể lực cho trẻ. Các nhiệm vụ vận động được giải quyết như một nhiệm vụ thực hành dưới dạng trò chơi.
Mỗi TCVĐ gồm ba bộ phận liên quan chặt chẽ với nhau: nội dung chơi, hành động chơi, luật chơi.
+ Nội dung trò chơi là nhiệm vụ vận động mà trẻ phải thực hiện. Các nhiệm vụ này thường được thể hiện dưới một hình tượng nào đó như ‘cáo’- “thỏ”-“ quạ”-“ gà con”-“ bác thợ săn”-“bồ câu”… Chính vì thế nội dung chơi sẽ dễ gây hứng thú cho trẻ. Các nhiệm vụ vận động này là thành phần cơ bản của trò chơi.
+ Hành động chơi là hệ thống những động tác vận động mà trẻ phải thực hiện trong quá trình chơi. Hệ thống các vận động thường có lời ca tiếng hát kèm theo nên trẻ càng thêm hứng thú.
+ Luật chơi: là những quy định, quy ước mà trẻ phải tuân theo trong khi chơi, khi giải quyết nội dung chơi. Đối với trẻ, luật lệ chơi chỉ có tính ước lệ. Trong quá trình chơi cô (trẻ) có thể sáng tạo, thêm hoặc bớt luật chơi để buổi
chơi thêm vui, hấp dẫn lôi cuốn trẻ hơn. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm và năng lực sư phạm của cô giáo.
Mọi trẻ đều được tham gia chơi TCVĐ. Đây là hoạt động mang tính tập thể nên có sự ganh đua. Vì thế yếu tố “thắng-thua” đã kích thích tính tích cực vận động của trẻ. Song dù thắng hay thua mọi trẻ đều được vui vẻ, thoải mái mà không hề buồn bã mà còn tỏ ra khoái chí, vui cười thoải mái.
Như vậy, nội dung chơi, hành động chơi và luật chơi có liên quan chặt chẽ với nhau và chỉ cần thiếu một trong ba bộ phận trên thì trò chơi không thể tiến hành được.
1.2.4.3. Phân loại trò chơi vận động
Có nhiều quan điểm phân loại trò chơi vận động vì chúng rất phong phú và đa dạng. Dưới đây là một số cách phân loại
Theo tác giả Trần Đồng Lâm [18, 28], thì TCVĐ được phát triển như sau: