Việc phân công, bố trí đúng khả năng sở trường của người lao động là một trong những biện pháp cơ bản để đảm bảo chất lượng công việc, sử dụng hiệu quả nguồn nhân sự hiện có và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Chi nhánh. Nhưng đây lại là khâu tiếp theo của quá trình tuyển dụng lao động, trên thực tế việc nhận người và bố trí lao động chủ yếu xuất phát từ cảm tính của Ban giám đốc. Mặt khác, lao động được đào tạo chuyên môn chiếm tỷ lệ cao nhưng lại không được phân công đúng ngành nghề đào tạo từ đó hiệu quả công việc chưa cao.
Trong những năm qua, việc phân công, bố trí sắp xếp lao động của Chi nhánh tại một số bộ phận chưa phù hợp trình độ và khả năng của người lao động . Qua đó có thể đánh giá việc xây dựng bản tiêu chuẩn các chức danh của Công ty là cần thiết, phù hợp với yêu cầu hiện tại.
- Bộ phận lao động gián tiếp thường là các cán bộ quản lý, các chuyên viên tại các phòng, trưởng các Cửa hàng. Thời gian làm việc của các bộ phận này theo giờ hành chính. Phân công một số bộ phận này là chưa hợp lý bởi các bộ phận lao động trực tiếp thường làm việc theo ca, việc quản lý các bộ phận lao động trực tiếp thường giao cho Cửa hàng trưởng, có những bộ phận gián tiếp công việc rất nhiều không thể giải quyết trong giờ hành chính mà phải giải quyết ngoài giờ nhưng các bộ phận này đều không tự nguyện làm ngoài giờ hành chính. Nhiều yêu cầu kiến nghị từ dưới cơ sở đưa lên nhưng không được kịp thời giải quyết nhất là lĩnh vực liên quan đến Phòng kỹ thuật, Phòng kinh doanh của Chi nhánh. Sự phối hợp giải quyết công việc phát sinh giữa các cửa hàng và khối văn phòng Chi nhánh không nhịp nhàng, đây là một trong những bất hợp lý lớn nhất của Chi nhánh Xăng dầu Lạng Sơn.
Bộ phận lao động trực tiếp: Bộ phận lao động trực tiếp được phân thành 2 loại là lao động trực tiếp tiếp xúc với khách hàng (nhân viên bán hàng) và lao động trực tiếp không tiếp xúc với khách hàng (nhân viên làm việc tại các kho xăng dầu). Số lao động của hai bộ phận lao động trực tiếp này có sự chênh lệch trong thu nhập, thường lao động trực tiếp bán hàng thu nhập cao hơn lao động trực tiếp tại các kho, do vậy việc sắp xếp lao động làm việc ở bộ phận này gặp nhiều khó khăn, do số lao động tại bộ phận trực tiếp không tiếp xúc với khách hàng thường thích làm việc ở bộ phận trực tiếp bán hàng, đây là điều bất hợp lý tồn tại ở Chi nhánh.
Thực trạngxây dựng hoàn thiện định mức lao động
Định mức lao động của ngành xăng dầu đã được xây dựng và ban hành thống nhất trong toàn ngành, áp dụng phương pháp lao động theo định biên. Hàng năm nếu có sự điều chỉnh thì Chi nhánh đăng ký với Công ty để đề nghị xây dựng lại. Tuy nhiên, việc áp dụng định mức lao động tại Chi nhánh xăng dầu Lạng Sơn còn nhiều bất cập thể hiện
Thứ nhất,định biên về lao động chưa được công bố công khai để áp dụng. Đối với các phòng thuộc Chi nhánh tiêu chuẩn định biên lao động thường không rõ ràng, chủ yếu theo nhu cầu thấy cần thiết thì Ban giám đốc quyết định bổ sung biên chế. Biên chế cho phép (theo qui định của Công ty một phòng là 04 lao động) bằng với số lượng người thực tế đang làm việc tại khối văn phòng Chi nhánh.
Đối với khối cửa hàng, định biên được dựa vào qui định của Công ty, Chi nhánh, bình quân một đầu người phải đạt được sản lượng 30m3 xăng dầu/01 tháng để làm căn cứ tính biên chế. Hiện nay, Chi nhánh có 03 loại cửa hàng, cửa hàng loại 1: 14 người; cửa hàng loại 2: 7 người, cửa hàng loại 3: 3 người. Tiêu chuẩn định biên của bộ phận này rất rõ ràng nhưng khi áp dụng trên thực tế các cửa hàng của Chi nhánh đều chưa được bố trí nhân sự đúng như định biên cần có. Số lượng thực tế luôn thấp hơn so với nhu cầu định biên. Việc phân phối lợi ích đều dựa vào sản lượng bán ra của các cửa hàng sau đó phân phối cho toàn khối cửa hàng và cho khối văn phòng. Điều này dẫn đến thiếu công bằng trong việc thực hiện nhiệm vụ của khối lao động gián tiếp và trực tiếp, đương nhiên lợi ích của người lao động bị chia sẻ.
Thứ hai, định biên lao động chậm được điều chỉnh theo sự thay đổi của trình độ lao động và nhu cầu tiêu dùng xăng dầu hiện nay. Định biên lao động của ngành xăng dầu cho khối các cửa hàng đã có từ những năm 1996, đến nay hầu như không thay đổi, vẫn qui định cửa hàng loại 3 là 03 người trong khi sản lượng khoán đã tăng lên 120m3 xăng dầu/01 tháng, cửa hàng loại 2 vẫn 7 người trong khi sản lượng khoán là 250m3 xăng dầu/01 tháng. Điều này thể hiện sự khoán sản lượng kinh doanh và định biên lao động chưa tương xứng với nhau, việc định biên chưa dựa trên cơ sở sản lượng kinh doanh, chậm đổi mới, sự phù hợp không cao, nên dẫn đến quá tải cho người lao động trực tiếp, hiện tượng tăng ca liên tục tại các cửa hàng của Chi nhánh diễn rangày càng gia tăng.
+ Thuyên chuyển:Việc thuyên chuyển và tiếp nhận lao động chủ yếu do Ban giám đốc Chi nhánh trực tiếp thực hiện, nhiều khi cũng chưa xuất phát yêu cầu lao động từ cấp cơ sở mà do sự áp đặt từ cấp trên. Đồng thời, việc điều động thay thế những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, thiếu ý thức trách nhiệm còn chần chừ, thiếu kịp thời.
+ Đề bạt, thăng tiến:
Công việc này thường được thực hiện như sau: Khi có nhu cầu về cán bộ quản lý các cấp bổ sung cho các đơn vị, hoặc thay thế cán bộ, Chi nhánh tiến hành đề bạt, cân nhắc từ lực lượng hiện có của Chi nhánh. Căn cứ của việc đề bạt này là năng lực của người lao động, sau khi đã được thử thách, rèn luyện ở các cơ sở, bộ phận.
Đối với công tác đề bạt, thăngtiến, Chi nhánh còn chưa có sự chuẩn bị lựa chọn người để quy hoạch, đào tạo, do đó thường bị động trong các trường hợp thuyên chuyển cán bộ từ đơn vị này sang đơn vị khác. Cũng chính vì thiếu sự chuẩn bị đội ngũ cán bộ này, nên trong những năm qua vẫn xảy ra tình trạng thiếu cán bộ quản lý ( hoặc không đúng ngành, nghề đã học ).
+ Sa thải lao động
Cũng giống như bất cứ một doanh nghiệp nào khác, Chi nhánh Xăng dầu Lạng Sơn cũng phải đối mặt với vấn đề người lao động vi phạm kỷ luật lao động với tất cả các hình thức từ nhẹ đến nặng. Từ trước đến nay, việc sa thải lao động rất hiếm khi xảy ra đối với Chi nhánh. Chi nhánh áp dụng hình thức kỷ luật chưa thực sự mạnh mẽ, hiệu quả, hầu hết mới chỉ dừng lại ở mức độ cảnh cáo, hạ bậc lương, chuyển đi làm việc khác. Tình trạng nể nang, né tránh đụng chạm đến quyền lợi người lao động diễn ra hầu hết ở các bộ phận thuộc Chi nhánh, khiến cho việc sa thải lao động vi phạm kỷ luật lao động không trở thành công cụ hữu hiệu trong việc thiết lập trật tự nơi làm việc, nâng cao ý thức người lao động. Một bộ phận không nhỏ người lao động có tư tưởng rằng đã vào được Chi nhánh là đương nhiên được hưởng các chế độ thù lao, lợi ích vật chất mà không cần phấn đấu nhiều, giảm động cơ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
- Thực trạng công tác an toàn, vệ sinh lao động và phục vụ nơi làm việc
Ngành kinh doanh xăng dầu là một nghề có các yếu tố độc hại cao. Công tác an toàn bảo hộ lao động và vệ sinh công nghiệp luôn được quan tâm đặc biệt. Hàng năm, công tác an toàn bảo hộ lao động được tiến hành một cách chặt chẽ, từ việc lập kế hoạch
trang bị, huấn luyện, thực hiện mua sắm trang thiết bị đến công tác thanh kiểm tra việc thực hiện và điều chỉnh việc thực hiện. Có thể nói vấn đề này Chi nhánh thực hiện khá tốt. Hàng năm Chi nhánh luôn cho khám định kỳ để kiểm tra sức khoẻ cán bộ công nhân viên. Người lao động trong Chi nhánh không những có bảo hiểm y tế theo quy định mà còn được hưởng bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm thân thể. Nhân viên các bộ phận, tuỳ theo tính chất của chuyên môn công việc đều được trang bị quần áo, giày, dép và các thiết bị bảo hộ khác. Chính vì vậy trong thời gian qua Chi nhánh không có trường hợp nào xảy ra tai nạn lao động, tỷ lệ nhân viên nghỉ ốm hưởng lương bảo hiểm rất thấp.
- Tổ chức phục vụ nơi làm việc: Những năm qua, Chi nhánh Xăng dầu Lạng Sơn đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức tốt nơi làm việc, tạo môi trường làm việc thoải ái, thuận lợi cho người lao động. Chi nhánh đã qua tâm đến cảnh quan môi trường các cơ sở làm việc: xây dựng nơi làm việc sạch đẹp, có đủ cây xanh, ánh sáng, các tiện nghi phục vụ người lao động, có khu vực để cho nhân viên nghỉ ca.