“Tiêu chuẩn thực hiện công việc là một hệ thống các chỉ tiêu/tiêu chí phản ánh các yêu cầu về số lượng và chất lượng của sự hoàn thành các nhiệm vụ được quy định trong bản mô tả công việc.” (Nguyễn Ngọc Quân & Nguyễn Văn Điềm 2010, tr.50)
Mỗi một doanh nghiệp đều phải xây dựng cho mình một bản tiêu chuẩn thực hiện công việc riêng chủ yếu được xác định trong bản mô tả công việc, được xây dựng một cách hợp lý, khách quan, phản ánh được kết quả công việc và hành vi của người lao động. Các tiêu chí để đánh giá KQTHCV có thể là định lượng hoặc định tính:
Các chỉ tiêu định lượng: là các chỉ tiêu có thể đo lường một các dễ dàng như chỉ tiêu về mặt thời gian làm việc, năng suất lao động, khối lượng công việc…
Các chỉ tiêu định tính: đó là các chỉ tiêu không thể đo lường được một cách chính xác như khả năng thích nghi, óc sáng tạo, sự giúp đỡ, phối hợp với các đồng nghiệp trong công việc.
Tuy nhiên nếu càng định lượng được thì việc đánh giá sẽ càng chính xác và dễ dàng hơn.
Tiêu chuẩn đánh giá kết quả công việc sẽ quyết định đến sự đánh giá kết quả công việc của người lao động. Nên khi xây dựng, người đánh giá cần phải chú ý tới hai yếu tố quan trọng, đó là xác định được nhiệm vụ nào cần phải thực hiện; làm tốt ở mức độ nào thì được coi là hoàn thành công việc. Và việc xây dựng cần phải có sự kết hợp hợp lý giữa chỉ tiêu định lượng và chỉ tiêu định tính, cần được xây dựng một cách khoa học, chính xác. Trên thực tế việc xây dựng các tiêu chuẩn thực hiện công việc không phải dễ dàng. Có thể người lãnh đạo tự đưa ra những tiêu chuẩn và phổ biến cho người lao động, cũng có thể cả người lao động và người lãnh đạo cùng bàn bạc với nhau để đưa ra bản tiêu chuẩn thực hiện công việc.
Hệ thống tiêu chuẩn đánh giá thực hiện công việc thường được xây dựng dựa trên các chỉ tiêu sau:
Kết quả thực hiện công việc: Kết quả thực hiện công việc là phương tiện để người lao động có thể góp sức mình vào việc thực hiện các mục tiêu của tổ chức. Đồng thời, kết quả công việc là cơ sở để một tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý nhân lực đối với người lao động.
Năng lực, kỹ năng thực hiện công việc: là thái độ, kỹ năng, hành vi, động cơ hoặc các đặc điểm cá nhân khác có vai trò thiết yếu để hoàn thành công viẹc hoặc quan trọng hơn là có thể tạo sự khác biệt về hiệu quả công việc giữa người có thành tích vượt trội và người có thành tích trung bình.
Ý thức, thái độ làm việc: là những quan niệm đạo đức được thể hiện thông qua công việc hàng ngày
Ý thức và thái độ làm việc ảnh hưởng rất lớn đển hiệu quả công việc. Thái độ làm việc tích cực, ý thức chấp hành nội quy tốt sẽ giúp người lao động hoàn thành công việc tốt hơn những đồng nghiệp khác.
Ý thức và thái độ làm việc là một loại năng lực “vô hình” nhưng nó góp phần mang lại hiệu quả khi thực hiện công việc của người lao động tỏng cùng một hoạt động vì mục tiêu chung.