Để lựa chọn được một phương pháp đánh giá phù hợp với tình hình đặc điểm kinh doanh của Công ty là một vấn đề khó. Bước này hết sức quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả cả một hệ thống đánh giá kết quả công việc của Công ty. Khi lựa chọn phương pháp đánh giá không đúng, xây dựng các tiêu chí đánh giá không phù hợp với tính chất đặc điểm công việc sẽ gây khó khăn trong công tác đánh giá cho người đánh giá cũng như người lao động.
Phương pháp hiện nay công ty đang sử dụng là phương pháp thang đo đánh giá đồ họa. Trên thực tế, Công ty cần phải xây dựng một thang đánh giá với các tiêu chuẩn cụ thể và chi tiết hơn nữa, phân chia mỗi tiêu chuẩn đánh giá hiện nay ra thành nhiều mức độ hoàn thành khác nhau, tạo ra sự phân loại rõ ràng hơn về các đối tượng theo các mức độ hoàn thành công việc và khi đó sẽ hạn chế được tính trung bình trong kết quả đánh giá. Thêm vào đó, cũng cần phải có sự giải thích cụ thể, rõ ràng hơn cho từng mức độ để người đánh giá có cơ sở để đối chiếu, cho điểm và bớt đi sự chủ quan trong suy nghĩ.
Vì vậy, thông qua việc nghiên cứu lý thuyết đánh giá KQTHCV, tác giả đề xuất Công ty nên sử dụng kết hợp 2 phương pháp là: phương pháp quản lý theo mục tiêu (MBO) và phương pháp thang đo dựa trên hành vi, người quản lý trực tiếp sẽ dễ dàng đánh giá được nhân viên của mình, hơn nữa lại tạo động lực làm việc cho họ. Cụ thể là sẽ sử dụng phương pháp Quản lý bằng mục tiêu để đánh giá việc thực hiện kế hoạch/ mục tiêu được giao trong kỳ, còn sử dụng phương pháp thang đo dựa trên hành vi để đánh giá thái độ hành vi của nhân viên trong quá trình làm việc. Phương pháp quản lý bằng mục tiêu: Sử dụng phương pháp này, người quản lý trực tiếp và nhân viên của mình cần thống nhất với nhau về kế hoạch/ mục tiêu của từng nhân viên trong kỳ và hơn nữa cần đánh giá xem kế hoạch/ mục tiêu nào là quan trọng hơn và ít quan trọng hơn bằng cách gắn các trọng số cho các mục tiêu. Bằng cách làm như thế sẽ hạn chế được sự không công bằng khi nhân viên chỉ hoàn thành tốt mục tiêu nhỏ mà để dở dang mục tiêu lớn. Hơn nữa, mẫu phiếu thiết kế trình bày cũng hướng dẫn người đánh giá cho điểm với mỗi mức hoàn thành mục
tiêu khác nhau tương ứng với số điểm phù hợp. Điều này sẽ tạo được đồng nhất giữa những nhân viên và tăng độ tin cậy cho kết quả đánh giá
Phương pháp thang đo dựa trên hành vi: Lợi thế của phương pháp này so với phương pháp thang đo đồ họa chính là quy định mức độ hoàn thành cụ thể và rõ ràng. Với mỗi tiêu chí đánh giá người đánh giá chỉ cần căn cứ vào tình hình thực hiện của nhân viên tương ứng với mức độ nào thì cho điểm. Tuy mất thời gian thiết kế song phương pháp này lại hạn chế tối đa lỗi chủ quan của người đánh giá. Cùng với hệ thống tiêu chuẩn được xây dựng như trên cán bộ đánh giá dễ dàng đánh giá được số điểm cho từng nhân viên (Phụ lục 3.2: Biểu mẫu đánh giá kết quả thực hiện công việc tại Công ty Obayashi Việt Nam)