Các công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế nêu trên đã giải quyết được nhiều vấn đề về thu hút FDI, như: đã luận giải rõ động lực di chuyển FDI của nước ĐT là tìm kiếm thị trường, lợi nhuận và mở rộng chuỗi giá trị toàn cầu. Đã phân tích khá rõ lợi ích từ FDI ở các nước nhận ĐT. Đặc biệt, nhiều công trình nhấn mạnh rằng, đối với các nước đang phát triển, FDI không chỉ làm tăng thêm nguồn lực cho phát triển KT-XH, mà còn là điều kiện để phát huy nguồn lực và sức sản xuất trong nước, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, của DN và của quốc gia. Thu hút FDI sẽ mang lại nhiều hiệu ứng tích cực không chỉ góp phần vào tăng trưởng kinh tế, thu NSNN, tạo việc làm, thu nhập và nâng cao mức sống của người dân, mà còn có tác động tích cực về văn hóa xã hội... Một số nghiên cứu cũng chỉ ra mặt trái của thu hút FDI nếu chính quyền nơi tiếp nhận thiếu một chính sách và biện pháp quản lý "khôn ngoan". Đa phần các tác giả nhất trí rằng, mức độ thu hút FDI
như thế nào, cơ cấu ra sao, ĐT vào lĩnh vực nào… không chỉ phụ thuộc vào các nhà ĐT nước ngoài, mà phụ thuộc rất lớn vào thể chế, chính sách, năng lực quản lý, môi trường KT-XH của nước và vùng lãnh thổ tiếp nhận FDI.
Một số nghiên cứu đã đi sâu tìm hiểu kinh nghiệm thu hút FDI của các nước, trong đó có kinh nghiệm thu hút FDI vào vùng lãnh thổ, và cho rằng, đặc thù vùng lãnh thổ cũng tạo điều kiện cho dòng chảy FDI. Có công trình nghiên cứu sâu về thu hút FDI, cơ chế vận hành dòng đầu tư trực tiếp này và chỉ ra một số kinh nghiệm cần thiết trong thu hút và sử dụng FDI... Có một số đề xuất giải pháp nhằm nâng cao năng lực, trình độ quản lý để thu hút nguồn vốn FDI và phát huy tác động tích cực của nguồn vốn ĐT này v.v... Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu trên còn đang "bỏ ngỏ" hay còn "khoảng trống" trong một số vấn đề về thu hút FDI như sau:
Thứ nhất, chính sách thu hút FDI của nước đang phát triển trong bối
cảnh quốc tế đã có nhiều biến đổi, nhất là bối cảnh các nền kinh tế đang phải tái cơ cấu sau tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, tiếp đó là khủng hoảng nợ công… Bối cảnh này đã tác động tiêu cực đến việc thực hiện vai trò hỗ trợ của nhà nước đối với các hoạt động kinh tế, trong đó có hoạt động thu hút FDI.
Thứ hai, những điểm mới của dòng chảy FDI sau khủng hoảng tài
chính toàn cầu (2008-2009). Hơn nữa, chưa có công trình nghiên cứu về tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại với những sản phẩm mới đến nhận thức, định hướng chính sách thu hút và quản lý FDI trước đây không còn phù hợpở các nước đang cần công nghiệp hóa nhanh như Việt Nam. Những nghiên cứu mới nhằm đề xuất chính sách mang tính phù hợp hơn với những thay đổi của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ chưa được các nhà khoa học giải quyết thấu đáo.
Thứ ba, chính sách thu hút FDI vào các vùng kinh tế đặc thù phù hợp
chậm phát triển trong so sánh với các vùng khác của Việt Nam. Mối liên kết giữa các tỉnh trong vùng nhằm nâng cao lợi ích nhận được từ FDI của mỗi địa phương trong vùng cũng như của cả vùng và quốc gia chưa được nghiên cứu taonf diện, hệ thống. Hơn nữa, vấn đề phát huy các nguồn lực trong nước và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài như thế nào, tuy đã được khá nhiều công trình nghiên cứu và công bố, nhưng mới chỉ giới hạn trong tư duy cũ khuyến khích tăng trưởng dựa vào tăng đầu tư vốn, phát triển theo chiều rộng, mà chưa chú trọng nghiên cứu các điều kiện, yếu tố thu hút FDI nhằm phát triển theo chiều sâu, đảm bảo tính bền vững trong phát triển kinh tế. Chưa có những phát hiện mới trong lĩnh vực thu hút FDI phù hợp với tái cấu trúc nền kinh tế nói chung, tái cấu trúc mỗi vùng lãnh thổ ở nước ta nói riêng.
Thứ tư, cho đến nay, các nghiên cứu về thu hút FDI vào vùng Bắc
Trung Bộ chưa nhiều, chưa có những công trình nghiên cứu chuyên sâu, có hệ thống về thu hút và sử dụng FDI vào các tỉnh trong vùng. Đặc biệt, những vấn đề mang tính vùng, liên kết vùng trong thu hút FDI hầu như còn bỏ ngỏ. Nếu không nghiên cứu có hệ thống về vấn đề này để có giải pháp phù hợp, thì các mục tiêu thu hút FDI phục vụ phát triển KT-XH của vùng có nguy cơ không thể đạt được.