Tính đồng bộ và hiện đại của hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội là điều kiện tối cần thiết cho phát triển các hình thức ĐT, trong đó có FDI. Để khắc phục tình trạng hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém của vùng Bắc Trung Bộ hiện nay, cần đặc biệt quan tâm quy hoạch mạng lưới kết cấu hạ tầng mang tính kết nối Vùng, ưu tiên đầu tư sớm, đồng bộ cho các địa bàn trọng điểm nhằm tạo địa điểm ĐT thích hợp cho các dự án FDI, cũng như bồi dưỡng nguồn thu để có tiền ĐT xây dựng kết cấu hạ tầng cho các địa bàn khác. Về cơ bản, nên chú trọng các giải pháp sau:
- Phát triển hệ thống giao thông: Trước hết cần sắp xếp lại các cảng biển, phân biệt cảng quốc tế (để ĐT thỏa đáng đáp ứng tiêu chuẩn dịch vụ cảng quốc tế) và cảng nội địa (với mức ĐT thấp hơn). Chỉ có cách làm như vậy mới có thể nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển của Vùng, đồng thời cân đối được ngân sách hạn hẹp của Nhà nước. Tuy nhiên, sự sắp xếp này sẽ
rất khó khăn do tỉnh nào cũng muốn cảng của mình phải được ưu tiên. Ở đây cần sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Muốn vậy, Bộ giao thông vận tải phải thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu để có thể đưa ra phương án hiệu quả, khách quan, trên cơ sở đó chính phủ chỉ đạo sắp sếp lại cảng biển thông qua công cụ cấp vốn ĐT từ Ngân sách nhà nước. Rà soát lại quy hoạch hệ thống cảng biển để tiếp tục ĐT phát triển đồng bộ cả bến cảng, luồng vào cảng, hệ thống dịch vụ hỗ trợ cảng, giao thông liên kết cảng với hệ thống giao thông quốc gia đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của các địa phương trong vùng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành hệ thống cảng và các hoạt động dịch vụ cảng.
Để chia xẻ lợi ích giữa các tỉnh, cần thiết kế hệ thống trung chuyển hàng hóa giữa các cảng nhằm thiết lập tuyến vận chuyển biển nội bộ vùng, nội bộ đất nước kết nối với vận chuyển quốc tế. Các tỉnh có cảng biển quốc tế đương nhiên có vai trò trung tâm giao lưu hàng hóa trong vùng. Kết nối với trung tâm này cần phát triển hệ thống giao thông đường bộ phù hợp với bố trí cảng và quy hoạch phát triển đường bộ chung cho toàn vùng Bắc Trung Bộ, cũng như thống nhất với hệ thống đường bộ, đường sắt quốc gia.
Cần có sự phối hợp giữa các tỉnh trong vùng và với Bộ Giao thông Vận tải để ưu tiên ĐT nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A, nâng cấp các tuyến giao thông hành lang kinh tế Đông - Tây, xây dựng đường vành đai biên giới và hệ thống đường phía Tây của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Nâng cấp và hoàn thiện các tuyến quốc lộ còn lại trong vùng. Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn chạy qua địa bàn Bắc Trung Bộ trên cơ sở quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, trước mắt là đoạn Bắc Thanh Hóa - Bãi Vọt (Hà Tĩnh).
Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn chạy qua địa bàn Bắc Trung Bộ theo cấp tiêu chuẩn kỹ thuật chung của đường sắt quốc gia. ĐT, trang bị kỹ thuật đảm bảo chạy tầu đạt tốc độ 90 - 120km/h. Hoàn thành
cơ bản việc nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các cảng hàng không Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới.
Nếu đạt được sự thống nhất giữa cảng biển, đường bộ, đường sắt, không chỉ kết nối các tỉnh trong Vùng, mà còn liên kết với nước bạn Lào thì vùng Bắc trung bộ sẽ có thêm lợi thế thu hút ĐT, nhất là trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được thành lập.
- Phát triển năng lượng điện: Bên cạnh việc ĐT xây dựng các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), cần xây dựng các dự án thủy điện ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên - Huế bảo đảm cấp điện cho toàn Vùng. ĐT xây dựng hệ thống truyền tải điện 110 KV, 220 KV, 500 KV và hệ thống phân phối điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao không chỉ của các dự án FDI mà còn của các KCN, khu đô thị và đáp ứng nhu cầu của người dân.
- Phát triển hệ thống thông tin và truyền thông: Xây dựng kết cấu hạ tầng mạng viễn thông hiện đại, dung lượng và tốc độ lớn. Phát triển các dịch vụ viễn thông không chỉ phục vụ cho thu hút và hoạt động của FDI mà còn phục vụ phát triển phát triển KT-XH, trong đó có kinh tế biển, đánh bắt hải sản xa bờ, phục vụ hàng hải, an toàn cứu nạn trên biển và phục vụ quốc phòng, an ninh.
- Phát triển hạ tầng KH&CN: Phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng KH&CN của vùng Bắc Trung Bộ trên cơ sở hạt nhân là các trường Đại học, các cơ quan nghiên cứu trên địa bàn trên quan điểm đa dạng tiềm lực KH&CN, coi trọng ứng dụng công nghệ cao cho các ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu,... và các ngành kinh tế khác. Phát triển tiềm lực KH&CN tại các tỉnh để hỗ trợ thu hút có hiệu quả nguồn vốn FDI.
- Mở rộng, nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước và vệ sinh môi trường: Xây dựng đồng bộ hệ thống cấp nước đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho sản xuất
và sinh hoạt của các KCN, khu đô thị và mở rộng đến các khu vực nông thôn, ven biển và hải đảo trên cơ sở gắn phát triển DN FDI với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng hệ thống mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt, nước ngầm trong toàn vùng để kiểm tra, giám sát độ ô nhiễm của nguồn nước. ĐT nâng cấp, xây mới đồng bộ hệ thống thoát nước thải, nước mưa tại các KCN, khu đô thị; đảm bảo nước thải sinh hoạt, sản xuất tại các KCN được xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả ra hệ thống tập trung; đồng thời kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh những vi phạm gây ô nhiễm môi trường của các DN không phân biệt là DN trong nước hay nước ngoài.
Thu gom và xử lý rác thải tập trung nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Ở mỗi tỉnh trong Vùng, cần xây dựng ít nhất một khu xử lý chất thải rắn theo công nghệ tiên tiến để tái chế, hạn chế biện pháp chôn lấp nhằm tiết kiệm đất và đảm bảo vệ sinh môi trường.