ngoài ở vùng Bắc Trung Bộ
Phù hợp với phân công lao động cho vùng Bắc Trung Bộ trong quy hoạch phát triển KT-XH cả nước, định hướng tổng thể thu hút FDI trong những năm tới phải ưu tiên chọn lọc dự án có quy mô lớn, có chất lượng tốt, ít gây ô nhiễm môi trường, mang kaij giá trị gia tăng lớn cho Vùng, có khả năng chuyển giao công nghệ thông qua liên kết với DN địa phương. Trong 5 năm tới ưu tiên thu hút FDI vào các lĩnh vực: công nghệ thông tin, công nghệ phục vụ nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao…. Đồng thời chú trọng ban hành chính sách ưu đãi nhằm thu hút các dự án sản xuất sản phẩm có khả năng cạnh tranh để ứng phó với các sản phẩm NK của các DN trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, tạo điều kiện để các DN FDI trong vùng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia lớn. Có chính sách khuyến khích liên kết giữa các DN FDI với nhau và với DN trong nước. Tuân thủ quy hoạch thu hút ĐTNN theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế của Vùng và quy hoạch chung của cả nước.
Theo định hướng chung đó, chính sách thu hút FDI phải phù hợp với Chiến lược phát triển KT-XH vùng Bắc Trung Bộ trên các mặt:
Thứ nhất, coi trọng chất lượng trong thu hút FDI
Nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI thu hút vào vùng Bắc Trung Bộ phải được coi là định hướng quan trọng hàng đầu nhằm xây dựng và phát triển một cơ cấu kinh tế trong Vùng theo hướng hiện đại. Liên kết phối hợp
giữa các tỉnh trong Vùng để hoạch định chiến lược thu hút và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, điều kiện thiên nhiên của Vùng, nhất là thu hút FDI vào các lĩnh vực du lịch, cảng biển. Lồng ghép chiến lược thu hút FDI trong chiến lược phát triển KT-XH của Vùng và của từng tỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển KT - XH, cũng như gắn liền với chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Chiến lược thu hút và sử dụng FDI của vùng Bắc Trung Bộ phải giải đáp được các vấn đề như: ưu tiên các ngành, lĩnh vực cần thu hút FDI; Có chính sách ưu đãi hợp lý và cấn nhắc ưu đãi giữa các tỉnh để phối hợp chọn lựa, thu hút FDI có lợi cho Vùng. Giải quyết từng bước những vấn đề bất cập trong phân cấp quản lý ĐTNN theo hướng tăng cường phối hợp liên tỉnh thông qua vai trò của Ban Chỉ đạo miền Trung và Tây Nguyên, tránh sự chính sách ưu đãi manh mún và cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các tỉnh trong thu hút và xúc tiến ĐTNN. Kết hợp có hiệu quả dòng vốn FDI và các dòng vốn ĐT khác trong phát triển KT-XH của Vùng theo hướng thu hút FDI không chỉ bổ sung nguồn vốn cho ĐT phát triển, mà còn tạo cơ hội để khuyến khích DN trong nước đổi mới công nghệ, khuyến khích đào tạo cán bộ kỹ thuật và phát triển thị trường, tăng cường khả năng của các DN vùng Bắc Trung Bộ trong liên kết với các DN FDI theo chuỗi giá trị ngành.
Thứ hai, nâng cao nhận thức về lợi ích chung của phát triển vùng Bắc
Trung Bộ
Chính phủ và Trung ương Đảng phải tạo điều kiện liên kết các tỉnh trong phát triển kinh tế vì lợi ích chung của vùng Bắc Trung Bộ. Ban Chỉ đạo miền Trung và Tây Nguyên phải thực hiện vai trò cầu nối để quá trình phát triển kinh tế của Vùng không còn là con số cộng phát triển kinh tế của các tỉnh một cách riêng biệt. Ban Chỉ đạo cần làm đầu mối hướng chính sách ưu đãi thu hút FDI của các tỉnh hội tụ vào lợi ích chung của vùng, và về dài hạn chính là lợi ích của từng tỉnh trong Vùng nhằm phát huy lợi thế chung và tạo sức mạnh kinh tế cho toàn Vùng.
Do Vùng Bắc Trung Bộ là một bộ phận lãnh thổ đặc thù của nền kinh tế quốc dân, nên để chuyên môn hóa sản xuất kết hợp chặt chẽ với sự phát triển tổng hợp theo Quy hoạch quốc gia, cần thu hút FDI phục vụ phát triển kinh tế theo hướng bền vững, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội Vùng có hiệu quả cao, phát huy các tiềm lực mang tính đặc thù và cơ hội của toàn Vùng, giảm bớt những khác biệt quan điểm giữa các địa phương trong Vùng. Tăng cường phối hợp giữa các tỉnh không phải theo hướng cào bằng, mà nhằm bổ sung cho nhau trên cơ sở phân công chuyên môn hóa theo những đặc tính riêng của từng địa phương tài nguyên tự nhiên, truyền thống văn hóa và tiềm năng liên kết phát triển theo chuỗi giá trị của từng tỉnh trong Vùng. Khuyến khích mỗi tỉnh khai thác thế mạnh và tiềm năng của mình theo quan điểm lợi ích toàn Vùng. Nâng cao nhận thức và tư duy của cán bộ cấp tỉnh về phát triển Vùng Bắc Trung Bộ nhằm giảm thiểu các hành động cục bộ, gây bất lợi cho tỉnh khác. Phối hợp vì lợi ích chung cả vùng phải được coi là một hướng quản lý rất quan trọng làm cơ sở cho hoạch định đường lối, chính sách thu hút FDI vào phát triển kinh tế từng tỉnh trong Vùng.
Theo hướng này, việc phân bố thu hút FDI cần được điều chỉnh để vừa tạo ra một số đầu tàu kinh tế ở những địa phương phát triển mạnh (ví dụ như Thanh Hóa, Nghệ an, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế) để có sức lôi kéo phát triển toàn Vùng, hình thành các trung tâm kinh tế có lợi thế riêng, đồng thời phải điều phối chính sách hợp lý để tạo điều kiện phối hợp cho những địa phương chậm phát triển hơn rong thu hút các dự án FDI vào các lĩnh vực có lợi thế so sánh của họ. Chú trọng cân đối lợi ích thụ hưởng từ thu hút FDI giữa các tỉnh thông qua vai trò giúp đỡ của tỉnh giàu cho tỉnh nghèo, phát triển mạnh các tỉnh có lợi thế đầu tư đi đôi với hỗ trợ đúng mức về kết cấu hạ tầng, về ưu đãi cá biệt cho các tỉnh khó khăn. Những địa bàn có lợi thế ĐT trước cần được ưu tiên trong việc phân bố nguồn lực cả từ phía Nhà nước lẫn từ phía DN trong nước để xây dựng kết cấu hạ tầng, nỗ lực vươn lên liên doanh, liên kết với nhà ĐTNN. Đồng thời
cần có chú trọng chính sách chung như đào tạo nhân lực, cải cách hành chính đối với ĐT, kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng trong và ngoài vùng… để chia sẻ lợi ích từ thu hút FDI, từ phát triển kinh tế cho cư dân ở các tỉnh khó khăn.
Về quy hoạch không gian nội Vùng, bên cạnh chính sách ưu tiên thu hút FDI vào các địa bàn ven biển (vì có nhiều thuận lợi), cần có chiến lược thu hút FDI vào các địa bàn miền Tây của Vùng, nơi có nhiều dân tộc thiểu số, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, nhất là thu hút các dự án FDI đầu tư vào du lịch, nông, lâm nghiệp, khai thác khoáng sản. Nếu các ưu đãi chung chưa đủ hấp dẫn, cần tăng thêm các ưu đãi cho các địa bàn khó khăn để có thể phát huy các tiềm năng riêng có của địa bàn trên cơ sở ĐT của Nhà nước đi trước tạo môi trường cho nhà ĐTNN hoạt động SXKD.
Thứ ba, đổi mới tư duy về thu hút FDI vào vùng Bắc Trung Bộ
Với quan điểm khu vực kinh tế có vốn ĐTNN là một bộ phận kinh tế của Vùng, cần thực sự hợp tác với các nhà ĐTNN để cùng phát triển. Cần thiết lập một khung khổ các quy định thống nhất cho ĐTNN và ĐT trong nước. Cần ủng hộ các nhà kinh doanh nước ngoài làm ăn đàng hoàng, có dự án ĐT có độ lan tỏa cao, dự án trợ nhóm người yếu thế, người nghèo, địa bàn khó khăn. Trung ương cần hỗ trợ chính quyền địa phương cải thiện môi trường ĐT trong Vùng, tạo dựng các điều kiện về thị trường, về dịch vụ cơ bản thuận lợi cho các nhà ĐTNn làm ăn lâu dài, chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp của Việt Nam đi đôi với xử phạt nghiêm khắc các nhà ĐTNN gian lận. Trung ương hỗ trợ và làm đầu mối phối hợp các tỉnh trong vùng thống nhất hành động trong các lĩnh vực: cải cách thủ tục hành chính liên quan đến ĐTNN theo hướng tinh gọn, minh bạch, công khai; nâng cao trách nhiệm giải trình của công chức; hỗ trợ thực thi hợp đồng dân sự; bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà ĐTNN. Cần tuyên truyền và có biện pháp phân chia lợi ích công bằng với người bị thu hồi đất để họ hợp tác trong giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện xây dựng trước hệ thống kết cấu hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận các
nhà ĐTNN, hướng các nhà ĐT vào các dự án phù hợp với quy hoạch ở các khu vực ưu tiên chung của Vùng. Cải tiến phương thức quảng bá, xúc tiến ĐT theo hướng hình thành hình ảnh chung của cả Vùng nhằm tạo niềm tin về sự liên kết, hợp tác bền chắc giữa chính quyền các tỉnh trong Vùng.
Thứ tư, xây dựng và ban hành rộng rãi danh mục các chương trình dự
án cần kêu gọi ĐTNN chung cho cả vùng.
Trên cơ sở Chiến lược phát triển KT-XH của Vùng đến năm 2020 và tầm nhìn xa hơn đã được Chính phủ phê duyệt, cần xây dựng và ban hành danh mục các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI chung cho cả vùng Bắc Trung Bộ theo hướng bảo đảm tái cấu trúc kinh tế Vùng chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu, chú trọng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Các dự án được ưu tiên vào Vùng Bắc Trung Bộ trong thời gian tới là: công nghệ điện tử, tin học, dịch vụ cao cấp, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe hiện đại, xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trên cơ sở đó, cung cấp thông tin khuyến khích ĐT đến các nhà ĐTNN nhằm nâng cao chất lượng thu hút FDI gắn với việc xử lý mối quan hệ giữa thị trường trong nước với XK hàng hóa và dịch vụ, tạo ra những sản phẩm mới, chất lượng cao, duy trì sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Coi trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở tư duy vùng để giảm bớt việc NK nguyên liệu ở nước ngoài, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến phát triển, hạn chế dự án FDI chỉ vào công đoạn gia công, lắp ráp hoặc sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, các ngành sử dụng nhiều năng lượng và tài nguyên. Nâng cao chất lượng dự án FDI và phải được coi là kỷ luật hành động của cán bộ quản lý nhà nước tại các tỉnh trong Vùng.
Thứ năm, hướng mạnh thu hút FDI từ những nước có công nghệ cao,
công nghệ nguồn
Bên cạnh việc duy trì dòng vốn FDI từ các nước truyền thống, chú trọng tìm cách chuyển hướng thu hút FDI từ những nước có công nghệ cao,
công nghệ nguồn như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Hướng thu hút này sẽ tạo ra cơ hội để các tỉnh trong vùng đón bắt xu hướng đổi mới công nghệ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ chất lượng cao vào Vùng. Nên tìm kiếm các biện pháp xúc tiến thu hút FDI từ những công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia và những tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, vì công nghệ mà các công ty và tập đoàn này sử dụng và chuyển giao là công nghệ cao (mặc dù có thể không phải là mới nhất) và ít gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, nên vận động các công ty và tập đoàn này giúp đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, có thể giúp các địa phương trong Vùng kết nối mạng lưới sản xuất, thị trường và nghiên cứu triển khai toàn cầu của họ. Các công ty và các tập đoàn kinh tế hàng đầu thường thực hiện những dự án với giá trị vốn lớn, có thể giúp cho các nhà ĐT và DN trong Vùng nắm bắt được những cơ hội SXKD đang diễn ra trên toàn cầu. Những dự án ĐT của các công ty và tập đoàn hàng đầu cũng thường có khả năng thực hiện nhanh chóng.
Thứ sáu, thu hút FDI nhằm tích cực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Việc thu hút FDI phải hướng vào tạo cơ hội để các DN của Vùng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong các ngành luyện kim, hóa dầu, đào tạo... Cần tạo điều kiện cho DN trong nước hấp thu lợi ích lan tỏa từ việc thu hút ĐT của các công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia và các tập đoàn kinh tế lớn để các DN trong vùng có thể trở thành nhà thầu phụ, nhà cung ứng các dịch vụ đầu vào và đầu ra, cung ứng nguồn lao động, đặc biệt là lao động có chất lượng cao. Chính phủ và chính quyền các địa phương vùng Bắc Trung Bộ cũng cần có những chính sách riêng hỗ trợ cho các DN nội địa của Vùng phát triển công nghiệp hỗ trợ, kể cả liên doanh với DN nước ngoài.
Hướng thu hút dòng vốn FDI vào các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ không chỉ nhằm khai thác và phát huy lợi thế của Vùng, mà còn tạo điều kiện để thúc đẩy các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ trong Vùng hoạt động có hiệu quả và có năng lực cạnh tranh cao, khuyến khích họ mở rộng phạm vi hoạt động ra thị trường khu vực và thị trường thế giới.
Thứ bảy, coi trọng liên kết phối hợp giữa các cấp và các lực lượng có
liên quan đến thu hút FDI
Phương hướng này nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, tập trung nguồn lực bên trong và bên ngoài cho thu hút FDI vào vùng Bắc Trung Bộ. Nội dung của phương hướng này là cần coi trọng sự phối kết hợp một cách chặt chẽ và nhịp nhàng hơn giữa các cơ quan xúc tiến ĐT, xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch của Chính phủ với các tổ chức của các tỉnh trong Vùng. Tăng cường trách nhiệm của Chính phủ trong điều phối phát triển vùng Bắc Trung Bộ. Chính phủ phải tạo điều kiện và khuyến khích các tỉnh phối hợp cùng nhau xúc tiến và thu hút FDI vào Vùng theo một chương trình thống nhất, tránh cạnh tranh không lành mạnh nhằm tiết kiệm nguồn lực. Các bộ ngành phải chịu trách nhiệm phát triển chuỗi giá trị ngành trong Vùng, tìm kiếm sự hợp tác quốc tế và ĐT để nắm bắt được những xu hướng phát triển mới nhất của FDI trên thế giới và hỗ trợ các địa phương đón bắt cơ hội thu hút FDI.