tế * Khái niệm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Trong nhiều năm nay FDI đã lôi cuốn một lượng lớn vốn ĐT di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác. Quá trình di chuyển đó được thực hiện bởi nỗ lực của hai chủ thể có liên quan bao gồm nước ĐT và nước nhận ĐT.
Nước ĐT cần có động lực thúc đẩy di chuyển vốn ĐT ra nước ngoài. Động lực thúc đẩy được tạo bởi tình trạng dư thừa vốn trong nước do có tỷ suất sinh lời thấp. Nước nhận ĐT cần tạo điều kiện để FDI vào nước mình. Việc lựa chọn và tìm giải pháp để có được nguồn vốn ĐT trực tiếp từ các tổ chức nước ngoài vào trong nước nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh của nước tiếp nhận ĐT được gọi là thu hút ĐT trực tiếp nước ngoài hay thu hút FDI. Trong phạm vi của đề tài luận án, chỉ đi sâu nghiên cứu thu hút FDI của nước nhận ĐT.
Với góc độ tiếp cận từ nước nhận ĐT, thu hút FDI là tổng thể các chính sách và biện pháp mà nước tiếp nhận ĐT thực hiện nhằm khuyến khích nhà ĐTNN đưa vốn, tài sản, công nghệ vào các DN ở nước mình dưới hình thức trực tiếp SXKD, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho dân cư và tranh thủ vốn, công nghệ, thị trường sẵn có của nhà ĐTNN.
Thu hút FDI là việc làm chủ động của nước tiếp nhận ĐT nhằm đạt được lợi ích của chính mình bằng cách kích thích lợi ích của nhà ĐTNN. Lợi ích của nhà ĐTNN khi ĐT vào nước khác là lợi nhuận, thị trường và tối đa hóa chuỗi giá trị sản phẩm của họ. Do đó, muốn thu hút FDI, nước nhận ĐT phải có cơ chế, chính sách và biện pháp hấp dẫn các nhà ĐTNN. Hiện nay, nhiều nước, nhất là nước đang phát triển đã coi thu hút FDI còn là một bộ phận trong chiến lược phát triển dài hạn của mình.
Thu hút FDI khác với khuyến khích ĐT trong nước. Trước hết, thu hút FDI mang tính đối ngoại. Bởi vì, việc thu hút FDI có thành công hay không không chỉ phụ thuộc vào môi trường ĐT có thuận lợi và hấp dẫn hay không, mà còn phụ thuộc vào quan hệ đối ngoại của nước nhận ĐT với nước ĐT và các nước liên minh với nước ĐT. Nếu nước nhận ĐT bị nước ĐT cấm vận thì các nhà ĐT của nước ĐT, thậm chí các nhà ĐT của các nước phụ thuộc vào nước ĐT, sẽ không thể chuyển vốn đến nước nhận ĐT. Vì thế, để thu hút FDI, các nước nhận ĐT phải điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng tạo quan hệ tốt với nước khác.
Thứ hai, mức độ mở cửa của một nước đối với FDI cũng có giới hạn
nhằm đảm bảo tính độc lập kinh tế của nước nhận ĐT. Điều này giới hạn khả năng thu hút FDI. Thường chính phủ ưu tiên khuyến khích ĐT trong nước hơn thu hút FDI. Bởi vì nhà nước nào cũng muốn bảo hộ cho công dân nước mình hơn công dân nước khác, muốn tăng thu nhập cho nước mình hơn cho nước khác. Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập, những hạn chế đối với FDI thường chỉ được phép thực hiện ở biên giới, với những điều kiện cho phép chuyển vốn vào, rút vốn ra khỏi nước nhận ĐT.
Thứ ba, thu hút FDI còn phụ thuộc vào các yếu tố nước ngoài. Khi thu
hút FDI, các chính sách của chính phủ nước nhận ĐT có tác động hạn chế do phải tương tác với chính sách của nước ĐT, phải phù hợp với các cam kết trong các tổ chức hợp tác quốc tế, phụ thuộc vào chiến lược di chuyển vốn của các công ty đa quốc gia, chính sách cạnh tranh thu hút FDI của các nước nhận ĐT khác.
Thu hút FDI cũng khác so với thu hút ĐTNN gián tiếp. Một là, thu hút FDI đòi hỏi chính sách và biện pháp toàn diện hơn, phức tạp hơn, dài hạn hơn thu hút ĐTNN gián tiếp. Thu hút FDI không chỉ là thu hút vốn (dưới hình thức ngoại tệ), mà còn thu hút cả tư liệu sản xuất (máy móc, thiết bị, công nghệ), kinh nghiệm quản lý và thương hiệu của nhà ĐT. Chính vì thế, thu hút FDI cần các chính sách và biện pháp đặc biệt như xúc tiến ĐT nhằm giới thiệu với các nhà ĐTNN môi trường SXKD an toàn, cam kết bảo hộ tài sản của nhà ĐT lâu dài, cam kết về các điều kiện thuận lợi đối với bản thân nhà ĐT với tư cách môi trường làm việc, quan hệ với đối tác…
Hai là, thu hút FDI còn liên quan đến các rủi ro khi xây dựng và điều
hành DN trong thời gian dài. Chính vì thế, thu hút FDI cần sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền, cần phát triển các thị trường liên quan đến hoạt động SXKD, cần cho phép nhà ĐTNN tiếp cận các nguồn lực địa phương như lao động, tài nguyên, thể chế hành chính, dịch vụ tương thích với nước ĐT.
Ba là, thu hút FDI là du nhập cả nhà ĐT lẫn năng lực sản xuất của nhà
ĐT vào trong nước, du nhập đối thủ cạnh tranh trực diện với DN trong nước, du nhập nguồn gây ô nhiễm môi trường tiềm tàng…. Chính vì thế, cần có chính sách thu hút FDI trong cân đối lợi ích với bảo vệ sản xuất của DN trong nước, bảo vệ môi trường, lợi ích quốc gia. Chính sách thu hút FDI thành công phải được xem xét toàn diện trên cả năng lực sản xuất lẫn lợi ích của nước nhận ĐT và nhà ĐTNN.
Bốn là, thu hút FDI có mục đích đa dạng hơn thu hút ĐTNN gián tiếp.
Nhà ĐTNN gián tiếp chỉ cung cấp nguồn vốn ngoại tệ, chỉ quan tâm đến lợi nhuận, trong khi đó nhà ĐT trực tiếp nước ngoài còn cung cấp công nghệ, thị trường, đào tạo tay nghề, kinh nghiệm quản lý và quan tâm đến nhiều mục tiêu như lợi nhuận, phát triển thị trường, tiếp cận tài nguyên của nước nhận ĐT, phân tán rủi ro… Chính vì thế, chính sách thu hút FDI cũng đa dạng hơn chính sách thu hút ĐTNN gián tiếp.
Năm là, khác với thu hút ĐTNN gián tiếp, thu hút FDI liên quan trực
tiếp đến lợi thế sản xuất cạnh tranh của quốc gia, địa phương. Lợi thế sản xuất cạnh tranh có thể là lao động rẻ, nguồn tài nguyên khan hiếm, thị trường tiêu thụ rộng lớn, chi phí ĐT thấp…Khi còn lợi thế cạnh tranh, nước nhận ĐT còn khả năng thu hút FDI. Khi hết lợi thế cạnh tranh, dù có cố gắng xúc tiến ĐT, FDI cũng rút đi. Trong khi đó, ĐTNN gián tiếp chỉ cần lãi suất cao và khả năng đảm bảo trả nợ của nước nhận ĐT.
Thu hút FDI vào vùng kinh tế thực chất cũng là thu hút FDI nhưng địa bàn thu hút và mục tiêu thu hút đã được xác định, đó là thu hút FDI vào một vũng lãnh thổ cụ thể (được gọi là vùng kinh tế) đặt trong mối quan hệ liên kết giữa các đơn vị hành chính trong vùng nhằm mục tiêu nâng cao lợi ích chung của cả vùng. Nói cách khác, thu hút FDI vào vùng kinh tế là nỗ lực của các địa phương trong vùng kinh tế nhằm đề ra và phối hợp thực hiện tổng thể các chính sách và biện pháp khuyến khích nhà ĐTNN đưa vốn, tài sản, công nghệ
vào các DN có trụ sở đặt trên địa bàn vùng kinh tế hướng đến mục tiêu nâng cao lợi ích nhận được từ FDI của cả vùng kinh tế.
Điều cần nhấn mạnh trong khái niệm này là sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng kinh tế nhằm nâng cao lợi ích thu được từ FDI của cả vùng kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng chính là khó khăn của thu hút FDI theo vùng kinh tế, bởi về cơ bản không có chính quyền vùng kinh tế nên không hình thành một trung tâm điều hành chính sách riêng của vùng. Thông thường chính phủ đảm nhiệm vai trò điều phối chung này. Có nhiều hình thức điều phối như quy hoạch vùng kinh tế, thành lập cơ quan điều phối theo chướng trình phát triển vùng kinh tế, thành lập các văn phòng chỉ đạo vùng kinh tế… Tuy nhiên, do các địa phương trong vùng kinh tế đôi khi cạnh tranh với nhau trong thu hút FDI, dẫn đến xu hướng hành động lợi mình, hại chung cho cả vùng kinh tế. Trong trường hợp này, nếu các cơ quan điều phối vùng kinh tế không có đủ quyền hành để phối hợp hành động giữa các địa phương, sẽ xuất hiện nguy cơ một vài địa phương "xé rào", khiến cơ chế phối hợp theo vùng kinh tế phá sản. Khi đó, thu hút FDI theo vùng kinh tế chỉ là con số cộng các nỗ lực của các địa phương trong vùng, không loại trừ các nỗ lực này ngược chiều lợi ích với nhau.