chung của cả nước để vận dụng vào địa bàn theo định hướng Chiến lược và chính sách, pháp luật chung cho cả nước, tạo tính đồng bộ, thống nhất trong điều hành theo Vùng. Khắc phục tình trạng mỗi tỉnh có một chế độ ưu đãi về chính sách tài chính dẫn đến hiện tượng cạnh tranh theo kiểu hạ thấp điều kiện thu hút FDI.
4.2.1.2. Đổi mới chính sách ưu đãi đầu tư trực tiếp nước ngoài trongvùng Bắc Trung bộ vùng Bắc Trung bộ
* Đổi mới chính sách ưu đãi về tài chính đối với nhà ĐTNN
Theo kết quả điều tra của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, nhà ĐTNN không quá coi trọng ưu đãi về thuế thu nhập DN, bởi thời gian ưu đãi thuế thu nhập DN thường trùng với giai đoạn DN chưa có lãi. Vì thế, cần thiết kế lại các chính sách ưu đãi tài chính có giá trị thực tế hơn.
Thứ nhất, cần cụ thể hóa các ưu đãi về thuế và ưu đãi ĐT thích hợp với
định hướng thu hút FDI vào vùng. Các lĩnh vực như du lịch, khai thác và chế biến khoáng sản, dịch vụ cảng biển, nông, lâm nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu,…. nên được chú trọng để tìm kiếm tổng các ưu đãi có tính cạnh tranh theo Vùng Bắc Trung Bộ so với các Vùng kinh tế khác. Đặc biệt, các tỉnh trong vùng cần phối hợp để các nhà ĐTNN triển khai các cơ sở kinh doanh của họ thành một chuỗi trong vùng mà không dẫn đến tình trạng thi nhau tăng ưu đãi, hạ thấp điều kiện thu hút ĐT. Khuyến khích mạnh hơn các nhà ĐT có dự án lớn, du nhập công nghệ hiện đại bằng các hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào dự án…Không nên lạm dụng chs ưu đãi tài chính vì các ưu đãi này không đáng kể so với lợi ích mà nhà ĐTNN kỳ vọng, trong khi đó các tỉnh trong Vùng đang gặp khó khăn về tài chính công. Chú ý soạn thảo kịp thời các tài
liệu hướng dẫn, các quy trình thủ tục hành chính xác nhận và cung cấp ưu đãi để công khai trên các phương tiện truyền thông dễ truy cập cho tất cả các nhà ĐTNN có nhu cầu dưới một số ngôn ngữ phổ biến. Hơn nữa, cần chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan đến ĐTNN nghiêm chỉnh chấp hành các quy định và nhiệt tình, thân thiện trong hỗ trợ nhà ĐTNN tìm kiếm cơ hội ĐT trong Vùng.
Thứ hai, xuất phát từ mục tiêu và định hướng phát triển ưu tiên của
Vùng có xét đến khung khổ chính sách quốc gia và cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế, tiến hành nghiên cứu thận trọng từng lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn mong muốn thu hút FDI để tính toán các lợi thế, bất lợi thế của chúng, sau đó mới thiết kế tổng hợp các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ, quản lý có sức hấp dẫn riêng đối với các nhà ĐTNN. Khắc phục nhược điểm của Vùng là điều kiện tự nhiên không thuận lợi, là khí hậu khắc nghiệt và xa các trung tâm, các thị trường tiêu thụ lớn trong nước, thu nhập trung bình của người dân thấp và phát huy lợi thế cảng biển, giao thông đường biển của Vùng, nên tìm kiếm các đối tác và khuyến khích các dự án sản xuất hàng chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Chính vì thế, chính sách thu hút nên hướng vào các tập đoàn kinh tế lớn, có tiềm lực và thị phần lớn trên thế giới. Muốn vậy, cần chủ động cụ thể hóa các ưu đãi bằng cách hạ chi phí tiền ĐT, chi phí sản xuất sản phẩm và chứng minh thiện ý quyết tâm thực hiện các cam kết theo Vùng. Bởi vì dự án lớn đòi hỏi huy động nguồn nhân lực, vật lực của cả vùng. Nếu không có sự phối hợp chính sách tốt, không có cam kết thực hiện những điều đã hứa, các tập đoàn kinh tế lớn không muốn mạo hiểm dự án ĐT của họ vào Vùng có nhiều khó khăn như Bắc Trung Bộ.
Thứ ba, chú trọng vấn đề cơ hội và điều kiện tạo thuận cho nhà ĐTNN
tiếp cận ưu đãi của chính quyền các tỉnh trong Vùng. Nếu mức ưu đãi quá nhỏ so với nhà ĐTNN, trong khi thủ tục hành chính quá nhiêu khê, tốn kém thì chính sách ưu đãi chỉ có lợi cho những cán bộ thoái hóa câu kết với nhà
ĐTNN nhằm trục lợi, không hấp dẫn các nhà ĐTNN thạt sự muốn tổ chức cơ sở sản xuất mang tính dài hạn của họ ở địa bàn thuộc Vùng Bắc Trung Bộ. Để làm được điều này, ngoài sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh trong cung cấp ưu đãi ĐT, lãnh đạo và cán bộ quản lý ĐTNN của các tỉnh phải có thái độ hợp tác, thân thiện với nhà ĐTNN. Các cơ quan quản lý ĐT của các tỉnh phải có khả năng phòng ngừa và chống nạ nhũng nhiễu các nhà ĐTNN để trục lợi cá nhân và lợi ích nhóm. Hạn chế tối đa sự tùy tiện trong vận dụng chính sách ưu đãi cho các dự án FDI. Xử phát nghiêm minh những cán bộ bị các nhà ĐTNN ca thán là thiếu thân thiện và không hợp tác để triển khai dự án FDI.
Thứ tư, ngoài các dự án lớn có tính chiến lược quốc gia mà việc phê
chuẩn cần đến cơ chế thẩm định của Chính phủ, Quốc hội, vùng Bắc Trung bộ khó có khả năng cạnh trnah để thu hút các dự án ĐT lớn và có công nghệ cao, nếu không tạo được lợi thế khác. Để có sức mạnh cạnh tranh với các vùng Đông Nam Bộ, Vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên, Vùng Bắc Trung bộ nên tận dụng ưu thế sẵn có của mình là còn nhiều mặt bằng cho phép xây dựng dự án lớn, giá thuê đất rẻ, lượng lao động tại chỗ lớn và cần cù nên giảm áp lực xây dựng nhà ở và giảm biến động nghỉ việc sau các ngày lễ, tết. Nếu có nhiều dự án lớn ĐT vào Vùng Bắc Trung Bộ, con em của các gia đình trong Vùng đang làm việc ở vùng khác có thể trở về quê đầu quân cho các DN FDI với mức lương cạnh tranh với vùng khác, trong khi thu nhập của người lao động không giảm sút do họ giảm các khỏa chi về thuê nhà, đi lại khi làm việc ở vùng khác…
Nói tóm lại, nên tạo ra một tập hợp các khoản hỗ trợ nhà ĐTNN phù hợp với từng dự án, từng nhà ĐT, trong đó không quá coi trọng các ưu đãi tài chính, nên kết hợp ưu đãi tài chính với tạo điều kiện và quan hệ thân thiện, cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề với tính kỷ luật cao, cam kết bảo đảm trật tự xã hội đảm bảo an toàn tài sản cho các nhà ĐTNN. Trên thực tế, nhiều biện pháp hỗ trợ không quá tốn kém tiền bạc, nhưng lại có kết quả tốt, giúp
các nhà ĐTNN không những giảm chi phí ĐT, mà còn giảm giảm chi phí sản xuất, mang lại tác động lâu bền.
- Thiết kế chính sách phù hợp với yêu cầu của các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, xuyên quốc gia
Các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia thường ưu tiên phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm mang thương hiệu của họ để tối đa hóa lợi ích từ thế mạnh của họ. Các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, xuyên quốc gia thường coi trọng các yếu tố mà Vùng Bắc Trung Bộ có thể có như: nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, trữ lượng cho phép quy mô khai thác, chế biến hiệu quả;; lực lượng lao động thông minh, cần cù, có kỷ luật; Chính quyền các tỉnh và Chính phủ đang mong muốn thu hút được các dự án FDI nên sẵn sàng hỗ trợ nhà ĐTNN khắc phục khó khăn; Mức độ tin cậy cao trong thực hiện các cam kết của chính quyền; thủ tục hành chính thông thoáng; hệ thống dịch vụ thuận tiện, trình độ cao, nhất là hệ thống giao thông liên quan đến hàng hóa XK,NK, hệ thống thông tin liên lạc, dịch vụ ngân hàng… Muốn thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn bỏ vốn vào Vùng, chính quyền các tỉnh trong vùng và Chính phủ phải ưu tiên tạo các điều kiện cần thiết đó.
Ngoài ra, cần có chính sách tiếp thị riêng đối với từng tập đoàn, nhất là đối với các tập đoàn của Nhật, Mỹ, vì đây là những tập đoàn khó tính, họ sẽ chỉ đầu tư khi các điều kiện tương thích với họ được đảm bảo và chính sách thu hút phải phù hợp với định hướng chiến lược kinh doanh của tập đoàn. Vì thế cần ĐT nghiên cứu tập trung vào một số tập đoàn kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực mà Vùng Bắc Trung Bộ có lợi thế so sánh như ĐT vào cảng biển, cảng hàng không; tham gia sản xuất các chi tiết sản phẩm trong chuỗi giá trị ngành của tập đoàn nhằm sử dụng lao động trong vùng; xây dựng hạ tầng và kinh doanh du lịch; nuôi trồng, khai thác, chế biến và xuất khẩu hải sản…Sau khi đã lựa chọn được các tập đoàn phù hợp, cần thiết kế chương trình quảng bá, xúc tiến đầu tư thu hút sự chú ý của họ, cũng như tổ chức giao
lưu để tạo quan hệ hiểu biết lẫn nhau. Nhà ĐTNN cần địa bàn ĐT. Nếu các tỉnh chung sức tạo cho họ địa bàn ĐT phù hợp thì không cần ưu đãi, các tập đoàn kinh tế cũng chớp lấy cơ hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc độ tăng trưởng và thị trường Mỹ, Nhật, Châu Âu đang ảm đạm. Vấn đề là các tỉnh phải chớp cơ hội làm nhanh. Chờ khi kinh tế thế giới khởi sắc, sức hấp dẫn của Vùng Bắc Trung bộ sẽ giảm.
Các tỉnh trong Vùng nên tranh thủ thời cơ khi ký kết các Hiệp định ĐT song phương giữa Việt Nam và các đối tác lớn để nắm được thông tin về cơ hội, sự quan tâm của đối tác nhằm xây dựng chính sách thu hút đặc biệt có tính đến bản sắc riêng của đối tác chiến lược, tranh thủ sự cam kết của Chính phủ Việt Nam với đối tác, tránh các ưu đãi thông thường vừa tốn kém, vừa không hấp dẫn nhà ĐTNN. Chính quyền các tỉnh trong vùng cần tranh thủ những người Việt kiều đồng hương làm sứ giả kết nối với các nhà ĐT chiến lược ở các nước phát triển.
- Tăng khả năng tiếp cận mặt bằng kinh doanh của nhà ĐTNN
Mặt bằng kinh doanh là vấn đề khá lớn đối với nhà ĐTNN ở Việt Nam. Hiện tại, mặt bằng trong các KCN, khu kinh tế trong vùng Bắc Trung Bộ còn khá nhiều nên các nhà ĐTNN có dự án trong khu kinh tế, KCN không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các dự án ĐT vào nông nghiệp hoặc vào các dịch vụ khác cần tiếp cận những diện tích đất lớn ngoài KCN. Cần tính trước những vấn đề này, nhất là các dự án về chăn nuôi, dự án lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Bắc Trung bộ khan hiếm quỹ đất nông nghiệp thuận lợi cho trồng lúa, người nông dân trong vùng có đời sống khó khăn, nếu rời mảnh đất của mình, họ có thể lâm vào tình trạng đói, nghèo. Vì thế, cần có sự hợp tác trong vùng để vừa cho phép sử dụng đất hợp lý, tạo điều kiện cho các nhà ĐT nước ngoài có được diện tích đất ở vị trí phù hợp với yêu cầu kinh doanh của họ, vừa giảm áp lực lấy vào quỹ đất nông nghiệp, vừa giữ gìn trật tự xã hội.
Ngoài ra, cần cùng với nhà ĐTNN giải quyết các vấn đề về nhà ở cho công nhân ở các KCN, các công trình giải trí, cung cấp dịch vụ y tế, học tập
cho gia đình công nhân gắn với kinh phí và chính sách xã hội trên địa bàn. Không nên coi việc cung cấp nhà ở, suất ăn công nghiệp, cơ sở y tế, trường học cho con em của công nhân là trách nhiệm riêng của chủ ĐT. Bởi vì, xét cho đến cùng thu hút FDI để có thu NSNN, có việc làm và thu nhập cũng chính là để phục vụ lại người công nhân. Nếu quan niệm như thế và triển khai tuyên truyền, giáo dục cho người lao động, dân cư, nông dân bị thu hồi đất hiểu thực chất của thu hút FDI thì các áp lực chống đối sẽ giảm. Đây mới là điểm hấp dẫn các nhà ĐTNN. Thực chất nhà ĐTNN không đầu cơ đất, họ cần những diện tích đất để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh và nhu cầu của những người lao động mà họ sử dụng. Nếu chính sách đất đai không giải quyết thông thoáng những nút thắt này thì nhà ĐTNN còn e ngại.
Ngoài ra, những quy định về người nước ngoài sở hữu nhà ở tại địa phương cũng cần được triển khai một cách thông thoáng. Những vướng mắc về đền bù nên được chính quyền địa phương giải quyết nhanh gọn để có quỹ đất "sạch" giao cho nhà ĐTNN theo cam kết. Đối với người nước ngoài, hiệu lực thực thi cam kết của chính quyền mới là yếu tố quan trọng trong tiếp cận đất đai. Do cơ chế thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất ở Việt Nam khá phức tạp, Luật Đất đai 2013 không cho phép người dân thỏa thuận giá đền bù với chủ ĐT, nên nhà ĐTNN buộc phải thông qua cơ quan nhà nước mới có được mặt bằng. Hiệu lực và độ tin cậy của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhà ĐTNN.
Cũng cần lưu ý tình trạng cán bộ nhà nước lợi dụng nhà ĐTNN để tham nhũng khi thu hồi và giao đất. Do cơ quan cấp tỉnh có quyền hạn rất lớn để thu hồi và giao đất theo giá nhà nước nên thông thường giá đền bù và tiền thu sử dụng đất đều thấp hơn giá thị trường. Chính vì thế, nhà ĐTNN có nhiều cơ hội để hối lộ quan chức cấp tỉnh có được đất, nhất là đất xây dựng khu đô thị, với giá rẻ. Để ngăn chặn nguy cơ này, cần thay cơ chế giao đất bằng cơ chế đấu thầu đất. Các địa phương trong vùng cần chủ động thu hồi
các diện tích chuyển mục đích theo quy hoạch để làm thủ tục đền bù cho dân trước khi giao cho các nhà ĐTNN sử dụng. Khi đã có quỹ đất sạch, trung tâm phát triển quỹ đất nên tiến hành đầu thầu đất theo mục đích sử dụng được phê duyệt nếu đất đó ngoài KCN. Với cách làm này, nhà ĐTNN sẽ không phải chờ đợi trong thời gian giải phóng mặt bằng, đồng thời cũng không phải chịu áp lực chống đối từ phía người dân mất đất.
- Đổi mới chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động
Nếu có dự án sử dụng nhiều lao động trong vùng thì nhiều người lao động sở tại có thể giảm chi phí trong cuộc sống của họ do không phải thuê nhà, không tách họ khỏi các mối quan hệ hỗ trợ của cộng đồng (như nhờ ông bà chăm sóc con nhỏ…). Vì thế, với mức tiền công danh nghĩa thấp hơn các vùng kinh tế trọng điểm, mức sống của công nhân ở vùng Bắc Trung Bộ có thể không thấp hơn các vùng khác. Đây là một lợi thế của vùng. Lợi thế này kết hợp với lợi thế không gian phát triển còn rộng có thể tạo nên sức hấp dẫn của Vùng mà các vùng đã phát triển không có. Hơn nữa, do Bắc Trung bộ rất thuận tiện về mặt giao thông kết nối với các nơi khác nên nếu có sẵn mặt bằng và lao động có tay nghề cao, không đòi hỏi mức tiền công quá cao, Bắc Trung Bộ có thể hấp dẫn nhiều nhà ĐTNN.
Muốn vậy, cần thay đổi phương thức đào tạo nghề cho người lao động ở nông thôn. Nên sử dụng kinh phí của Đề án đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn để hỗ trợ đào tạo nghề cho các dự án cụ thể của các DN trên địa bàn. Chính sách đào tạo nghề này phải thoát khỏi cung cách đào tạo của hệ thống đào tạo công lập trên địa bàn là đào tạo theo chỉ tiêu, theo những gì nhà trường có. Nên