Nghiên cứu định lượng sơ bộ được NCS thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 09/2019 đến 01/2020 với mục đích kiểm tra mức độ phù hợp của mô hình lý thuyết, đánh giá độ tin cậy của các thang đo, bảo đảm các thang đo là phù hợp, làm cơ sở cho NC định lượng chính thức.
NCS tiến hành phát khảo sát với 80 phiếu phát ra trực tiếp và tiến hành song song khảo sát trực tuyến thông qua việc gửi phiếu đến 50 công chức, đồng thời tiếp tục nhờ những người này gửi phiếu đến các CC khác mà họ quen biết (Phụ lục 05). Kết quả thu được 120 phiếu (72 phiếu trực tiếp và 48 phiếu trực tuyến). Sau khi loại bỏ các phiếu không phù hợp, thu được 100 phiếu hợp lệ.
Đầu tiên NCS tiến hành phân tích Cronbach Alpha để kiểm tra tính tin cậy của các khái niệm nghiên cứu. Hệ số Cronbach Alpha được sử dụng cho từng khái niệm với tiêu chuẩn lựa chọn hệ số Cronbach Alpha tối thiểu có thể chấp nhận >= 0.6 (Hair và cộng sự, 2006). Bên cạnh đó, để đánh giá giá trị đóng góp của mỗi biến quan sát trong một nhân tố, hệ số tương quan biến tổng được sử dụng, biến quan sát có hệ số tương quan biến tổng nhỏ hơn 0.3 sẽ được coi là không đủ điều kiện và loại ra khỏi phân tích (Nullaly và Burstein, 1994).
Sau khi thực hiện phân tích Cronbach Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA được sử dụng để đánh giá tính đơn hướng của từng khái niệm nghiên cứu trong mô hình. Phân tích nhân tố khám phá EFA là một phương pháp rút gọn biến nghiên cứu thành các biến tiềm ẩn ít hơn mà vẫn giải thích được thông tin của dữ liệu (Hair và cộng sự, 2006). Với cỡ mẫu của điều tra sơ bộ, NCS thực hiện phân tích phám phá nhân tố cho từng nhân tố. Tiêu chuẩn của phân tích nhân tố khám phá được lựa chọn là hệ số KMO tối thiểu 0.5, phương sai giải thích tối thiểu 50%, factor loading nhỏ nhất
0.5. Phương pháp rút trích nhân tố là phương pháp thành phần chính với phép xoay Varimax (Hair và cộng sự, 2006). Phương pháp rút trích thành phần chính với phép xoay varimax được sử dụng để thu được số nhân tố là nhỏ nhất (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008).