Lý thuyết đánh đổi (Trade – off theory)

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ các yếu tố ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 30 - 31)

Lý thuyết đánh đổi lần đầu được giới thiệu trong nghiên cứu của Alan Kraus và Robert H. Litzenberger (1973). Trong đó, 2 nhà nghiên cứu cho rằng các DN cần phải xác định tỷ lệ nợ mục tiêu nhằm đảm bảo cân bằng giữa lợi ích và chi phí của việc sử dụng nợ mang lại. Lý thuyết đánh đổi bao gồm lý thuyết đánh đổi dạng tĩnh và lý thuyết đánh đổi dạng động. Theo lý thuyết đánh đổi dạng tĩnh, DN đạt được cấu trúc vốn tối ưu khi tỷ lệ nợ của DN ở mức mà tại đó giá trị hiện tại của lá chắn thuế đủ bù đắp sự gia tăng trong hiện giá của chi phí khốn khó tài chính. Phát triển dựa trên lý thuyết cấu trúc vốn dạng tĩnh, lý thuyết cấu trúc vốn dạng động ra đời bởi trong thực tế cấu trúc vốn của DN luôn có sự biến động. Các DN không thể tồn tại vĩnh viễn một mức vốn tối ưu mà cần phải điều chỉnh cấu trúc vốn tùy thuộc vào kỳ vọng và chi phí của sự thay đổi cấu trúc vốn. Như vậy, lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn đã giải thích được những ảnh hưởng của các loại thuế, các chi phí trong việc sử dụng nợ và sự khác biệt cơ cấu vốn giữa các DN, các ngành nghề trong nền kinh tế. Tuy nhiên, lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn có hạn chế trong việc áp dụng là khó để định lượng được chi phí liên quan đến việc sử dụng nợ vay.

Dưới góc độ ngân hàng là trung gian tài chính, nguồn vốn hoạt động phần lớn là nguồn vốn huy động từ các chủ thể trong nền kinh tế. Nguồn vốn huy động về bản chất cũng là khoản nợ mà các NHTM phải trả cho người gửi tiền. Lãi huy động vốn là chi phí quan trọng trong hoạt động của ngân hàng nhằm thu hút khách hàng gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Mặc dù phải trả lãi nhưng việc huy động vốn từ

thị trường cấp 1 – trực tiếp từ các chủ thể trong nền kinh tế thường thấp hơn so với việc phát hành cổ phiếu mới. Do là trung gian tài chính nên ngân hàng dược nhận tiền gửi với mức chi phí lãi vay tương ứng với lãi suất ít rủi ro. Nói cách khác, ngân hàng có thể tăng nợ - các khoản tiền gửi tức là rủi ro tài chính cao hơn nhưng không dẫn đến chi phí tài chính coa hơn dưới dạng lãi suất tiền gửi cao hơn bởi người gửi tiền ít/không phản ứng với mức độ rủi ro của ngân hàng. Có điều này là nhờ vai trò của bảo hiểm tiền gửi và cũng một phần là do người gửi tiền không đủ khả năng để đánh giá rủi ro của ngân hàng theo Kristian Kjeldsen (2004). Quy mô nguồn tiền gửi huy động hay các khoản nợ của ngân hàng tăng lên cũng làm tăng nguy cơ phát sinh chi phí cho ngân hàng khi gặp khó khăn tài chính tăng lên. Đồng thời, điều này còn co thể tăng xác suất mất khả năng thanh toán của ngân hàng theo Berger và cộng sự (1995). Vì vậy, khi ngân hàng huy động được nhiều nguồn vốn hơn thì phải tăng trách nhiệm để kiểm soát sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhằm hạn chế rủi ro. Đồng thời, cũng phải quan tâm đến việc đảm bảo khả năng thanh toán, hạn chế hiện tượng căng thẳng/mất khả năng thanh khoản gây ảnh hưởng đến danh tiếng, khả năng kinh doanh. Thông qua lý thuyết đánh đổi có thể thấy tỷ lệ đòn bẩy, tỷ lệ tiền gửi và tỷ lệ thanh khoản có ảnh hưởng đến hệ số CAR.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ các yếu tố ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 30 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)