Khoảng trống nghiên cứu

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ các yếu tố ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 62 - 65)

Thông qua khảo lược các nghiên cứu trước có thể thấy chủ đề các yếu tố ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn của các NHTM được nhiều nhà nghiên cứu trong và

ngoài nước quan tâm. Các nghiên cứu đã cho thấy các lý thuyết về cấu trúc vốn của doanh nghiệp cũng là cơ sở để nghiên cứu về cấu trúc vốn của ngân hàng nói chung và hệ số CAR nói riêng như nghiên cứu của Berger (1995), Rafet và cộng sự (2015), Phạm Thị Xuân Thoa và Nguyễn Ngọc Anh (2017).

Các nghiên cứu đã dựa vào các chỉ tiêu tài chính phản ánh hoạt động của NHTM để làm các biến độc lập trong mô hình đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến CAR. Do đặc thù là trung gian tài chính, NHTM thực hiện chức năng huy động vốn từ các chủ thể thừa sang các chủ thể thiếu nên nguồn vốn chiếm tỷ trọng cao của các NHTM là nguồn vốn huy động. Điều này làm cho hệ số đòn bẩy của các NHTM là tương đối cao nếu so sánh với các doanh nghiệp thông thường trong nền kinh tế. Sau khi huy động vốn, các NHTM chủ yếu thực hiện cấp tín dụng để tạo ra được thu nhập và đạt được mục tiêu lợi nhuận. Dựa trên đặc điểm hoạt động của NHTM, các biến được sử dụng chủ yếu trong nghiên cứu bao gồm quy mô ngân hàng tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tài sản, tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ tiền gửi khách hàng, hệ số thanh khoản, khả năng sinh lời trên tổng tài sản.

Ngoài xem xét các yếu tố thuộc về ngân hàng, một số nghiên cứu đưa thêm các yếu tố vĩ mô bên ngoài tác động đến hoạt động ngân hàng như GDP, CPI, quy định của chính phủ… trong mô hình xác định yếu tố ảnh hưởng đến CAR của ngân hàng. Tùy thuộc vào mẫu nghiên cứu ở các quốc gia khác nhau với những giai đoạn nghiên cứu khác nhau mà mối quan hệ giữa các yếu tố nêu trên và hệ số CAR là tương quan thuận chiều hay tương quan nghịch chiều, có ý nghĩa thống kê hay không có ý nghĩa thống kê.

Trên cơ sở những kết quả đạt được của các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về giá trị thương hiệu dựa trên nhân viên, đề tài nhận thấy vẫn còn khoảng trống nghiên cứu dưới đây:

Thứ nhất, các nghiên cứu trong nước và quốc tế chủ yếu tập trung nhiều vào các yếu tố ảnh hưởng đến CAR là những yếu tố phản ánh đặc điểm hoạt động của ngân hàng. Tuy nhiên, yếu tố về quản trị công ty chưa được các nghiên cứu thực hiện. Trong khi đó, vai trò của nhà quản trị rất quan trọng trong việc xác định cấu trúc vốn, hoạt động quản trị rủi ro và hiệu quả hoạt động ngân hàng. Vai trò quản trị công ty trong hoạt động ngân hàng đã được chứng minh thực nghiệm trong các nghiên cứu trong và ngoài nước. Nghiên cứu về vai trò của quản trị ngân hàng đến

việc tiếp nhận rủi ro của ngân hàng gồm có các nghiên cứu của Phạm Hoàng Ân (2019), Berger và cộng sự (2014), Iqbal và cộng sự (2015), Dong và cộng sự (2017), Setiyono và Tarazi (2018), Srivastav và Hagendorff (2016).

Nghiên cứu của Iqbal và cộng sự (2015) cho thấy quản trị công ty tốt đã giúp các tổ chức tài chính Mỹ hạn chế được rủi ro trong ngành tài chính giai đoạn 2005 - 2010. Berger và cộng sự (2014) tập trung nghiên cứu vè mối quan hệ giữa thành phần hội đồng quản trị với rủi ro của các ngân hàng ở Đức trong giai đoạn 1994 - 2010. Kết quả của nghiên cứu cho thấy nếu hội đồng quản trị có nhiều thành viên trẻ và có nhiều thành viên nữ thì rủi ro của ngân hàng tăng lên. Nếu thành viên có trình độ tiến sĩ trong hội đồng quản trị càng cao thì càng làm giảm rủi ro của ngân hàng. Mối quan hệ giữa cơ chế quản trị công ty và rủi ro cũng được Felicio và cộng sự chứng minh trong của mình vào năm 2018 với mẫu nghiên cứu gồm 97 ngân hàng niêm yết lớn nhất Châu Âu giai đoạn 2006 - 2010. Không những chỉ ảnh hưởng đến rủi ro, hội đồng quản trị hay quản trị công ty còn ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động ngân hàng. Mối quan hệ này đã được các nhà khoa học chứng minh qua các nghiên cứu của Hoàng Trung Tiến (2019), Andres và Vallelado (2008), Liang và cộng sự (2013) Nghiên cứu của Andres và Vallelado (2008) với 69 hội đồng quản trị thuộc các ngân hàng lớn đến từ khối Tổ chức hợp tác kinh tế Châu Âu trong giai đoạn 1996 - 2005 chỉ ra rằng quy mô hội đồng quản trị có quan hệ U ngược với hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Nghiên cứu của Predrag và cộng sự (2014) cho thấy mối quan hệ ngược chiều giữa quy mô hội đồng quản trị vf khả năng sinh lời của các ngân hàng với mẫu nghiên cứu từ 74 NHTM thuộc 4 quốc gia khu vực Đông Nam Châu Âu…Từ những nghiên cứu trên cho thấy việc đưa thêm các yếu tố về đặc điểm quản trị công ty vào mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hệ số CAR là cần thiết.

Thứ hai, hoạt động của ngân hàng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi các biến động thuộc về vĩ mô như tốc độ tăng trưởng, lạm phát, pháp luật… Tuy nhiên, các nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn tối thiểu tại Việt Nam chưa đề cập đề cập đến các yếu tố vĩ mô này đồng thời cùng yếu tố quản trị công ty. Vì vậy, đề tài sẽ phát triển mô hình nghiên cứu bao gồm các yếu tố thuộc về đặc điểm ngân hàng, quản trị công ty và các yếu tố phản ánh các yếu tố vĩ mô. Nguyên nhân là các NHTM hoạt động chịu sự ảnh hưởng của nền kinh tế cũng như việc điều

hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Do đó, khi nền kinh tế phát triển ổn định sẽ tạo điều kiện cho các NHTM mở rộng hoạt động cũng như ít rủi ro hơn so với trong thời kỳ kinh tế suy thoái hay nhiều bất ổn. Chỉ số lạm phát là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất đầu ra và đầu vào của ngân hàng. Vì vậy, lạm phát cũng là yếu tố có ảnh hưởng đến hệ số CAR do nó ảnh hưởng đến rủi ro thị trường.

Do đó, đề tài được thực hiện nhằm đánh giá đầy đủ các yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Việc đưa thêm yếu tố phản ánh quản trị công ty cũng như các yếu tố phản ánh nền kinh tế vĩ mô sẽ giúp đánh giá đầy đủ hơn các yếu tố tác động đến hệ số CAR. Điều này không những chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn.

Thứ ba, luận án có đưa biến mới về đại dịch Covid-19 trong năm 2020 diễn biến phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải tiếp tục thực hiện giãn cách, đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM). Nợ xấu khu vực có tâm dịch, thành phố lớn tăng do khó khăn từ khối doanh nghiệp cầm cự với giãn cách xã hội và chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ và chính quyền địa phương. Khả năng thanh toán hạn chế do doanh nghiệp ứ đọng hàng hóa, bất động sản đóng băng… đã ảnh hưởng trực tiếp tới các NHTM. Đại dịch Covid- 19 là biến cố mới, chưa có cơ sở lý luận mà chỉ có một số mô hình phân tích hiệu quả kinh doanh của ngân hàng trong bối cảnh dịch Covid-19.

Kết quả nghiên cứu sẽ giúp các nhà quản lý ngân hàng xác định các yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến hệ số CAR, từ đó có những thay đổi phù hợp để phát triển bền vững ngân hàng.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ các yếu tố ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 62 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)