Hàm ý chính sách với ngân hàng Nhà nước và Chính phủ

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ các yếu tố ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 158 - 161)

Thứ nhất, kiểm soát giảm thiểu lạm phát, kiểm soát chi tiêu của ngân sách nhà nước từ trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách: rà soát lại cơ cấu chi tiêu, cắt giảm các khoản đầu tư không có tính khả thi và các khoản chi phúc lợi vượt quá khả năng của nền kinh tế, cải tiến lại bộ

máy quản lý nhà nước vốn cồng kềnh, không hiệu quả, gây lãng phí ngân sách. Khai thác các nguồn thu, đặc biệt là thu thuế nhằm giảm mức bội chi, cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước… Và cuối cùng là hạn chế phát hành tiền để bù đắp thiếu hụt ngân sách. Bên cạnh đó, chính phủ tiếp tục thực hiện một chính sách tiền tệ thắt chặt do nguyên nhân cơ bản của lạm phát cầu kéo là sự gia tăng của khối lượng tiền cung ứng. Sự hạn chế cung ứng tiền sẽ có hiệu quả ngay đến sự giảm sút của nhu cầu có khả năng thanh toán của xã hội. Cuối cùng, Chính phủ cần có chính sách đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, ổn định an toàn và lành mạnh tạo điều kiện cho sự phát triển của khu vực tài chính nói chung và các NHTM nói riêng. Bởi ổn định và phát triển kinh tế giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hạn chế phát sinh nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, đẩy mạnh cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Thứ hai, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính phủ cần có những chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế, tăng tiêu dùng và tăng đầu tư. Việc cải cách chính sách trọng yếu cần đẩy mạnh: Các chính sách cần cải cách liên quan đến nhiều vấn đề, như: đầu tư cơ sở hạ tầng và thúc đẩy kết nối; thích ứng với biến đổi khí hậu; đào tạo và duy trì nguồn nhân lực chất lượng có tay nghề cao. Ngoài ra, Chính phủ cần phát triển kinh tế bền vững. Nhìn xa hơn các nội dung về tăng trưởng; về phát triển bền vững và chia sẻ thịnh vượng; chú ý tới các chương trình về dân tộc thiểu số, bình đẳng giới, đô thị hóa và hạn chế của hạ tầng giao thông, ô nhiễm không khí. Giải quyết được những vấn đề này sẽ tạo ra tăng trưởng và thu nhập cao hơn. Để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình và để chuyển đổi sang kinh tế hiện đại tiên tiến, Việt Nam cần tập trung vào tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững. Cuối cùng, Chính phủ cần cải thiện, xây dựng hành lang pháp lý hiệu quả, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật. Cần có sự nhất quán trong các chủ trương chính sách của Nhà nước. Đặc biệt trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, coi trọng hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển cũng như tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.

Thứ ba, chính phủ cần có các chế tài đảm bảo tính công khai minh bạch thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hành tài chính hàng năm của doanh nghiệp. Xử lý nghiêm minh những sai phạm trong việc báo cáo, thông tin tài chính, quy rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu ngân hàng, nâng cao năng lực quản lý ngân hàng vì một trong những yêu cầu liên quan đến xây dựng an toàn vốn theo chuẩn Basel là sự công khai rõ ràng trong thông tin tài chính. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ càng công khai, minh bạch và rõ ràng các mục tiêu càng tốt. Hiện tại, đầu mỗi năm, Thống đốc NHNN thường ban hành các chỉ thị về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm, căn cứ trên các mục tiêu tổng thể về kinh tế vĩ mô trong năm đó, cũng như các chỉ tiêu thống kê định kỳ tại Website của NHNN mà các NHTM căn cứ làm định hướng phát triển.

Thứ tư, công tác ứng phó với yếu tố dịch bệnh, cụ thể là chuẩn bị cho thời kỳ trong và hậu Covid-19, Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đang phải đối mặt với việc sụt giảm nguồn thu để bù đắp cho các chi phí khác hay hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành dưới mức bình thường. Do đó, Chính phủ cần triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kết hợp Tổng cục Thuế gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch; miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; xem xét thời điểm đóng phí công đoàn phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô, thị trường; tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phục hồi nhanh nền kinh tế trong những năm sau đại dịch Covid-19. NHNN nên ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các ngành bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, đồng thời, đảm bảo an toàn nguồn vốn, không gây áp lực tăng nợ xấu. Chủ động triển khai các giải pháp tiền tệ và tín dụng để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, tập trung vốn tín dụng cho các dự án, các

lĩnh vực có sức lan tỏa, tạo động lực cho phát triển kinh tế. Ngoài ra, trong thời gian tới, NHNN cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định, chuẩn hóa tiêu chuẩn an toàn theo chuẩn mực quốc tế làm cơ sở cho các NHTM phấn đấu, giúp tăng khả năng cạnh tranh cho toàn hệ thống.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ các yếu tố ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 158 - 161)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)