Tiêu chuẩn về an toàn vốn

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ các yếu tố ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 36 - 38)

Hoạt động kinh doanh của NHTM luôn nhạy cảm với rủi ro, dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng. Cơ sở lý luận cốt lõi của việc có một tiêu chuẩn an toàn vốn là để tăng cường hệ thống tài chính và sự ổn định kinh tế vì sự thất bại của ngân hàng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng có hệ thống (Kupiec & Ramirez 2013 và Marques Pereira & Saito 2015). Trong những năm 1970 - 1980, hệ thống NHTM của các quốc gia phát triển rơi vào tình trạng khủng hoảng khi tỷ lệ vốn của các ngân hàng này sụt giảm mạnh, tỷ lệ nợ lớn, đồng thời rủi ro quốc tế có dấu hiệu gia tăng. Trước bối cảnh đó, Ủy ban Giám sát ngân hàng được Ngân hàng thanh toán quốc tế thành lập dưới sự bảo trợ của BIS nhằm ban hành thông lệ và thực hiện giám sát an toàn hoạt động của ngân hàng. Với thành viên là các ngân hàng trung ương của các nước phát triển G10, Ủy ban Basel đã ban hành hệ thống các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng hay còn gọi là Hiệp ước Basel. Bản thân BIS không phải là cơ quan quản lý và các tuyên bố của cơ quan này không có trọng lượng lập pháp; tuy nhiên, các nhà chức trách muốn chứng minh rằng họ tuân theo các quy tắc Basel ở mức tối thiểu, để duy trì niềm tin của nhà đầu tư và công chúng.

Theo các yêu cầu của Basel, tất cả các công cụ tiền mặt và ngoại bảng trong danh mục đầu tư của ngân hàng đều được ấn định tỷ trọng rủi ro, dựa trên rủi ro tín dụng nhận thức được, xác định mức vốn tối thiểu phải được đặt ra đối với chúng. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng được Hiệp ước Basel quy định là tỷ lệ an toàn vốn. Hệ số an toàn vốn được hiểu là một tỷ lệ phản ánh mối quan hệ giữa vốn và tài sản của ngân hàng, cụ thể là mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có điều chỉnh rủi ro của ngân hàng thương mại. Ủy ban Basel cũng cung cấp quy định cách định lượng các yếu tố về vốn tự có và tài sản có điều chỉnh rủi ro.

Các ngân hàng khác nhau trên toàn thế giới đã bắt đầu thực hiện đo lường tỷ lệ an toàn vốn theo các tiêu chuẩn của Basel I và tiếp tục được cải thiện thông qua Basel II và Basel III để duy trì khả năng cạnh tranh trên toàn thế giới và tuân thủ các cơ quan quản lý quốc tế. Ở Hiệp ước Basel I, tài sản có điều chỉnh rủi ro trong công thức chỉ quan tâm đến rủi ro tín dụng vì đây được xem là loại rủi ro quan

trọng, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các NHTM. Đến Hiệp ước Basel II, hệ số CAR giữ nguyên tử số nhưng lúc này tài sản có điều chỉnh rủi ro, ngoài việc tính toán rủi ro tín dụng, còn đề cập đến rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Basel áp dụng cho các NHTM tối thiểu là 8%. Nói cách khác, NHTM phải giữ lại tối thiểu lượng vốn ít nhất bằng 8% tài sản có đã xét đến rủi ro của ngân hàng. Việc này kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng chống đỡ được với các loại rủi ro như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Sau khủng hoảng kinh tế năm 2008, Ủy ban Basel đã thực hiện điều chỉnh cách tính hệ số an toàn vốn tối thiểu. Theo đó, tỷ lệ này vẫn được giữ nguyên ở mức tối thiểu là 8% nhưng tỷ lệ nguồn vốn chất lượng cao tăng lên. Cụ thể, tỷ lệ vốn cấp 1 điều chỉnh từ 4% trong Basel II lên 6% trong Basel III; tỷ lệ vốn cổ động thường cũng được điều chỉnh tăng lên 4.5% so với 2% trong Basel II; bổ sung phần vốn đệm dự phòng tài chính bảo đảm bằng vốn chủ sở hữu 2.5%. Ngoài ra, những khoản vốn có vấn đề, tiềm ẩn nhiều rủi ro được loại khỏi vốn tự có khi tính CAR như khoản đầu tư vượt giới hạn 15% vào các tổ chức tài chính. Do những thay đổi trong cách tính toán, Basel III mặc dù được ban hành vào năm 2010 nhưng bắt đầu có hiệu lực vào năm 2013 và thực hiện theo lộ trình đến năm 2019 được thực hiện đầy đủ.

Hệ số an toàn vốn (CAR) là tỷ lệ được các cơ quan quản lý trong lĩnh vực ngân hàng sử dụng để đánh giá tính lành mạnh của hệ thống ngân hàng và đảm bảo rằng các ngân hàng có thể xác định mức độ an toàn vốn trước khả năng xảy ra tổn thất từ hoạt động ngân hàng (Aspal & Nazneen, 2014). Hệ số CAR càng cao cho thấy sự củng cố của các ngân hàng và khả năng bảo vệ vốn từ các nhà đầu tư của các ngân hàng tăng lên. Tỷ lệ này đảm bảo rằng ngân hàng có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ và rủi ro khác như rủi ro hoạt động, rủi ro tín dụng và rủi ro thị trường. Dang (2011) cho rằng tỷ lệ an toàn vốn cho thấy nội lực của ngân hàng để gánh chịu những tổn thất phát sinh khi ngân hàng rơi vào thời kỳ khủng hoảng.

Như vậy, hệ số an toàn vốn tối thiểu có thể hiểu là chỉ tiêu phản ánh khả năng chống đỡ rủi ro của các NHTM thông qua mối quan hệ giữa vốn tự có và tài sản có điều chỉnh các loại rủi ro cơ bản mà ngân hàng phải đối mặt trong quá trình hoạt động. Hệ số an toàn vốn tối thiểu theo thông lệ quốc tế được xác định dựa trên Hiệp ước Basel do Ủy ban giám sát ngân hàng ban hành tùy theo từng giai đoạn phát triển. Hiệp ước này không mang tính bắt buộc cho các quốc gia nhưng phần

lớn các quốc gia tự nguyên tuân thủ các quy định trong hiệp ước nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống. Tùy thuộc vào trình độ phát triển, năng lực hoạt động của hệ thống ngân hàng cùng với việc hội nhập quốc tế mà mỗi quốc gia có thể điều chỉnh các tiêu chuẩn cho phù hợp. Ở các quốc gia phát triển đã triển khai Basel III. Các nước đang phát triển đang triển khai Basel III và một số nước đang áp dụng Basel II. Việc áp dụng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Basel I hay II hay III phản ánh phần nào bức tường an ninh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng của quốc gia đó.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ các yếu tố ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)