Lý thuyết trật tự phân hạng

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ các yếu tố ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 31 - 32)

Nghiên cứu của Donaldson vào năm 1961 được xem như là nền tảng đầu tiên của lý thuyết trật tự phân hạng liên quan đến cấu trúc vốn. Sau đó, Myers và Majluf (1984), Myers (1984) đã tiếp tục phát triển lý thuyết trật tự phân hạng dựa trên việc phân tích thông tin bất cân xứng tác động đến quyết định đầu tư và tài trợ của DN. Myers và Majluf (1984) qua nghiên cứu đã rút ra kết luận về sự phân hạng các loại vốn, trong đó lợi nhuận giữ lại tốt hơn nợ và nợ tốt hơn vốn cổ phần. Do thông tin bất cân xứng nên các nhà quản trị DN sẽ hiểu rõ hơn các nhà đầu tư bên ngoài về tình hình kinh doanh cũng như khả năng sinh lợi của các dự án. Do đó, nhà quản trị thường sẽ ưu tiên sử dụng nguồn lợi nhuận giữ lại. Nếu nguồn vốn vẫn chưa đủ thì nhà quản trị sẽ ưu tiên sử dụng tài trợ vốn thông qua nguồn vốn vay với lãi suất cố định để không phải chia sẻ lợi nhuận với các cổ đông mới. Phát hành cổ phiếu thường là lựa chọn cuối cùng của các nhà quản trị khi tìm kiếm nguồn vốn tài trợ dự án.

Để có được lợi nhuận giữ lại, đòi hỏi các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng phải hoạt động kinh doanh hiệu quả. Quy mô tài sản là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá khả năng hoạt động và tạo ra lợi nhuận của ngân hàng. Ngoài xem xét tổng tài sản, đối với NHTM, nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn nhất chính là nguồn thu từ lãi cho vay. Quy mô hoạt động cho vay phản ánh qua dư nợ cho vay khách hàng, nếu chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tài sản, phản ánh phần nào quy mô hoạt động của ngân hàng cũng như khả năng tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng luôn tiềm ẩn rủi ro do đó, ngoài quan tâm đến quy mô tín dụng còn cần chú ý đến chất lượng tín dụng. Chất lượng tín dụng thường được phản ánh qua tỷ lệ nợ xấu hoặc tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng. Nếu các khoản cho vay khó thu hồi của ngân hàng nhiều sẽ làm tăng chi phí, giảm thu nhập, có khả năng mất vốn làm cho ngân hàng bị thiệt hại, ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu. Vì vậy, dựa trên lý thuyết trật tự phân hạng, quy mô, chất lượng tín dụng sẽ ảnh hưởng đến vốn của ngân hàng. Đồng thời, khả năng sinh lời cũng là yếu tố quan trọng trong vốn của ngân hàng. Nếu khả năng sinh lời của ngân hàng cao, ngân hàng sẽ có một phần lợi nhuận giữ lại để tiếp tục mở rộng kinh doanh, chống đỡ rủi ro khi cần thiết.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ các yếu tố ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 31 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)