3.1.3.1. Về hình thức pháp luật
- Về hình thức văn bản: trong giai đoạn này, hoạt động tuyển dụng công nhân viên chức nhà nước vẫn được áp dụng theo quy định của giai đoạn trước. Quy định về tuyển dụng công chức được lồng ghép vào nội dung các văn bản pháp luật khác. Chính phủ chỉ đưa ra yêu cầu tuyển dụng công chức trong các chỉ thị và thông tư với nội dung sơ sài.
- Về kết cấu, bố cục: văn bản pháp luật về tuyển dụng công chức trong giai đoạn này đã có một bước phát triển, tiến bộ và quy chuẩn hơn giai đoạn trước. Các văn bản theo dạng quy chế, nghị quyết, chỉ thị có nội dung theo mục, chương, điều, khoản, cách đánh số và ký hiệu văn bản cũng rõ ràng, thể hiện rõ văn bản do tập thể hay cá nhân lãnh đạo ban hành, ký hiệu quy định về cơ quan soạn thảo văn bản. Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật về tuyển dụng công nhân viên chức lại không có sự thống nhất trong cách đánh ký hiệu và thể thức văn bản. Trong một cơ quan, việc đánh ký hiệu văn bản cũng khác nhau, không có sự thống nhất.
- Về văn phong, ngôn ngữ: văn bản pháp luật quy định về tuyển dụng chức trong giai đoạn này đã sử dụng cách viết đúng theo ngôn ngữ của văn bản hành chính công vụ, đảm bảo tính đơn nghĩa, tường minh, tránh được cách hiểu đa nghĩa và không thể hiện ý chí cá nhân của người soạn thảo trong văn bản hành chính công vụ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều văn bản không có sự thống nhất về cách sử dụng ngôn ngữ: Điều 10, Hiến pháp năm 1980 sử dụng cách gọi “công nhân viên chức nhà nước”, đến điều 44 sử dụng cách gọi “cán bộ”. Trong một văn bản có cách gọi khác nhau về “tinh giản” và “tinh giảm” biên chế. Trong Nghị quyết số 109-HĐBT và Quyết định số 111-HĐBT
12/4/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về một số chính sách trong sắp xếp biên chế sử dụng không thống nhất cách gọi: “công chức, cán bộ, nhân viên và anh chị em, những người làm việc”. Còn sử dụng nhiều từ ngữ mang tính ước lệ, định tính: “Bức bách, vươn lên, cần sắp xếp các cơ quan giúp việc gọn nhẹ hơn nữa …”
- Về hiệu lực thi hành: các văn bản pháp luật về tuyển dụng công chức trong giai đoạn này đã chú trọng xây dựng quy phạm độc lập về hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, về thời gian thi hành văn bản lại không có sự thống nhất, chưa có quy định rõ ràng: cùng một cơ quan, cùng một thời gian ban hành nhưng Nghị quyết số 109-HĐBT và Quyết định số 111-HĐBT 12/4/1991 của Hội đồng Bộ trưởng lại không có quy định về thời gian thi hành văn bản. Trong khi đó, Nghị định số 169-HĐBT ngày 25/5/1991 lại quy định: “Nghị định nàycó hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ các văn bản trước đây trái với các quy định trong Nghị định này”.