Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về tuyển dụng công chức nói riêng chịu tác động lớn của các điều kiện, yếu tố của hội nhập quốc tế. Tác động của hội nhập quốc tế đến hệ thống pháp luật Việt Nam đòi hỏi phải ban hành mới và sửa đổi các văn bản pháp luật để thực hiện các cam kết quốc tế. Theo thống kê từ đầu năm 2001 đến tháng 12/2008, Việt Nam ban hành khoảng 122 Luật, 55 Pháp lệnh, 1158 Nghị định và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Bộ, ngành. Trong số các văn bản quy phạm pháp luật này nhiều văn bản ban hành là để phục vụ hội nhập quốc tế. Minh bạch hoá được cải thiện bằng việc đăng công khai các văn bản quy phạm pháp luật và việc tham gia của công chúng vào quá trình soạn thảo, xây dựng chính sách, văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước [65, tr.35].
Để hoàn thiện pháp luật về tuyển dụng công chức, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, Đảng và nhà nước ra đã chủ động, tích cực cử nhiều lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, nghiên cứu học tập, bồi dưỡng, công tác tại nước ngoài. Nhiều tư tưởng tiến bộ, khoa học về công vụ, công chức, xây dựng và ban hành pháp luật về công chức được Nhà nước tiếp thu, vận dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và nền hành chính Việt Nam. Trong hoàn thiện pháp luật về tuyển dụng công chức, nguyên tắc tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm được nhà nước Việt Nam tiếp thu vận dụng và được quy định trong Luật Cán bộ, công chức 2008: “Việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế của cơ quan sử dụng công
chức. Cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm xác định, mô tả vị trí việc làm, báo cáo cơ quan quản lý công chức phê duyệt để làm căn cứ tuyển dụng công chức” [100, tr.51].
Các qui định pháp luật khác về tuyển dụng công chức của các nước phát triển trên thế giới cũng được nghiên cứu và áp dụng ở Việt Nam: qui định về cải cách, đơn giản hóa các thủ tục trong tuyển dụng công chức, giảm thành phần hồ sơ thí sinh, một số giấy tờ không cần công chứng, nộp hồ sơ qua qua hệ thống mạng internet, công khai thời gian nộp hồ sơ, thời gian tổ chức thi, quy trình tuyển dụng công chức trên các phương tiện thông tin báo chí, đài truyền hình, trang thông tin điện tử… Các quy định này góp phần công khai, minh bạch hóa quy trình tổ chức tuyển dụng công chức, là cơ sở pháp lý hạn chế các hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng công chức, tạo nên sự tin tưởng, đồng thuận trong dư luận xã hội về sự khách quan, minh bạch, công bằng của các kỳ tuyển dụng công chức. Với yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hoàn thiện pháp luật về tuyển dụng công chức góp phần tạo nên tác phong, lề lối, thói quen làm việc chuyên nghiệp, phục vụ, tuân thủ pháp luật của đội ngũ công chức làm công tác tuyển dụng công chức. Các qui định về cơ chế giám sát của các thí sinh, người nhà của thí sinh tham gia tuyển dụng công chức trong tuyển dụng công chức tạo nên sự minh bạch, khắc phục tình trạng lạm quyền của các chủ thể tuyển dụng công chức.