Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các kết quả nghiên cứu từ phần tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án, luận án đặt ra giả thuyết nghiên cứu như sau:
Việt Nam đã có những quy phạm pháp luật về tuyển dụng công chức, tuy nhiên hệ thống các qui định pháp luật hiện hành về vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập, là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động tuyển dụng công chức ở nước ta còn nhiều hạn chế. Để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tuyển dụng công chức ở nước ta, cần nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này,từ đó tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, đặc biệt là các quy định pháp luật về điều kiện tuyển dụng công chức, qui trình, thủ tục tuyển dụng công chức, góp phần tuyển dụng được đội ngũ công chức có năng lực, đạo đức đáp ứng các yêu cầu mới của nền công vụ Việt Nam.
Luận án cần trả lời một số câu hỏi nghiên cứu như sau:
(1) Cơ sở lý luận của hoạt động tuyển dụng công chức ở Việt Nam là gì? (2) Pháp luật về tuyển dụng công chức hiện hành của Việt Nam phù hợp đến mức độ nào với yêu cầu thực tiễn tuyển dụng công chức?
(3) Cần sửa đổi, bổ sung những nội dung nào để pháp luật tuyển dụng công chức trở thành cơ sở pháp lý hữu hiệu của hoạt động tuyển dụng công chức ở Việt Nam?
Tiểu kết chương 1
Từ những kết quả nghiên cứu của chương 1 cho thấy đến nay đã có khá nhiều công trình khoa học nghiên cứu được các nhà khoa học, các tác giả trong nước và ngoài nước công bố liên quan đến hoàn thiện pháp luật công chức, công vụ ở nước ta. Trong đó, các công trình khoa học tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách tiền lương đối với công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, hoàn thiện các tiêu chuẩn về ngạch, bậc công chức, hoàn thiện pháp luật công chức, công vụ, đổi mới phương pháp đánh giá
công chức... Có rất ít công trình khoa học nghiên cứu về pháp luật tuyển dụng công chức. Ngày nay, tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước ta đã phát triển, trình độ dân trí được nâng cao, một số chủ trương, quan điểm mới về công vụ, công chức chưa được các công trình khoa học trước đây nghiên cứu, cập nhật như: việc xác định danh mục vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức tại cơ quan, tổ chức; các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã chủ động nghiên cứu, thực hiện ứng dụng tin học vào thi tuyển dụng công chức, thi nâng ngạch công chức.
Mặc dù chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về hoàn thiện pháp luật về tuyển dụng công chức ở Việt Nam dưới góc độ chuyên ngành lý luận và lịch sử về Nhà nước và pháp luật một cách chuyên sâu, nhưng kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học trong thời gian qua có ý nghĩa và giá trị tham khảo rất quan trọng cho Luận án. Qua đó, Luận án xác định những khoảng trống, những nội dung còn thiếu, bỏ ngỏ để có hướng tiếp tục đi sâu phân tích, nghiên cứu. Trên cơ sở luận giải về cơ sở lý luận và thực tiễn về hoàn thiện pháp luật tuyển dụng công chức, tác giả xác định các quan điểm mang tính khoa học và toàn diện, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, đồng bộ và phù hợp với điều kiện, tình hình của nước ta nhằm hoàn thiện pháp luật về tuyển dụng công chức ở Việt Nam.
Tác giả đã đặt ra những giả thuyết nghiên cứu và các câu hỏi nghiên cứu cần được giải đáp một cách thỏa đáng khi tổ chức triển khai thực hiện mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của Luận án.
Chương 2