Khái niệm pháp luật tuyển dụng công chức ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận án Đào Mạnh Hoàn (Trang 40 - 42)

Qua nghiên cứu các văn bản pháp luật quy định về tuyển dụng công chức, có thể nhận biết được mô hình tuyển dụng công chức của một quốc gia: tuyển dụng công chức theo mô hình vị trí việc làm, tuyển dụng công chức theo mô hình chức nghiệp hay tuyển dụng công chức theo mô hình hỗn hợp (gồm chức nghiệp kết hợp với vị trí việc làm). Chẳng hạn, với các quy định về chủ thể có chức năng, quyền hạn trong việc tuyển dụng công chức, phương pháp tuyển dụng sử dụng trong các kỳ tuyển dụng công chức, các môn thi, phạm vi kiến thức, số lượng câu hỏi, quy trình tuyển dụng công chức…, cho thấy hoạt động tuyển dụng công chức của Nhật Bản theo mô hình chức nghiệp. Các quy định về nguyên tắc tuyển dụng, căn cứ tuyển dụng, thành phần hồ sơ, tiêu chuẩn thí sinh, phương pháp tuyển dụng, hình thức tuyển dụng, ưu tiên trong tuyển dụng công chức…, của Việt Nam theo mô hình hỗn hợp. Vì vậy, với cách tiếp cận cụ thể, pháp luật tuyển dụng công chức là các quy phạm pháp luật quy định về công tác tuyển dụng công chức tương ứng với một chế độ nhà nước của một quốc gia nhất định.

Hình thức của pháp luật tuyển dụng công chức của các quốc gia trên thế giới chủ yếu được ban hành dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản thành văn. Nhiều quốc gia sử dụng hình thức văn bản luật (Luật Cán bộ, công chức Việt Nam, Luật Cải cách công chức Hoa Kỳ, Luật Công vụ quốc gia Nhật Bản, Cộng hòa Pháp sử dụng hình thức nghị định…). Tuy nhiên, một số quốc gia khác lại sử dụng hình thức pháp luật tuyển dụng công chức dưới dạng quy chế: Anh Quốc sử dụng hình thức quy chế tuyển dụng… Hình thức của pháp luật tuyển dụng công chức ở Việt Nam là văn bản quy phạm pháp luật có kết cấu là các chương, mục, điều khoản, điểm. Bên cạnh đó, tên gọi của văn bản quy phạm pháp luật quy định công tác tuyển dụng công chức giữa các quốc gia cũng có sự khác nhau: Luật Công vụ quốc gia Nhật Bản năm 1947; Luật Cán bộ, công chức Việt Nam năm 2008; Luật Cải cách công chức Hoa Kỳ năm 1978; Luật số 5 của Philippin; Luật Công vụ Vương quốc Thái Lan năm 1992…

Khái niệm pháp luật tuyển dụng công chức được xác định phụ thuộc vào việc xác định đối tượng và phạm vi điều chỉnh. Mỗi quốc gia có một quan điểm riêng khi xây dựng khái niệm pháp luật về tuyển dụng công chức, trong đó chứa đựng các nội dung quy định tùy thuộc vào quan niệm về đối tượng và phạm vi điều chỉnh khác nhau. Theo đó:

Một là, nếu xác định công chức là những người làm việc trong các cơ quan chuyên môn của Chính phủ thì đối tượng và phạm vi áp dụng của văn bản chỉ là những người làm việc trong các bộ, ngành thuộc Chính phủ, không áp dụng đối với những người làm việc ở các cơ quan địa phương.

Hai là, nếu xác định công chức là những người làm việc trong các cơ quan chuyên môn thuộc Chính phủ, các cơ quan chuyên môn của cấp địa phương thì đối tượng và phạm vi điều chỉnh của pháp luật tuyển dụng công chức có phạm vi rộng từ trung ương đến địa phương.

Nếu xác định công chức bao gồm những người làm việc trong các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương, trong các cơ quan lập pháp, tư pháp và các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập thì đối tượng và phạm vi điều chỉnh rất rộng, trong đó có tất cả những người làm việc trong các cơ quan nhà nước đó.

Qua nghiên cứu cho thấy, pháp luật tuyển dụng công chức Việt Nam là một bộ phận của pháp luật công vụ, công chức, có đối tượng và phạm vi áp dụng là các nguồn nhân lực tham gia tuyển dụng công chức trong xã hội; các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn tuyển dụng công chức từ cấp trung ương đến địa phương (các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, các cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập). Pháp luật tuyển dụng công chức ở Việt Nam được ban hành nhằm mục tiêu tuyển dụng những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, năng lực làm việc, sức khỏe, đạo đức, phẩm chất chính trị tốt vào công tác trong cơ quan nhà nước các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập.

Pháp luật tuyển dụng công chức ở Việt Nam là tổng thể các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan

hệ xã hội phát sinh giữa các chủ thể có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tuyển dụng công chức với những người tham gia tuyển dụng công chức nhằm tiếp nhận nguồn nhân lực phục vụ cho nền công vụ Việt Nam.

Một phần của tài liệu Luận án Đào Mạnh Hoàn (Trang 40 - 42)