Khái niệm công chức

Một phần của tài liệu Luận án Đào Mạnh Hoàn (Trang 34 - 37)

Ở Việt Nam, thuật ngữ công chức được sử dụng khi thực dân pháp chính thức cai trị nước ta. Thực dân Pháp đã xây dựng tổ chức chính quyền trên lãnh thổ Việt Nam, để bộ máy này hoạt động, chính quyền thực dân Pháp đã sử dụng công chức người Pháp và công chức là người bản địa. Do đó, những người ở chính quyền phong kiến được chính quyền Pháp tiếp tục sử dụng vẫn được gọi là quan lại.

Ngày 20/5/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký và ban hành Sắc lệnh số 76/SL có nội dung quy định về “Quy chế công chức”. Theo quy định của Sắc lệnh này, công chức là những công dân Việt Nam được chính quyền nhân dân tuyển để giữ một chức vụ thường xuyên trong các cơ quan Chính phủ, ở trong hay ở ngoài nước, trừ những trường hợp riêng biệt do Chính phủ quy định. Trong quy chế này chỉ đề cập tới công chức là những người làm việc trong các cơ quan của chính phủ, còn những người làm việc trong các cơ quan thuộc chính quyền địa phương thì chưa được quy định [49].

Trong các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, không có cụm từ công chức. Ngày 25/5/1991 Hội đồng Bộ trưởng đã ký Nghị định số 169- HĐBT về công chức nhà nước. Theo đó, công chức nhà nước được quy định: “Công dân Việt Nam được tuyển dụng và bổ nhiệm giữ một công vụ thường xuyên trong một công sở của Nhà nước ở Trung ương hay địa phương; ở trong

nước hay ngoài nước; đã được xếp vào một ngạch, hưởng lương do ngân sách Nhà nước cấp”.

Tại Hiến pháp năm 1992 quy định những người làm việc trong các cơ quan nhà nước bằng cụm từ: “cán bộ, viên chức Nhà nước”. Khái niệm công chức được hiểu là viên chức nhà nước.

Ngày 26/02/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 02-/CTN về cán bộ, công chức:“ Cán bộ, công chức quy định tại Pháp lệnh này là công dân Việt Nam, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, thẩm phán và kiểm sát viên, quân nhân chuyên nghiệp…”. Căn cứ Pháp lệnh này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.Công chức được quy định: “Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc giao giữ một công vụ thường xuyên, được phân loại theo trình độ đào tạo, ngành chuyên môn, được xếp vào một ngạch hành chính, sự nghiệp, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp”. Công chức được quy định rộng rãi gồm tất cả những người làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Không quy định tách bạch giữa các đối tượng là cán bộ, công chức và chưa quy định rõ vị trí của cán bộ được bầu cử và các chức danh chuyên môn ở cấp xã.

Căn cứ vào tình hình, yêu cầu thực tế của hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương về công tác tổ chức cán bộ, ngày 29/4/2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức. Pháp lệnh quy định cán bộ, công chức là công dân Việt Nam, trong biên chế, được bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ, người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên làm việc trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; cấp tỉnh; cấp huyện và cấp xã. Pháp lệnh sửa đổi năm 2003 đã bổ sung đối tượng cán bộ, công chức cấp xã. Quy định này đã khiến cho số lượng cán

bộ, công chức ở nước ta tăng lên rất nhiều nhưng đã khắc phục được khoảng trống trong công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức.

Trước yêu cầu của công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 quy định về chế độ công chức dự bị; Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 quy định việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức. Theo đó, công chức: “là công dân Việt Nam, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước, được giao làm nhiệm vụ, công vụ trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội”. Lần đầu tiên, nhà nước ta đã ban hành văn bản, trong đó phân biệt giữa cán bộ, viên chức và công chức. Những ai làm việc trong cơ quan nhà nước từ cấp xã trở lên là công chức, những người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập là viên chức. Như vậy, đã có sự thu hẹp phạm vi công chức.

Tuy nhiên, nhiều nội dung của Pháp lệnh cán bộ, công chức 1998 và năm 2003 đã thể hiện sự bất cập, hạn chế. Do đó, ngày 13/11/2008, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật Cán bộ, công chức 2008. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, có một luật quy định về cán bộ, công chức. Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức 2008:

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước [100].

Qua quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Nội vụ đã tổng hợp ý kiến góp ý từ các Bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ và Quốc hội ban hành Luật số 52/2019/QH14 ngày 25/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trong đó quy định về công chức như sau:

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước [103].

Một phần của tài liệu Luận án Đào Mạnh Hoàn (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(186 trang)
w